Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Hạ nguồn bắt tay, thượng nguồn… hứa


Ngày 30.03.2010, 08:25 (GMT+7)
Hội nghị thượng đỉnh uỷ ban sông Mekong quốc tế
Hạ nguồn bắt tay, thượng nguồn… hứa
SGTT - “Trung Quốc cho biết nước này đã sẵn sàng cung cấp cho ban thư ký của Uỷ ban sông Mekong quốc tế (MRC) số liệu từ các trạm khí tượng thuỷ văn tại Cảnh Hồng và Mạn Loan trong mùa kiệt năm nay, bắt đầu ngay từ tuần này”, ông Jeremy Bird, tổng thư ký MRC, thông báo trong cuộc họp báo diễn ra ở Bangkok (Thái Lan) vào ngày 26.3.2010.
Người nông dân Campuchia này sống trên một đoạn sông Mekong chảy qua tỉnh Kandal, Campuchia. Năm nay, anh phải đi xa hơn ra ngoài sông mới có nước để đem về, trong khi trước đây, anh có thể lấy nước ngay trong bờ. Mực nước sông Mekong xuống 33cm so với trước đây, mức cạn nhất trong 50 năm qua. Ảnh: Reuters
Tin này được loan báo trong bối cảnh Trung Quốc cho đến cuối tuần trước, vẫn từ chối cung cấp thông tin về dòng chảy ở thượng nguồn, liên quan đến những đập thuỷ điện của họ, vào mùa kiệt.
Trung Quốc cho xây dựng tám đập lớn, và đã hoàn thành một nửa, bao gồm Mạn Loan, Đại Chiếu Sơn, Cảnh Hồng, và nhất là Tiểu Loan, lớn chỉ sau đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử. Cho đến nay, theo phân tích của ban thư ký MRC, tình trạng cạn kiệt ở lưu vực con sông này, nhất là trên địa phận Lào và bắc Thái Lan, ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, chủ yếu là do lượng mưa cực kỳ thấp, hơn là do tác động của các công trình hạ tầng trên dòng chính.
Tuy nhiên, trong một thông điệp truyền hình hồi đầu tháng, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã gắn liền Trung Quốc với những hệ quả tai hại mà các nước hạ nguồn đang phải gánh chịu, và cho biết sẽ yêu cầu Trung Quốc đàm phán song phương về vấn đề này. Phản ứng mạnh mẽ của ông Abhisit, người đang chịu một sức ép ngày càng tăng trong nước, đặc biệt là phong trào áo đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin, đã được đánh giá như một động thái xoa dịu dư luận, trước khi ông phải chủ trì một cuộc hội nghị thượng đỉnh quan trọng liên quan đến vấn đề này vào đầu tháng tới.
Hạ nguồn đồng ca
Lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của MRC, một hội nghị ở cấp cao được tổ chức vào 5.4.2010, tại Hua Hin (Thái Lan). Đại diện của các quốc gia và tổ chức quốc tế tài trợ, cũng như các tổ chức phi chính phủ về môi trường, sẽ tham gia cùng với Thủ tướng Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, và đại diện của Myanmar và Trung Quốc, dự kiến ở cấp bộ trưởng, tham gia sự kiện cột mốc kỷ niệm 15 năm thành lập tổ chức khu vực này.
Ngoài một tuyên bố chung nêu lên những thành tựu, thách thức và hướng ưu tiên trong giai đoạn sắp tới, có thể hội nghị Hua Hin sẽ thông qua một cơ chế tổ chức hội nghị thượng đỉnh bốn năm một lần. “Tức là các nước thành viên phải hoàn thành nhiều công việc hơn, có những kết quả cụ thể hơn trong bốn năm đó, và các vị thủ tướng có thể ngồi lại với nhau để ra những thông điệp mạnh mẽ hơn”, ông Lê Đức Trung, tổng thư ký MRC Việt Nam nói.
Trước hội nghị thượng đỉnh Hua Hin ba ngày là một hội thảo quốc tế với chủ đề Quản lý nguồn nước xuyên biên giới trong một thế giới đang thay đổi. Trong hai ngày hội thảo, các đại biểu dự kiến sẽ thảo luận về mối quan hệ giữa sản xuất lương thực và thuỷ điện trong phát triển bền vững, có tham khảo kinh nghiệm từ các khu vực khác trên thế giới. Những người tham dự hội thảo cũng sẽ tham dự một chuyến tham quan thực tế, để chứng kiến tình trạng sông cạn kiệt nghiêm trọng ở Thái Lan, và hệ luỵ nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp, cũng như cuộc sống của nông dân.
Trong số các mục tiêu của hội nghị Hua Hin, hai vấn đề được chú ý nhiều nhất là sự tăng cường quan hệ hợp tác với Trung Quốc và Myanmar, cũng như thúc đẩy hợp tác với một cơ chế tiểu vùng khác là Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).
Thượng nguồn vọng tiếng
Cho đến nay, Trung Quốc chỉ thực sự quan tâm đến GMS, bởi cơ chế này phục vụ cho mục tiêu chính mà họ theo đuổi là thúc đẩy quan hệ thương mại – đầu tư trong khu vực vùng sông Mekong. Việc thúc đẩy hợp tác giữa hai cơ chế này với nhau là một mục tiêu được coi là sáng suốt của những nước hạ nguồn, khi họ có thể mặc cả với Trung Quốc trong một bài toán với lợi ích tổng thể của cả hai bên.
Ông Bird còn cho biết thêm rằng vào năm ngoái Trung Quốc đã thông báo với ban thư ký MRC về kế hoạch hạn chế việc tích nước cho các đập chỉ vào mùa lũ, để tránh gây ảnh hưởng cho các nước hạ nguồn. Tuy nhiên, việc họ thông báo hoãn vô thời hạn chuyến tham quan đập Tiểu Loan, được cho là bắt đầu tích nước từ đầu mùa khô năm ngoái (tháng 10), ngay sau khi đồng ý tổ chức vào đầu tháng 3 vừa rồi, khiến cho dư luận có lý do để nghi ngại.
Mặc dù vậy, những người theo đuổi cuộc đối thoại đầy khó khăn với Trung Quốc suốt gần 14 năm qua, lại có những lý do để lạc quan. “Tuyên bố của Trung Quốc sẽ làm sáng tỏ sự mập mờ liên quan đến vụ việc này, và tiếp tục góp phần vào quá trình xây dựng lòng tin cần thiết để giải quyết những vấn đề căng thẳng khác trong khu vực như an ninh lương thực và biến đổi khí hậu”, ông Bird nhận xét.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét