Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Thêm hai ngày vất vả


Ngày 25.07.2008, 13:41 (GMT+7)

Một trong những dự án nằm trong mối quan tâm đầu tư ODA của Nhật. Ảnh: H.T
Rời bàn đàm phán 6 bên về khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và diễn đàn khu vực ASEAN tại Singapore, ngoại trưởng của Nhật Bản và Triều Tiên đã bay sang Hà Nội vào hôm nay. Họ đến không phải để tiếp tục gặp tay đôi, như những người thuộc cấp của họ đã từng làm cách đây gần một năm rưỡi, nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề người Nhật bị cho là phía Triều Tiên bắt cóc
Họ vào gặp phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm, người vừa có một chục ngày hết sức vất vả khi vừa chủ trì phiên họp Hội đồng bảo an xong đã phải bay về Singapore dự hội nghị ngoại trưởng ASEAN và các sự kiện kèm theo.
Đông Dương, Myanmar và PCI
Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ngoại trưởng Nhật Bản Koumura diễn ra trong bối cảnh hai nước Đông Á đang tiến hành kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. “Tôi nghĩ đây là một trong những chuyến công du quan trọng nhất cho đến nay của ngài ngoại trưởng”, phó phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nhật Bản Taniguchi nói trong cuộc họp báo ngày 22.7 tại Tokyo. Theo dự kiến, trong khoảng thời gian chưa đầy một ngày tại Hà Nội, ông Koumura sẽ cùng người đồng cấp phía Việt Nam chủ trì phiên họp lần thứ hai của uỷ ban Hợp tác kinh tế Nhật – Việt, được quyết định thành lập trong chuyến thăm Nhật vào tháng 5.2007 của ông Phạm Gia Khiêm.
Mặc dù từ chối tiết lộ những nội dung cụ thể sẽ bàn thảo, ông Taniguchi vẫn hé lộ rằng chính sách ngoại giao của Nhật đối với khu vực này tập trung rất mạnh vào việc giúp thiết lập một mạng lưới giao thông và hậu cần tại bán đảo Đông Dương, cụ thể nhất là hành lang Đông – Tây. Có thể hiểu rằng Nhật Bản đang tiếp tục tham vọng mở rộng ảnh hưởng về đầu tư - thương mại của mình ra hai nước còn lại của bán đảo này, và đến cả Myanmar, những quốc gia được coi là đang bị một “đại gia” khác ở Đông Bắc Á tranh giành ảnh hưởng.
“Tôi muốn lưu ý rằng chính quyền Myanmar cũng cần hiểu rằng nếu họ mở cửa nền kinh tế và dần dần cải thiện cơ chế điều hành, họ có thể nhận được nhiều hỗ trợ và đầu tư từ cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật… Người Việt Nam đang gửi một thông điệp như vậy đến người Myanmar thông qua những trải nghiệm của mình đối với cộng đồng quốc tế, và hơn thế nữa là với cộng đồng doanh nghiệp và người dân Nhật…”, ông Taniguchi nói.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà nhiều người rất quan tâm là liệu ngoại trưởng Nhật có nêu đề nghị phía Việt Nam phối hợp điều tra vụ scandal hối lộ của PCI, nhà tư vấn của nhiều dự án ODA tại Việt Nam, trong cuộc gặp riêng với ông Khiêm ngay sau phiên họp, hay không. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Lê Dũng khẳng định rằng cho đến nay chưa hề có đề nghị chính thức nào thông qua con đường ngoại giao.
Theo nguồn tin riêng của Sài Gòn Tiếp Thị, cơ quan điều tra của Nhật đã có đề nghị phối hợp với an ninh kinh tế của bộ Công an Việt Nam trong vụ việc này. Trong khi đó, những nguồn tin từ phía Nhật nói rằng nhiều khả năng vụ hối lộ của PCI sẽ được đưa ra thảo luận tại tiểu ban tư pháp của hạ viện Nhật vào tháng tám tới, mặc dù theo thông lệ đây là tháng nghỉ hè của các nghị sĩ.
Gạo và chuyến thăm của ông Kim Jong Il
Đến Hà Nội vào tối 25.6, khi ngoại trưởng Nhật chuẩn bị rời nơi này, ông ngoại trưởng Triều Tiên Park Ui Chun mang theo hành trang là hiệp ước thân thiện và hợp tác với ASEAN, vừa ký bên lề ARF. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, việc tham gia hiệp ước này tạo điều kiện cho quốc gia Đông Bắc Á đang bị cô lập trên thế giới này cơ hội mở rộng hợp tác, nhất là kinh tế - thương mại, với một khu vực được coi là rất năng động trên thế giới.
Tuy nhiên, trong cuộc hội đàm với ông Phạm Gia Khiêm ngày hôm sau, có lẽ mối quan tâm của ông Park Ui Chun chủ yếu vẫn xoay quanh việc chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam sắp tới của nhà lãnh đạo Kim Jong Il (ông Park Ui Chun dự kiến sẽ tiếp kiến cả Tổng bí thư và Thủ tướng về việc này), và yêu cầu nhà xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới và đang được mùa này hỗ trợ một phần cho những người dân Triều Tiên đang đói kém.
Tuy quan tâm nhiều đến chính sách đổi mới của Việt Nam, những kinh nghiệm mở cửa và chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhưng cho đến nay, theo một quan chức vụ Đông Bắc Á, những đoàn sang Hà Nội học hỏi chủ yếu là các quan chức và chuyên gia nông nghiệp. Lần này, chắc ông Park Ui Chun còn được chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm quý báu nữa, khi hội nghị Trung ương 7 vừa rồi đã đúc kết được một nghị quyết quan trọng về tam nông.
Triều Tiên mấy năm nay bị mất mùa liên tục, tổng sản lượng lương thực chỉ khoảng 4 triệu tấn, tức là chưa bằng riêng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Trong giai đoạn từ 2000 – 2005, Việt Nam đã tặng Triều Tiên 12 ngàn tấn gạo, và nước này còn nợ 20 ngàn tấn gạo mua từ năm 1996 chưa thanh toán (cả gốc lẫn lãi tương đương với 17 triệu USD tính đến giữa năm 2007).
Người ta cho rằng ông Park Ui Chun có thể hy vọng, bởi những thành quả ngoại giao với Triều Tiên, qua đó giúp họ trở lại với cộng đồng quốc tế, sẽ là một sự quảng bá tốt cho hình ảnh của một uỷ viên hội đồng bảo an, hơn nữa lại là đương kim chủ tịch cơ quan này, kể cả trong các mối quan hệ song phương nhất định.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét