Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Những mối tình Việt – Nhật thời chiến


Ngày 07.04.2009, 19:22 (GMT+7)
Kỳ cuối: Những uẩn khúc chưa được giải mã
Câu chuyện tình dang dở của cô gái Việt với các quân nhân Nhật Bản đã được Miyuki Komatsu – một giáo viên tiếng Nhật và người viết tự do – viết ký sự Những Madame Butterfly của Việt Nam vào năm 2004
Những người Nhật chụp ảnh chung với nhau tại lớp học chính trị trước khi hồi hương. Ảnh: tư liệu
Madame Butterfly là tên vở nhạc kịch nổi tiếng của Giacomo Puccini, được viết dựa trên những gì đã thực sự diễn ra ở Nagasaki, Nhật Bản, vào đầu những năm 80 của thế kỷ 19. Đó là câu chuyện về mối tình của một cô geisha xinh đẹp với một sĩ quan hải quân Mỹ. Sau tuần trăng mật hạnh phúc, viên sĩ quan lên tàu trở về quê hương, để rồi ba năm sau quay lại với một cô vợ Mỹ mới cưới. Giao đứa con cho bố nó, với hy vọng nó sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn, người thiếu phụ xứ Phù Tang này đã tự đâm vào trái tim mình. Cô chọn cái chết trong danh dự theo truyền thống gia đình.
Ký sự Miyuki Komatsu được công bố vào thời điểm 100 năm sau ngày vở nhạc kịch này được công diễn lần đầu tiên, và 50 năm sau khi những người Nhật của thế hệ “những người Việt Nam mới” đầu tiên phải trở về nước. Komatsu bắt đầu quan tâm đến số phận của những gia đình Nhật – Việt này từ đầu những năm 90, khi phát hiện ra trong số những học sinh của mình có những người học tiếng Nhật để đi tìm bố.
Những nhân vật trong ký sự của Komatsu (những người chấp nhận trả lời phỏng vấn), gồm các bà Nguyễn Thị Xuân, Cao Thị Lộc và Nguyễn Thị Nga, không phải chọn “cái chết trong danh dự” như người phụ nữ Nhật trong vở nhạc kịch. Họ phải sống, phải gắng vượt qua những khó khăn chung của đất nước thời kỳ đó, và cả những khó khăn mà ước lệ xã hội dành cho riêng họ – những người vợ Nhật, để nuôi nấng những đứa con thơ.
Trừ bà Nga đã tái giá, sau khi được chồng viết thư báo là đã lập gia đình bên Nhật, theo Komatsu, tất cả người đàn bà còn lại đều chờ đợi, một cách mơ hồ nhưng cao cả, về một ngày đoàn tụ. Họ đều đã tin rằng các đức ông chồng của họ được tổ chức giao cho một nhiệm vụ quan trọng, vì lợi ích của phong trào cách mạng hai nước.
Chỉ có điều, họ không hiểu, khi cách mạng Việt Nam đã thành công, rồi quan hệ giữa hai nước được bình thường hoá và ngày càng phát triển, những người đàn ông vẫn không quay lại tìm họ và các con. Theo tìm hiểu của Komatsu, có khoảng 20 Madame Butterfly Việt Nam như vậy, sống ở Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên…
Những nguyên nhân thực sự
Trên thực tế, sự hồi hương của những người Nhật, như các ông chồng của những Madame Butterfly Việt Nam, được thực hiện do thoả thuận giữa đại diện hai nước, thông qua hai hội chữ thập đỏ. Tháng 6.1954, tại hội nghị quốc tế nhằm giải quyết căng thẳng trên thế giới tại Stockholm (Thuỵ Điển), đại biểu phía Việt Nam đã tiết lộ với đại biểu Nhật rằng “vẫn còn có những quân nhân Nhật ở lại Việt Nam”, và “vì mục đích nhân đạo nên Việt Nam sẽ trao trả họ về nước”. Khoảng 600 – 700 người Nhật được hồi hương trong bốn đợt. Đợt cuối cùng là năm 1960.
Lý giải về động thái này của phía Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng Việt Nam đã thực sự bỡ ngỡ trong việc “ứng xử” với những người nước ngoài sống trên lãnh thổ mình. Trong khi đó, những người Nhật nghiên cứu sâu về chủ đề này, lại nghĩ khác. Họ liên tưởng tới một tác động nào đó, hay ít nhất là việc học tập kinh nghiệm, từ Trung Quốc, vốn khá phổ biến ở miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn đó.
Sau khi làm cách mạng thành công vào năm 1949, những người cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu giúp đỡ Việt Nam về vũ khí và chuyên gia quân sự. Cũng từ đó, vai trò của những người Việt Nam mới, trong đó có những người Nhật, ở Việt Nam cũng dần thay đổi. Chỉ một số ít tiếp tục công tác trong bộ Tổng tham mưu với tư cách tham mưu, hay huấn luyện, còn hầu hết chuyển sang các khu vực dân sự. Khi hơn 70 người Nhật đầu tiên hồi hương qua ngả Trung Quốc, họ được gộp với những quân nhân Nhật ở Trung Quốc tại Thiên Tân, trước khi lên tàu về cảng Maizuru.
Sự liên tưởng này dường như càng có cơ sở hơn, khi những người đã có vợ con ở Việt Nam, như ông Kozumi chồng bà Nguyễn Thị Xuân, người đã từng nói “sẽ chết ở Việt Nam chứ không về Nhật”, cuối cùng cũng buộc phải chia tay vợ con họ. Khi Kozumi về Nhật, người con út của ông vẫn đang còn nằm trong bụng mẹ. Theo tìm hiểu của Komatsu, cũng như một số hãng truyền thông Nhật khác, đa số những người Nhật hồi hương, theo “mục đích nhân đạo” đó, đều phải giấu giếm quá khứ ở Việt Nam. Ở Nhật, họ bị coi là những kẻ đào tẩu, nhất là lại sang hàng ngũ quân đội một nước xã hội chủ nghĩa.
Komatsu cho biết vào những năm 50, Chính phủ Nhật đã tiến hành cuộc săn lùng cộng sản rất gắt gao. Những người trở về từ Việt Nam, trong đó có những đảng viên Đảng Lao động (nay là Đảng Cộng sản) Việt Nam, như ông Kozumi, là những đối tượng bị đặc biệt chú ý. Họ phải chọn cuộc sống mai danh ẩn tích để hy vọng tồn tại. Cho đến nay, theo Komatsu, trong số 600 – 700 người Nhật hồi hương chỉ có khoảng 120 người là còn trong danh sách liên lạc.
Nỗ lực đơn phương của truyền thông Nhật
Năm 1992, hãng truyền hình NHK thực hiện phóng sự về một số ít người Việt Nam mới, những người có may mắn đưa được cả gia đình về Nhật trong hai đợt cuối, quay trở về Việt Nam thăm họ ngoại và bạn bè. Những người làm phóng sự đã kết hợp gặp gỡ một số gia đình bị bỏ lại ở Việt Nam và nêu nguyện vọng muốn tìm chồng, tìm cha ở Nhật với đầy đủ danh tính của họ.
Sau khi phóng sự này được phát, NHK đã nhận được một số cú điện thoại, cáo buộc hãng này đã vi phạm những quy định về bí mật đời tư, và, thậm chí, doạ kiện ra toà. Ông Trần Huy Công, người cùng tham gia làm phóng sự này, cho biết: “Ngoài sự nhạy cảm về chính trị, nhiều người Việt Nam mới sau khi về đã lập gia đình bên đó. Có thể, họ sợ những xáo trộn”.
Tuy nhiên, giới truyền thông của Nhật còn tiếp tục quay lại chủ đề này thêm vài lần nữa. Cuối những năm 90 TV Asahi làm tiếp một phóng sự, trước khi NHK làm hẳn một bộ phim kéo dài 50 phút trong loạt 12 bộ phim tài liệu phát sóng hàng tháng, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thế chiến thứ hai kết thúc. Đó là chưa kể những bài báo của Asahi Shimbun, ký sự Madame Butterfly Việt Nam của Komatsu đăng trên một tạp chí của Nhật, hay ký sự ba kỳ của nguyên trưởng ban tiếng Việt đài phát thanh NHK Norio Kato đăng trên báo Tuổi Trẻ năm 2005…
Ngoài mục đích phản ánh một giai đoạn vừa hào hùng, vừa bi thảm, lại đầy bí ẩn trong quan hệ hai nước, họ mong muốn giúp những gia đình đã ly tán có cơ hội một lần đoàn tụ lại, dù trên danh nghĩa. Nhiều lần, Komatsu, Kato, hay Trần Huy Công, không phải vì mục đích báo chí, đã lặn lội đi tìm tung tích những người Việt Nam mới và gia đình họ.
Komatsu hiểu bối cảnh phức tạp về chính trị, xã hội và cả đời sống riêng tư ở Nhật Bản đối với những người đàn ông Nhật hồi hương. Nhưng ở Việt Nam, cho đến giờ người ta vẫn không quan tâm đến vợ con những người được chứng nhận là có công với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn khó khăn ấy, đối với chị vẫn là một câu hỏi.
Huỳnh Phan

1 nhận xét:

  1. Tôi không thể cảm ơn Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đủ để giúp tôi khôi phục lại cuộc hôn nhân của mình với niềm vui và sự an tâm của nhiều vấn đề gần như dẫn đến ly hôn. Cảm ơn Chúa, tôi đã tổ chức Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đúng giờ. Hôm nay tôi có thể nói với bạn rằng Tiến sĩ EKPEN TEMPLE là giải pháp cho vấn đề này trong hôn nhân và mối quan hệ của bạn. Liên lạc với anh ấy tại (ekpentemple@gmail.com)

    Trả lờiXóa