Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh


Ngày 17.05.2010, 07:25 (GMT+7)
Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh
SGTT - Trong bài Bác Hồ ở Indonesia năm 1959 trên tuần báo Quốc Tế, cựu trung tướng Soehario Padmodiwirio đã kể với ký giả Đỗ Ngân Phương rằng, trong thời gian hai tuần Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Indonesia, ông (lúc đó mang quân hàm đại tá) đã được đích thân Tổng thống Sukarno cử đi bảo vệ.
Sự cẩn thận của Tổng thống Sukarno có lý do riêng của mình. Bởi, ngay tối hôm đầu tiên đến Jakarta, vị thượng khách của Tổng thống Sukarno đã làm ông một phen “đứng tim”.
Vi hành trong đêm
Tổng thống Soekarno che dù cho Hồ Chủ tịch tại Bandung, nhân chuyến thăm Indonesia của Bác Hồ năm 1959 Ảnh: T.L
Ngày 27.2.1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Jakarta, bắt đầu chuyến thăm chính thức Indonesia. Đây là quốc gia thứ ba theo đường lối dân tộc chủ nghĩa mà Hồ Chủ tịch đi thăm, sau Ấn Độ và Miến Điện.
Ngay tối hôm đó, sau lễ đón chính thức, lúc trở về nghỉ ở tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Jakarta, Hồ Chủ tịch đã nói với ông Hoàng Tuý, một cán bộ tổng lãnh sự quán, rằng ông muốn đến thăm một gia đình Việt kiều ở Jakarta. Đó là một gia đình Việt kiều có nhiều gắn bó với quê hương, thông qua cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam.
“Thưa Bác, tại sao lại phải đến ngay lúc này? Bác mới sang còn mệt, chờ sáng mai cũng được mà”, ông Hoàng Tuý hỏi lại.
“Nhưng đúng lúc này bà con lại rất mong mình. Vả lại, chú đừng có lo. Mình lặng lẽ đi, không để ai biết cả, sẽ không có chuyện gì đâu”, Hồ Chủ tịch vừa nhìn thẳng vào ông Hoàng Tuý vừa đáp, như đọc được nỗi lo lắng trong mắt nhà ngoại giao trẻ tuổi.
Khi ông Hoàng Tuý đưa Hồ Chủ tịch tới gia đình Việt kiều đó, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ông là cả gia đình đang quây quần bên chiếc radio, nghe tường thuật lại về chuyến thăm của vị nguyên thủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. “Khỏi phải nói họ đã từ ngỡ ngàng đến mừng rỡ thế nào, khi thấy Bác Hồ”, ông Hoàng Tuý kể lại.
Sau khi thăm hỏi, Hồ Chủ tịch mời cả gia đình về tổng lãnh sự quán. Khi họ tới, Hồ Chủ tịch đã nói với các nhân viên phục vụ người Indonesia: “Mời các bạn về nghỉ. Đây là việc trong nhà của chúng tôi”.
Tất cả mọi người trong tổng lãnh sự quán, kể cả vị tổng lãnh sự, đều phải vào vai phục vụ. Đun nước, pha trà, bày bánh kẹo, hoa quả…
Hôm sau, một nhân viên bảo vệ người Indonesia trong tổng lãnh sự quán nói với ông Hoàng Tuý: “Tôi phục Ông Cụ quá! Anh biết đấy, cũng như ở mọi cơ quan đại diện ngoại giao, các nhân viên phục vụ ở đây đều là sĩ quan an ninh cả đấy. Tôi quý Việt Nam thì không sao. Chứ những người khác, khi Ông Cụ rời khỏi đây, họ sẽ đến hoạnh hoẹ, hạch sách cái gia đình Việt kiều đó”.
Viên sĩ quan an ninh cũng kể lại với ông Hoàng Tuý rằng ngay sau khi nhận được tin Hồ Chủ tịch “vi hành” tối hôm đó mà không có xe cảnh sát bảo vệ, Tổng thống Sukarno đã gọi điện khiển trách bộ trưởng Nội vụ.
“Tổng thống Sukarno chỉ thay đổi thái độ, thậm chí cười tươi, khi sáng hôm sau, những tờ báo lớn của Indonesia trên bàn của ông đều giật những cái tít lớn, ý đại loại như Hồ Chí Minh quá tin tưởng vào nền an ninh của Tổng thống Sukarno”, ông Hoàng Tuý kể lại, và cho biết thêm tình hình Indonesia lúc đó khá phức tạp.
Ứng xử với học giả và báo giới
Nhà ngoại giao trẻ tuổi Hoàng Tuý cũng đã mục sở thị về những sự linh hoạt khác trong ứng xử thường ngày của Hồ Chủ tịch. Có hai câu chuyện mà ông thường kể lại cho học trò và con cái.
Từ trái sang (hàng ngồi): Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổng thống Soekarno, giáo sư Sjafei Soemardja tại học viện kỹ thuật Bandung năm 1959. Ảnh: Flickr
Một lần, Hồ Chủ tịch được mời đến giao lưu với giới học giả ở Jakarta. Đứng trên bục diễn giả, Hồ Chủ tịch đọc bài nói chuyện được chuẩn bị sẵn bằng tiếng Việt, chờ, thông dịch viên dịch sang tiếng Anh. Sau chừng dăm phút, ông Hoàng Tuý đã nhận thấy dưới các hàng ghế cử toạ nhiều khuôn mặt tỏ ra lơ đãng, thậm chí có những mái đầu bạc trắng đã hơi ngoẹo sang một bên, “Thôi, hỏng rồi”, ông thầm nghĩ.
“Các vị buồn ngủ lắm phải không?” Hồ Chủ tịch đột nhiên bật ra một câu tiếng Anh, Cả hội trường tự nhiên đầy tiếng lao xao.
“Nói chuyện với các học giả như các vị mà lại nói theo công thức, lại qua giọng đều đều của thông dịch viên nữa, các vị không buồn ngủ mới lạ”, Hồ Chủ tịch nói tiếp.
Những cánh tay giơ lên đặt câu hỏi. Cuộc trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh giữa Hồ Chủ tịch và giới học giả Indonesia đã diễn ra cực kỳ rôm rả. “Hồ Chí Minh đã chuyển bại thành thắng”, một vị học giả quen biết nói nhỏ vào tai ông Hoàng Tuý.
Một lần khác, trong một cuộc họp báo quốc tế, một phóng viên Mỹ đứng lên đặt câu hỏi: “Thưa ông Hồ Chí Minh, ông đánh giá về vai trò của Mỹ trong khối SEATO (tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á, gồm Úc, Pháp, Anh, New Zealand, Pakistan, Philippines, Thái Lan và Mỹ?”
Trước đó, Tổng thống Sukarno, dù thể hiện sự ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong sự nghiệp thống nhất đất nước, vẫn đề nghị Hồ Chủ tịch không nhắc đến tên nước Mỹ trong các phát biểu của mình trên đất Indonesia. Đơn giản bởi vì lúc đó Chính phủ của Sukarno đang nhận viện trợ của Mỹ.
“Ông là phóng viên của hãng nào?”, Hồ Chủ tịch hỏi lại.
“UPI”, phóng viên Mỹ dõng dạc xướng tên hãng.
“Thưa ông, SEATO là một tổ chức của Đông Nam Á. Vậy sự có mặt của những nước không thuộc Đông Nam Á trong tổ chức này có hợp lý không?”, Hồ Chủ tịch tiếp tục.
Phóng viên UPI im lặng.
Hồ Chủ tịch hướng ánh mắt về phía các phóng viên Liên Xô và Đông Âu. Một số tiếng “không” vang lên từ phía đó.
“Các vị là phóng viên của những hãng nhỏ mà trả lời được câu hỏi này. Thế mà ông phóng viên của một hãng hàng đầu trên thế giới lại không biết”, Hồ Chủ tịch khẽ lắc đầu.
Phóng viên UPI lặng lẽ bước ra khỏi phòng họp báo.
“Tôi đã được nghe nhiều chuyện về cách ứng xử của Bác Hồ với người Pháp, người Liên Xô, hay người Trung Quốc, nhưng những điều tận mắt chứng kiến như trên khiến tôi tin người ta đã đúng khi nói rằng có một phong cách Hồ Chí Minh”, ông Hoàng Tuý kết luận.
HUỲNH PHAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét