Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Việt Nam nên quan tâm hơn nữa đến vấn đề lao động 25/06/2006 17:19


Việt Nam nên quan tâm hơn nữa đến vấn đề lao động

25/06/2006 17:19


Đó là nhận định của Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam, Pete Douglas Peterson. Ông trở lại Việt Nam lần này với tư cách khách mời của “Bàn tròn 20 năm Đổi mới” lần thứ tư, do Viện Khoa học Xã hội, UNDP và SIDA đồng tổ chức. VTCNews đã trao đổi với ông về triển vọng thông qua Quy chế Thương mại Bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam  tại Quốc hội Mỹ trong thời gian tới.


Xin ông cho biết những tin tức mới nhất về cuộc vận động thông qua PNTR  cho Việt Nam tại Quốc hội?

Chắc mọi người đều biết, dự luật này đã được đưa ra giới thiệu với cả hai viện, đã có một cuộc họp báo “hoành tráng”, rất nhiều nghị sĩ thuộc cả hai viện đã đứng ra bảo trợ. Có một cảm giác chung là dự luật này sẽ được xem xét ở các uỷ ban liên quan trước khi đem ra bỏ phiếu tại Quốc hội vào một thời gian hợp lý.

 Việt Nam nên quan tâm hơn nữa đến vấn đề lao động
Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam Pete Douglas Peterson.


Có nhiều người cho rằng đây là một việc làm mang tính thủ tục, nhưng theo kinh nghiệm của riêng tôi, những dự luật kiểu này không bao giờ dễ dàng cả nếu không nói là rất khó khăn.

Điều tôi quan tâm hiện giờ là chúng ta phải đảm bảo rằng mọi việc cần thiết phải được thực hiện một cách nhanh chóng để không xảy ra chuyện dự luật PNTR bị thất bại ở một trong hai viện.

Chúng ta phải tìm mọi cách chứng tỏ lợi ích của việc thông qua PNTR đối với nước Mỹ, rằng đây không phải là hành động “đánh cắp” việc làm đối với người lao động Mỹ, rằng đây là một win-win trade pact (hai bên cùng có lợi), và cũng góp phần thúc đẩy thương mại toàn cầu (một ưu tiên lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ từ nay đến cuối năm). Chúng ta phải chứng tỏ với các nhà lập pháp rằng việc VN tham gia vào WTO sẽ góp phần thúc đẩy thương mại mức độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Thúc đẩy thương mại khu vực và toàn cầu? Ông có thể giải thích rõ hơn không?

Việc một nước phát triển năng động, một nhà sản xuất và xuất khẩu tiềm năng như VN gia nhập WTO, điều đó sẽ tạo thêm một giá trị gia tăng cho cuộc cạnh tranh toàn cầu, tức là những “con hổ” khác cần phải giảm giá hàng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, VN từ trước đến nay vẫn được coi là freelance (không bị ràng buộc) đối với các qui định của WTO thì nay buộc phải tuân thủ nó và tạo cơ hội cho hàng hoá và dịch vụ từ Hoa Kỳ, cũng như các nước khác xâm nhập vào thị trường này.

Đối với vấn đề khu vực, việc gia nhập WTO giúp cho VN về nguyên tắc có vị thế  ngang hàng với ông hàng xóm khổng lồ của mình, và như vậy tạo ra một thế cân bằng hơn trong khu vực.

Vấn đề nhiều người lo ngại nhất hiện nay vẫn là sự chống đối của các nhóm nhân quyền trong cả hai viện của Quốc hội Mỹ. Nhớ lại chuyện thông qua BTA (Hiệp định Thương mại song phương) tại Thượng viện Mỹ năm 2001, chính Thượng nghị sĩ Bob Smith đã đưa vấn đề nhân quyền ra hòng ngăn cản việc thông qua BTA. Đánh giá của ông thế nào?

Theo tôi biết, tuy có những nghị sĩ chống lại VN, nhưng chúng ta có một luận cứ rất tốt về sự tiến bộ của VN trong mười năm qua để từng bước đáp ứng các chuẩn mực chung của thế giới về nhân quyền. VN chưa đạt được mức hoàn thiện (mà nước nào, kể cả Hoa Kỳ, có thể khẳng định mình đã đạt được mức hoàn thiện?), nhưng VN đang đạt được sự tiến bộ qua từng năm.

Có một điều quan trọng nữa là VN đã ý thức được rằng cải thiện tình hình nhân quyền là vấn đề của VN trong quá trình đổi mới, chứ không phải để “trả bài” với các đòi hỏi từ bên ngoài. Trong các dịp tiếp xúc với lãnh đạo VN tôi luôn cố gắng thuyết phục họ coi việc cải thiện đời sống người dân nói chung, cả về tinh thần lẫn vật chất, là đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân trong quá trình phát triển của đất nước.

Tôi cũng lưu ý rằng họ cần phải dự báo trước những đòi hỏi có thể có về nhân quyền từ bên ngoài, đưa ra trước những chính sách để giải quyết những thách thức mới có thể xảy ra. Nếu làm được như vậy VN hoàn toàn có thể đương đầu với những đòi hỏi từ bên ngoài. Theo nhận xét của tôi đã có những tiến bộ nhất định về phương diện này.

Thế còn các nhóm được coi là “thua thiệt” khi Việt Nam vào WTO thì sao?

Những nhóm như thuỷ sản, dệt may… thực ra không mạnh như họ đang cố tỏ ra. Nhóm dệt may ở Mỹ, đúng như người ta thường nói là “thùng rỗng kêu to”. Họ đã phải nhường trận địa cho Trung Quốc, các nước Caribe, hay một vài nước châu Á khác, trong đó có VN. Vả lại, sản xuất dệt may ở Mỹ đã được chuyên môn hoá cao, họ không sản xuất những gì mà chúng ta có thể tìm thấy ở TQ hay VN. Vì vậy tôi không nghĩ rằng họ sẽ “hiếu chiến” như chúng ta vẫn e ngại.

Trong khi đó VN  có sự ủng hộ mạnh mẽ từ những nhà trồng bông, các nhà sản xuất công nghiệp nặng, các nhà sản xuất IT, các nhóm tài chính lớn, các nhà sản xuất nông nghiệp - những người được hưởng lợi lớn từ mối quan hệ với VN. VN chỉ cần kiếm thêm sư ủng hộ từ những nhóm trung dung nữa là yên tâm.

Người ta vẫn lo ngại rằng trong năm bầu cử những vấn đề đối nội như việc làm được coi trọng hơn và có thể sẽ thực sự là một vấn đề?

Năm nay là năm bầu cử (100% đối với hạ viện và 1/3 đối với thượng viện). Tuy trong năm bầu cử những vấn đề việc làm được coi là nhạy cảm, nhưng năm nay rất thú vị đối với những người ủng hộ VN vì tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ khá thấp, chỉ khoảng 4.6-4.8%. Chính vì vậy chúng ta phải giải quyết việc này càng nhanh càng tốt, chứ để muộn hơn, chẳng may tỷ lệ thất nghệp vì lý do gì đó tăng lên cao, và lúc đó việc làm sẽ trở thành một big issue.

Ông có cho rằng vẫn có thể có một hình thức hợp tác nào đó giữa các nhà sản xuất dệt may của hai nước, vì cho dù nếu VN gia nhập được WTO, chúng tôi vẫn gặp phải sự chống đối từ phía họ như kiện tụng về phá giá? 

Tôi vẫn tin rằng có những hình thức hợp tác giữa các nhà sản xuất Hoa Kỳ và VN sau khi VN gia nhập WTO vì lợi ích của cả hai bên (như trường hợp của Nike). Nhưng chắc chắn có những nhà sản xuất dệt may vẫn cố chấp không tin vào sự hợp tác này, và VN đừng nên cố gắng đụng đầu họ. Hãy tránh họ ra để đi lên phía trước. Đừng phí thời gian giải thích, hay thuyết phục họ, hãy tránh họ ra để dành thời gian tiếp cận với những nhóm khác. Đây là một công việc phức tạp và mất nhiều công sức.

Ông nghĩ thế nào về việc họ lợi dụng bất lợi của chúng ta là hạn chế về thời gian để đưa ra những dự luật khác nhằm loại bỏ dự luật PNTR ra khỏi lịch trình Quốc hội?

Tôi nghĩ rằng các nhóm phản đối PNTR hoàn toàn có thể giam lịch trình của Quốc hội bằng những dự luật khác. Nhưng rất may là đảng Cộng hoà hiện đang chiếm vị trí lãnh đạo ở cả hai viện đã phát tín hiệu ủng hộ PNTR.

Đối với một số nghị sĩ đảng Dân chủ, họ có thể làm việc này, và một vấn đề mà phía VN cần quan tâm là “labor issue”, tức là vấn đề liên quan đến các nghiệp đoàn tự do, và việc liệu tổ chức công đoàn ở VN có thực sự là đại diện cho người lao động hay không.

VN phải chuẩn bị sẵn sàng giúp chúng tôi trả lời những câu hỏi liên quan đến tự do hoá thị trường lao động và liệu người lao động VN có bị “bóc lột” bởi các nhà sản xuất hay không.

Ngoài ra, còn những vấn đề liên quan là, quyền của người lao động và điều kiện môi trường. Chắc chắn tại các phiên điều trần, những câu hỏi đó sẽ được nêu ra từ phía các nghị sĩ Dân chủ.

Ông có thể kể về những việc ông đang làm với tư cách là Chairman of the Board (Chủ tịch Hội đồng Lãnh đạo) của Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt (USVTC)? 

Ginny Foote và tôi sát cánh bên nhau trong chiến dịch PNTR này. Với việc USVTC sáp nhập vào Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) vai trò của USVTC không còn như trước nữa mà chỉ là một phần của họ nhưng đối với PNTR thì vai trò vẫn nguyên như cũ. Ginny ở phía trước, là ngọn cờ, còn tôi làm phần việc mà tôi có hiểu biết tốt hơn, hay có mối quan hệ tốt hơn – công việc lobby (vận động hành lang).

Với tư cách là Đại sứ Mỹ đầu tiên ở VN, tôi rất hiểu VN, vì vậy trong các cuộc gặp với những người quen cũ của tôi ở cả hai viện, tôi cố gắng trình bày, thuyết phục và đưa ra những luận cứ cho họ về sự cần thiết phải thúc đẩy quan hệ với VN.

Trong năm nay tôi chỉ gặp chừng 10 đến 15 nghị sĩ, nhưng tôi liên lạc với rất nhiều người và làm những việc như tôi vừa nói. Nếu mọi việc tiến triển đúng như chúng ta mong muốn, có lẽ vào khoảng giữa tháng 7 tôi sẽ trở lại Washington DC và tập trung hết thời gian, sức lực của mình vào giai đoạn quyết định của PNTR.

Xin cảm ơn ông.

Huỳnh Phan thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét