Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Bầu cử quốc hội Campuchia: Đảng Hunsen không thắng, họ áp đảo


Ngày 28.07.2008, 11:09 (GMT+7)
“Cuộc bầu cử này quan trọng, nhưng chỉ là mối quan tâm thứ hai của tôi bây giờ, bởi sự xâm phạm của binh lính Thái Lan vào phần đất của chúng tôi mới là mối quan tâm quốc gia lớn nhất của tôi”, Sy Buntheng, một sinh viên 27 tuổi ở Phnom Penh, đã được hãng tin AP trích dẫn như vậy một ngày trước khi cuộc bầu cử quốc hội ở Campuchia diễn ra (ngày 27.7.2008).
Kek Galabru, một nhà hoạt động nhân quyền có tiếng, đồng thời là người giám sát bầu cử, thậm chí còn đi xa hơn, khi khẳng định của ông được trích dẫn cũng bởi hãng tin này: “Bây giờ, mọi người đều đứng sau chính phủ bởi đây là thể chế duy nhất có thể đối phó với chính quyền Thái Lan. Điều đó có nghĩa là ông Hunsen sẽ nhận được nhiều phiếu hơn”.
Sự cố tranh chấp liên quan đến ngôi đền Preah Vihear, được UNESCO công nhận là di sản thế giới của Campuchia, giữa nước này và Thái Lan, đã bất ngờ tạo thêm một lợi thế cho thủ tướng Hunsen trong việc tập hợp thêm những người ủng hộ chính phủ của ông dưới ngọn cờ của lòng yêu nước, trước thềm cuộc bầu cử quốc hội. (Chính phủ của ông Hunsen đã đưa vấn đề này lên Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, mà không tham vấn trước các thành viên khác trong ASEAN, với một thông điệp rõ ràng với người dân Campuchia là “sự liên kết trong khối này là quan trọng, nhưng không quan trọng bằng lợi ích quốc gia”.)
“Thực ra, không cần có động thái này, đảng CPP của ông Hunsen, cũng hoàn toàn có thể thắng trong cuộc bầu cử này, bởi chính phủ của ông Hunsen đã cải thiện được uy tín trong điều hành của mình rất nhiều cả về đối nội lẫn đối ngoại, để có thể tìm kiếm thêm sự ủng hộ của cử tri”, một chuyên gia về Campuchia của bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị giấu tên, nhận xét.
Về đối ngoại, Campuchia cũng đã nâng cao được uy tín quốc tế của mình, khi tham gia tích cực vào nhiều định chế đa phương như WTO (cuối năm 2003), ASEM (cuối năm 2004), hay những tổ chức tiểu vùng khác. Còn mạnh dạn hơn quốc gia láng giềng của mình, hiện là ủy viên Hội đồng bảo an, Campuchia đã cử các nhân viên y tế tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Về đối nội, trong 5 năm của nhiệm kỳ vừa rồi, chính phủ Campuchia đã thể hiện tương đối tốt vai trò điều hành nền kinh tế của mình, khi GDP liên tục tăng trưởng cao (năm 2007 là 9,5%, và năm 2008 đầy khó khăn này cũng được IMF dự báo là ít nhất 7%), và nhiều công trình, dự án phúc lợi xã hội đã được thực hiện.
Xác định rõ nền sản xuất nội địa của mình quá nhỏ bé, chính phủ của ông Hunsen, trong cam kết WTO của mình, đã không ngần ngại mở cửa thị trường, và theo đuổi nền kinh tế thị trường tự do, hưởng lợi từ việc tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc về kinh tế, nhất là từ khu vực Đông Bắc Á. Những cải thiện về kinh tế, uy tín quốc tế, cũng như môi trường đầu tư, đã giúp nước này ngày càng trở thành một địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, khi tổng số vốn FDI cam kết đã tăng từ 84 triệu USD năm 2003 lên 488 triệu năm 2006.
Trong khi chính phủ liên hiệp (với Funcinpec) đạt được những kết quả như trên, thì những đảng đối lập, đáng kể nhất là Funcinpec và Sam Rainsy, lại không thể hiện được điều gì tích cực trong con mắt của cử tri, nếu không nói là tự làm suy yếu mình đi. Chính vì lẽ đó, trong một phát biểu nhân khánh thành một trường đại học ở tỉnh Banteay Meanchey, ông Hunsen đã tự tin nói: “Một khi ông (Sam Rainsy) vẫn tiếp tục là một lãnh tụ đối lập, tôi vẫn tiếp tục là lãnh tụ đảng cầm quyền. Tôi không muốn đối mặt với những người sống mà không khỏe mạnh, hay những người yếu mà chưa chết”.
Sau vụ bị kiện tụng liên quan đến cáo buộc là vu khống chính phủ và trốn thuế, ông Sam Rainsy đã phải chạy ra nước ngoài để thoát thân. Lãnh tụ của đảng đối lập mang tên ông chỉ được trở về sau, một phần nhờ có sức ép của Mỹ và các đồng minh phương Tây, nhưng chủ yếu phải ký một thỏa thuận với ông Hunsen là trong cuộc bầu cử quốc hội 7.2008, đảng nào giành quá bán là được đứng ra lập chính phủ, thay vì giành được 2/3 số ghế như qui định cũ. Sau sự kiện đó, hơn 10 ngàn đảng viên của đảng này, bao gồm cả một số quan chức cấp trung ương, địa phương, và nghị sĩ, đã bỏ sang hàng ngũ CPP.
Trong khi đó, môt đảng đối lập khác là Funcinpec, cũng tự tan rã khi lãnh tụ của họ là hoàng thân Norodom Ranariddh đã bị tòa án nước này kết án vắng mặt 18 tháng tù giam vì bị cáo buộc gian lận trong vụ bán trụ sở của đảng này ở thủ đô Phnom Penh. (Tháng 10.2006 ông Ranariddh đã thành lập đảng riêng mang tên mình, kéo theo sự phân chia của Funcinpec làm ba đảng nhỏ).
Nhưng trước đó, sai lầm lớn nhất của ông Ranaridhh là đã để mặc cho các đảng viên Funcinpec là quan chức cấp trung ương cũng như địa phương dính líu vào tham nhũng, điều mà nhiều năm trước ông cùng các lãnh tụ đối lập khác kết tội ông Hunsen cùng bộ sậu của ông ta. Ông Hunsen, sau đó, được kể lại rằng đã lớn tiếng “phản pháo”: “Quan chức của Funcinpec yếu về trình độ, mạnh về tham nhũng, làm cho đất nước yếu đi. Chính CPP đang bị Funcinpec hút máu”.
“Họ làm vậy, vì đây là cơ hội có một không hai để đảng CPP giành được đa số áp đảo trong quốc hội, mà không sợ sự phản đối công nhận kết quả bầu cử của quốc tế, cũng như giành lấy lòng dân”, chuyên gia nói trên của bộ ngoại giao Việt Nam kết luận.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét