Ngày 21.07.2008, 09:40 (GMT+7)
10 ngày sau khi kết thúc cuộc đối thoại “Chương trình các nhà lãnh đạo Việt Nam trong phát triển” kéo dài 3 ngày do bộ Ngoại giao, đại học Harvard và tập đoàn BP đồng tổ chức, Thủ tướng có ý kiến đồng ý về nguyên tắc việc mời các chuyên gia kinh tế quốc tế có uy tín vào trao đổi, tư vấn chính sách cho các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế (theo công văn số 4585 VPCP-HTQT). Bình luận về sự kiện này, TS Nguyễn Quang A nói: “Tôi nghĩ việc Chính phủ có một ý tưởng như thế là rất tốt, tức là họ muốn lắng nghe”.
Nhóm nghiên cứu đại học Harvard đã được chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời góp ý về kinh tế Việt Nam khi ông tham dự khoá họp của đại hội đồng Liên hiệp quốc mùa thu năm ngoái. Ba bản báo cáo mà nhóm này đã chuyển cho Chính phủ Việt Nam (bản mới nhất là ngày 22.6) được thực hiện với sự tài trợ của UNDP. Trước đó, kể từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhóm này với với nhân vật chủ chốt là giáo sư David Dapice đã có nhiều nghiên cứu về Việt Nam trong Chương trình Việt Nam, hiện là một phần của Các chương trình châu Á do trường Kennedy thực hiện.
Một quan chức của bộ Ngoại giao, cơ quan được Thủ tướng giao làm đầu mối lựa chọn mời các chuyên gia kinh tế quốc tế vào Việt Nam để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn giúp đỡ Việt Nam, nhận xét rằng động thái này là một dấu hiệu cho thấy Chính phủ dường như đã muốn có một cái nhìn toàn diện hơn về vai trò thực sự trong nền kinh tế của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, vốn xưa nay được cha mẹ (Nhà nước) dồn hết tiền của đầu tư để sớm đỗ đạt mà thay cha mẹ nuôi các em. (Một trong những vấn đề mà nhóm Harvard tập trung vào nhiều nhất trong các báo cáo của mình và cũng cảm thấy “cực kỳ nhạy cảm” là sự kém hiệu quả trong đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế).
Các chuyên gia Harvard đã rất muốn gặp các quan chức bộ ngành, chuyên gia kinh tế và giới doanh nghiệp, để qua đó có thể tác động đến chính sách của Chính phủ. Nhưng họ đã không nhận được sự hưởng ứng cần thiết từ phía Việt Nam
|
TS Nguyễn Quang A, người đã cùng với các đồng nghiệp của mình trong viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam dành cả buổi sáng để góp ý cho bản báo cáo đầu tiên của nhóm này trước hai tháng khi nó được trình lên Thủ tướng, đã nói: “Những nội dung đóng góp đó không phải các chuyên gia trong nước trong thời gian vừa qua không đả động đến, hay nói cách khác ý kiến của nhiều chuyên gia trong nước cũng tương đồng với họ. Cái điểm hay của họ là họ trình bày một cách chuyên nghiệp, có hệ thống”. Cùng chia sẻ quan điểm như vậy, TS Lê Đăng Doanh nhận xét thêm rằng sự khác biệt làm cho những ý kiến của nhóm Harvard có trọng lượng là họ không chỉ nhìn vào kinh tế Việt Nam mà còn so sánh rộng ra quốc tế, như Hàn Quốc và Thái Lan.
Còn nhớ, trong cuộc khủng hoảng tiền tệ vào những năm cuối thế kỷ trước, những nước như Hàn Quốc đã gặp nhiều khó khăn trong việc xác định các giải pháp do không biết số thực nợ nước ngoài của quốc gia, đặc biệt là số nợ của các chaebol (tập đoàn kinh tế), mà theo thông lệ quốc tế đã được chính phủ bảo lãnh là tính vào nợ quốc gia, và, trên thực tế, chính phủ những nước đó đã phải đứng ra xử lý.
Có một câu hỏi lớn đặt ra là sự tham gia của những nhóm chuyên gia nước ngoài như Harvard sẽ đạt hiệu quả đến đâu, một khi họ khó có thể tiếp cận những thông tin, số liệu cụ thể hơn, để có thể kê “toa thuốc” một cách chính xác cho từng căn bệnh cụ thể theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam. “Họ có nói với tôi số liệu thì chưa đầy đủ, kịp thời và nhiều khi còn mâu thuẫn với nhau, nhất là việc tiếp cận những số liệu như của các tập đoàn đối với họ là cực kỳ khó”, TS Lê Đăng Doanh kể lại.
Những người tổ chức cuộc đối thoại đầu tháng 7 vừa rồi cho biết các chuyên gia Harvard khi vào đây đã rất muốn gặp rất nhiều đối tượng bao gồm các quan chức bộ ngành, chuyên gia kinh tế và giới doanh nghiệp, để qua đó có thể tác động đến chính sách của Chính phủ. Nhưng họ đã không được toại nguyện, khi không nhận được sự hưởng ứng cần thiết từ phía Việt Nam. Về phía quan chức chỉ có lèo tèo vài vị thứ trưởng, còn “khách tham dự gần trăm người hôm đầu cứ rụng dần theo từng ngày”.
“Họ rất muốn gặp bên ngân hàng để góp ý, bởi họ nhận thấy điều hành ngân hàng Việt Nam quá chậm so với yêu cầu của kinh tế thị trường, tức là quyền lực điều hành tiền tệ phải tương đối độc lập với chính trị, nhưng cũng không được”, quan chức bộ ngoại giao nói trên cho biết.
TS Nguyễn Quang A nói rằng sự coi trọng của Thủ tướng đối với những góp ý của nhóm Harvard thông qua nội dung của công văn 4585 vừa rồi cũng là sự khẳng định tích cực cho những “chẩn đoán” của các chuyên gia trong nước về những căn bệnh trong nền kinh tế Việt Nam. “Thật là tuyệt vời nếu cũng có những yêu cầu tương tự với những nhóm chuyên gia độc lập trong nước như chúng tôi, để rồi Chính phủ có thêm căn cứ cho quyết định cuối cùng của mình. Họ đứng ở xa nên nhìn toàn cảnh rõ hơn, nhưng có cái nhược điểm là có những khi không sát với thực tế”, ông nói, và cho biết thêm nhóm của ông, cũng giống như nhóm Harvard, hoàn toàn có thể tìm những nguồn tài trợ ngoại ngân sách để thực hiện công việc này.
Huỳnh Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét