Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Việt Nam trong quan hệ với ASEAN và Trung Quốc


Ngày 15.01.2009, 07:36 (GMT+7)
Năm 2009 theo tôi là năm bản lề với Việt Nam. Việt Nam còn duy trì vai trò  của mình trong hội đồng bảo an thêm một năm nữa. Và cũng năm nay, Việt Nam tiếp nhận chức chủ tịch ASEAN từ Thái Lan, để nắm vai trò điều phối khu vực này. Đây là cơ hội rất tốt để mở rộng quan hệ với các nước, không chỉ trong khu vực.
Carl Thayer, giáo sư học viện Quốc phòng Úc
Tôi không nghĩ Việt Nam, hay Indonesia, hay Singapore, hay Thái Lan, có thể là thủ lĩnh của ASEAN, bởi nguyên tắc đồng thuận của tổ chức này, nhưng đóng một vai trò nổi bật thì hoàn toàn có thể. Trong vòng 5 – 10 năm tới ASEAN có thể là một người chơi quan trọng trong sân chơi toàn cầu. Bởi sau khi thông qua hiến chương ASEAN, một số cơ chế đã được thiết lập để thúc đẩy từng thành viên vươn lên để đạt chuẩn.
Trung Quốc đang cố gắng thiết lập một mối quan hệ và ảnh hưởng với ASEAN qua chính sách “láng giềng thân thiện và phát triển hài hoà”. Nhưng ASEAN không muốn bị Trung Quốc thống trị. Khối này muốn Hoa Kỳ khôi phục và tăng cường sự hiện diện của mình, nhưng không phải với vai trò kẻ thống trị.
Việc Việt Nam có thể đóng một vai trò nổi bật trong ASEAN, và việc có được hưởng lợi hay không từ chuyện đó trong quan hệ với Trung Quốc vẫn là một câu hỏi lớn. Dưới thời Thaksin, người Thái gần gũi với Trung Quốc hơn bất cứ ai khác. Sau sự đi xuống của Indonesia, Thái Lan đã cố gắng tìm cách thể hiện vai trò thủ lĩnh, nhưng rồi lại gặp bất ổn. Hiện nay, đến lượt Việt Nam đang đóng một vai trò nổi bật trong khối này. Tôi nghĩ thật là tốt nếu ASEAN với 500 triệu dân có thể làm cách nào đó để có thể đối phó với Trung Quốc về mặt kinh tế, và Việt Nam cần thể hiện tích cực hơn vai trò của mình trong khối này.
Mặc dù chậm, Việt Nam tự cứng cáp dần lên, để có thể bảo vệ chủ quyền ở khu vực biển Đông. Việt Nam đã biết cách cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc theo hướng đa phương. Việt Nam đã biết cách áp dụng chính sách nước đôi. Trong chính trị hiện đại người ta buộc phải làm thế, nhưng hoàn toàn không phải là “bắt cá hai tay”.
Về mối quan hệ ở biển Đông, tôi nghĩ đây là một ván cờ. Trung Quốc đã đặt một quân cờ quan trọng ở đảo Hải Nam, khi hệ thống vệ tinh đã chụp được tàu ngầm hạt nhân của họ ở đó. Việt Nam đã có chiến lược biển. Theo đánh giá của các chuyên gia trên Euro Time, nguồn lợi khu vực này, bao gồm bờ biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, sẽ đóng góp ít nhất khoảng trên 50% GDP và 65% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2020. Tức là phần quan trọng nhất trong sự phát triển của Việt Nam đang bị họ giữ làm con tin.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ này, nếu Trung Quốc cư xử không tốt với Việt Nam, điều đó có thể ảnh hưởng đến những mối quan hệ khác, bởi Việt Nam là thành viên của ASEAN. ASEAN lại có thoả thuận tự do thương mại với Trung Quốc. Trung Quốc muốn khai thác những nguồn tài nguyên của Đông Nam Á, và cả thị trường này. Đó là lý do vì sao họ lại quan tâm đến hệ thống hạ tầng giao thông nối với Đông Nam Á. Bởi, tuy tất cả các nước đều có lợi, Trung Quốc là nước lợi nhất.
Đó là chưa nói đến mối quan hệ trong khuôn khổ tiểu vùng sông Mekong mở rộng với sự tham gia tích cực của ADB với các dự án hạ tầng giao thông như đường cao tốc, đường sắt hay cảng, giúp cho Vân Nam và Quảng Tây có thể tiếp cận với cảng biển, và nhờ đó kinh tế ở hai tỉnh này có thể phát triển được. Điều này, ngược lại, mang lại lợi thế mặc cả cho Việt Nam trong vấn đề biển Đông, bởi Trung Quốc cũng rất sợ đường bộ qua Việt Nam bị phong toả.
Nhưng, điều oái oăm nằm ở chỗ, chính quyền trung ương ở Trung Quốc lại đứng ngoài những vấn đề của khối tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Họ để cho cấp tỉnh ở Vân Nam và Quảng Tây tham gia cơ chế này, và việc họ xây hàng loạt đập nước không phải là chủ đề phàn nàn của chính phủ các nước hạ lưu Mekong với chính phủ Trung Quốc.
Họ cứ lẳng lặng xây đập mà không quan tâm tới số phận và đời sống bị ảnh hưởng nặng nề của những nông dân, ngư dân sống ở hạ nguồn. Chính vì vậy, những khẩu hiệu như “láng giềng tốt”, “phát triển hài hoà”, hay “thế giới hài hoà”, mà Trung Quốc công khai tuyên bố, trở nên vô nghĩa khi những nước bị ảnh hưởng không được tham vấn trước.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á cũng có mặt tích cực là cảnh báo cho Mỹ không được bỏ quên khu vực này. Mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc hoàn toàn khác nhau. Việt Nam có cùng những lợi ích với Mỹ về kinh tế, và cả lợi ích an ninh của mình, nhưng Việt Nam và Mỹ lại bất đồng về dân chủ và nhân quyền. Với Trung Quốc, Việt Nam có đồng quan điểm về dân chủ, nhân quyền, nhưng mâu thuẫn nhiều hơn về lợi ích kinh tế.
Trong ván cờ, như tôi đã nói ở trên, Việt Nam cũng có những con cờ quan trọng. Vấn đề là ở cách đi thế nào thôi.
Huỳnh Phan ghi 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét