Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Xác định những ưu tiên trong tương lai


Ngày 07.09.2009, 07:55 (GMT+7)
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh thăm Úc
Xác định những ưu tiên trong tương lai
Việt Nam xuất siêu sang Úc chủ yếu nhờ dầu thô. Ảnh: TL
SGTT - “Chuyến thăm Úc từ 6.9 đến 9.9 của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh, theo lời mời của Thủ tướng Kevin Rudd, thể hiện tầm quan trọng của mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa hai quốc gia châu Á – Thái Bình Dương”, giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Úc, nhận xét. Ông Nông Đức Mạnh là tổng bí thư thứ hai sang thăm Úc, sau ông Đỗ Mười (1995).
Về mối quan hệ song phương, bộ Ngoại giao Úc đánh giá: “Việt Nam là đối tác được đánh giá rất cao của Úc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Úc và Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn khu vực như hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, APEC và đã cùng bày tỏ sự quan tâm trong việc xây dựng một khu vực ổn định và thịnh vượng”.
Được Thủ tướng Kevin Rudd mời tham dự bữa tiệc chiêu đãi chính thức của ông dành cho Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, giáo sư Thayer lại dùng một hình ảnh khác để nói về sự tăng cường gắn bó quan hệ giữa hai nước. “Bữa tiệc chiêu đãi lần này được tổ chức hoành tráng tại đại sảnh Great Hall of the People trong toà nhà Quốc hội, trong khi bữa tiệc cách đây 14 năm diễn ra kín đáo trong một phòng ăn nhỏ hơn nhiều trong toà nhà này”, giáo sư Thayer nói.
Kể từ hơn một năm nay, Việt Nam và Úc đang thảo luận hướng tới xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược. Cho đến nay, Việt Nam đã trở thành đối tác kinh tế và chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á của nhiều thế lực lớn trong khu vực như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, hay Hàn Quốc. Việc xác lập và thúc đẩy một quan hệ tương tự với Úc là một phần quan trọng trong chiến lược đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại nhằm đảm bảo an ninh và phát triển bền vững của quốc gia Đông Nam Á này, nhất là trong bối cảnh những căng thẳng xung quanh việc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông có chiều hướng gia tăng.
Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ khá lớn của Úc đối với việc thực thi các cam kết trong WTO của Việt Nam. Úc cùng với New Zealand là hai quốc gia đầu tiên công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường hồi đầu năm nay. Úc cũng ủng hộ chương trình năng lượng tiểu vùng sông Mekong. Với chương trình hợp tác quốc phòng từ 10 năm nay, Úc trở thành quốc gia đào tạo nhiều sĩ quan cho Quân đội nhân dân Việt Nam hơn bất cứ quốc gia nào khác.
Về phần mình, Úc đánh giá cao Việt Nam với tư cách một quốc gia đang phát triển nhanh và một thành viên ngày càng có vai trò quan trọng trong ASEAN. Việt Nam trong mối quan hệ song phương ngày càng gắn bó và phát triển với Úc sẽ giúp quốc gia đại dương này ngày càng hiểu biết thêm và xích lại gần hơn nữa với ASEAN. Đặc biệt, Úc mong muốn Việt Nam ủng hộ mình trong nỗ lực ứng cử cho ghế thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, và thúc đẩy sáng kiến xây dựng cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2020 mà Thủ tướng Kevin Rudd đã đề xuất.
“Úc đặc biệt coi trọng vai trò chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm tới. Chuyến thăm của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sẽ là một cơ hội cho lãnh đạo Chính phủ Úc vận động sự ủng hộ của Việt Nam cho hai kế hoạch này”, giáo sư Thayer nhận xét.
Tuy nhiên, giáo sư Thayer không cho rằng việc thảo luận về “quan hệ đối tác chiến lược” sẽ là một trong những chủ đề nổi bật trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Kevin Rudd và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. “Về chuyện này, Úc còn chưa mặn mà lắm, bởi vẫn có sự bất đồng giữa hai bên về khái niệm này. Đối với Úc, từ “chiến lược” bao hàm ý tưởng phối hợp nhằm thúc đẩy an ninh toàn cầu và khu vực bằng những biện pháp thực tiễn”, giáo sư Thayer nói.
“Nếu có những tuyên bố nào đó, chắc hẳn đó là sự tăng cường hợp tác về một loạt lĩnh vực như viện trợ phát triển, giáo dục – đào tạo, khoa học – kỹ thuật, và quan trọng nhất là thương mại – đầu tư”, giáo sư Thayer dự đoán.
Theo đánh giá của Đại sứ quán Úc tại Hà Nội, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại năng động nhất của Úc trong khu vực Đông Nam Á, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 20% trong năm năm vừa qua. Năm 2008, con số này đạt gần 5,6 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu gần 2,9 tỉ USD. Về đầu tư, cho đến cuối năm 2008 Úc có 193 dự án với tổng vốn cam kết là 1,04 tỉ USD và vốn thực hiện là 500 triệu USD.
Theo ông Hà Duy Tùng, phó vụ trưởng Hợp tác quốc tế, bộ Tài chính, hiệp định Thương mại tự do ASEAN với Úc và New Zealand, dự kiến có hiệu lực từ đầu năm tới, sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước. “Úc chắc chắn sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam những mặt hàng Việt Nam không có lợi thế sản xuất như thịt cừu, sữa nguyên liệu, và một số loại hoa quả. Còn với Việt Nam, tận dụng cơ hội này như thế nào là một vấn đề, bởi xuất siêu Việt Nam sang Úc cho đến nay chủ yếu dựa vào dầu thô”, ông Tùng nhận xét.
Huỳnh Phan – Hà Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét