Ngày 23.07.2008, 08:20 (GMT+7)
Ngoại trưởng các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và phó thủ tướng Thái Lan Sahas Banditkul chụp hình lưu niệm tại hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN. Các hoạt động của ASEAN ngày càng thu hút sự chú ý của các nước ngoài khối. Ảnh: Reuters
|
Trong khi thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ thông qua hiến chương của khối trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN tổ chức vào cuối năm nay tại Thái Lan, vẫn còn ba nước chưa phê chuẩn hiến chương. Liệu để thông qua hiến chương, nguyên tắc đồng thuận của khối này có bị phá vỡ?
Ngày 21.7 chính quyền quân sự Myanmar đã phê chuẩn hiến chương ASEAN. Đây là một tin vui cho những người kỳ vọng vào một ASEAN có liên kết chặt chẽ hơn với tư cách là một tổ chức liên chính phủ và có tư cách pháp nhân, tiến tới xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Hiện khối ASEAN chỉ còn chờ ba thành viên cuối cùng phê chuẩn hiến chương này là Philippines, Malaysia và Indonesia.
Trước đó một ngày, trong bài phát biểu khai mạc hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM), Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng khối này đã quyết định thúc đẩy việc thực thi hiến chương mà không cần chờ đợi sự phê chuẩn của tất cả các thành viên, với việc bắt đầu tiến hành hai lĩnh vực chính trong hiến chương là cơ chế dàn xếp tranh chấp và cơ quan nhân quyền ASEAN. “… Tiến độ hợp nhất ASEAN không thể được quyết định bởi những thành viên có thủ tục nội bộ chậm chạp nhất, hay nói cách khác, mọi thành viên sẽ bị níu lại bởi vấn đề của một thiểu số”, ông Lý Hiển Long phát biểu.
Điều này đã đặt ra một câu hỏi lớn: liệu nguyên tắc đồng thuận có bị phá vỡ trong tiến trình xây dựng một cộng đồng ASEAN thống nhất hơn? Sự cố khác cũng đặt ra thách thức với việc tăng cường tính liên kết nội khối mà hiến chương ASEAN hướng tới, đó là việc Campuchia đã báo cáo vấn đề tranh chấp biên giới với Thái Lan lên hội đồng Bảo an mà không tham khảo ý kiến các thành viên khác, trong khi điều 20 trong hiến chương ASEAN nói rõ: tham vấn và đồng thuận vẫn là nguyên tắc cơ bản trong quá trình ra quyết sách.
Về vấn đề đầu tiên, phó vụ trưởng vụ ASEAN (bộ Ngoại giao) Hà Thị Ngọc Hà khẳng định: “Nếu một trong mười nước chưa phê chuẩn được thì dứt khoát hiến chương này chưa thể có hiệu lực. Đây là chắc chắn trăm phần trăm”. Bà Hà cho biết ở ba nước chưa thông qua hiến chương này, chính phủ đều gặp phải những khó khăn nội bộ trong quan hệ với quốc hội, còn “các nguyên thủ có nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN cuối năm ngoái thì mới có hiến chương để phê chuẩn”.
Như vậy, có thể hiểu phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long là một cách tạo dư luận để gây sức ép lên quốc hội ba nước còn lại. “Hơn nữa, với tư cách là đương kim chủ tịch luân phiên của ASEAN, thủ tướng của Singapore, nước đầu tiên phê chuẩn hiến chương ASEAN, hẳn cũng sốt ruột muốn thể hiện vai trò của mình trong tiến trình này trước khi trao quyền chủ tịch cho Thái Lan vào cuối năm nay”, một chuyên gia khác, đề nghị giấu tên, của bộ Ngoại giao nhận xét.
Về việc “khiếu kiện vượt cấp” của Campuchia, những quan chức Việt Nam được hỏi đều từ chối bình luận (Có thể điều này tương đối nhạy cảm với vị trí chủ tịch luân phiên của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an trong tháng này). Tuy nhiên, có thể hiểu được vị thế bị thúc bách của Thủ tướng Hun Sen và đảng của ông khi cuộc bầu cử quốc hội sắp diễn ra, mà vấn đề tranh chấp biên giới là câu chuyện của hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ. Trong khi đó, cơ chế giải quyết tranh chấp theo hiến chương ASEAN cũng chỉ được các ngoại trưởng ASEAN nhất trí đưa ra bàn thảo tại hội nghị vừa rồi.
ASEAN là một sự thống nhất trong đa dạng, bao gồm những thể chế chính trị và trình độ phát triển kinh tế khác nhau, ắt hẳn không dễ dàng gì tìm kiếm sự đồng thuận. Chính vì vậy, với mong muốn nhanh chóng thực thi bản hiến chương của mình, hiệp hội này đang tiến tới một liên kết chặt chẽ hơn vào năm 2015 là cộng đồng ASEAN, trước khi nghĩ tới một cái gì đó vững chắc và đầy sức mạnh kiểu như liên minh châu Âu.
Huỳnh Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét