Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Xây dựng khu kinh tế mở: Lệch lạc cách làm



Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư - Tạp chí Kinh doanh Uy tín hàng đầu, số: Học Trung Quốc quy hoạch đô thị, ra ngày 06-09-2010
Xây dựng khu kinh tế mở: Lệch lạc cách làm
Tác giả: Lưu Hương    NCĐT 06/09/2010
Sau 6 năm xây dựng Chu Lai, khu kinh tế mở đầu tiên ở Việt Nam, kết quả thu hút đầu tư hầu như vẫn giẫm chân tại chỗ.
Trong hội thảo “Việt Nam trong thập kỷ tới và sau đó”, tổ chức tại Hà Nội cách đây hơn nửa tháng, một số chuyên gia trong và ngoài nước khẳng định rằng, để tạo ra đột phá trong 10 năm tới, Việt Nam cần có sự đột phá về thể chế thông qua việc phát triển các khu kinh tế tự do. “Đó cũng là sự chuẩn bị cần thiết về thể chế cho giai đoạn sau năm 2020 để Việt Nam có thể tránh mắc vào bẫy thu nhập trung bình”, ông Homi Kharas, chuyên gia kinh tế cao cấp của Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ), nhận định.
Tuy nhiên, kết quả hoạt động của khu kinh tế mở (KTM) đầu tiên của Việt Nam Chu Lai sau 6 năm thành lập cho thấy một kết quả không mấy khả quan. Tổng vốn đầu tư cam kết đến nay đạt 1,4 tỉ USD, bằng đúng con số mà Ban Quản lý khu này đưa ra trong lễ kỷ niệm 2 năm thành lập (2005). Và nhà đầu tư lớn nhất tại Chu Lai lại là một doanh nghiệp trong nước: Công ty Ôtô Trường Hải.
Giải thích lý do Khu Kinh tế mở Chu Lai thất bại trong việc thu hút các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài, Tiến sĩ Võ Đại Lược, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã có sự nhầm lẫn về khái niệm của các khu kinh tế. “Bản chất kinh tế mở là tự do về thể chế chứ không phải cơ chế. Thực chất Chu Lai vẫn là một khu công nghiệp, với ưu đãi ngang bằng với vùng khó khăn nhất và độ mở cửa ngang với khu cửa khẩu Lao Bảo. Tức là chẳng có gì đặc biệt cả”, ông Lược, Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về phát triển khu kinh tế tự do, nhận xét.
Đột phá về thể chế để phát triển
Theo Tiến sĩ Lược, mục đích thành lập ra các khu kinh tế tự do ở các nước trên thế giới, bất kể là ở những nước phát triển như Mỹ, các thành viên Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, hay đang phát triển như Trung Quốc và Malaysia, là tạo ra những đột phá về thể chế. Bởi vì, rất khó có thể tiến hành cải cách thể chế một cách đồng loạt trên bình diện quốc gia. Nhật là một trường hợp hiếm hoi đã cải cách thể chế trên cả nước thành công vào thời Minh Trị, đưa Nhật tiến thẳng từ một nền kinh tế nông nghiệp vào hàng ngũ các nước phát triển.
Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc đã từng đến Thâm Quyến (Quảng Đông) và nói với những người thành lập đặc khu kinh tế này rằng, Chính phủ Trung ương không thể cho họ tiền, mà chỉ cho thể chế thôi. “Các anh phải từ thể chế đó mà tìm ra tiền”, ông đã phát biểu.
Thể chế hiện đại và quốc tế là yếu tố quyết định thu hút đầu tư. Kế đến mới là các tiêu chí khác như vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao và sự liên kết trong một tuyến tăng trưởng. “Họ đã áp dụng ở Thâm Quyến mô hình tự chủ của Hồng Kông, và thể chế này sau đó đã được áp dụng cho các đặc khu kinh tế ven biển khác của Trung Quốc. Kết quả là 80% đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã được tập trung ở vùng ven biển”, ông Lược dẫn chứng.
Thể chế của các đặc khu kinh tế ở Trung Quốc là thể chế phát sinh từ mô hình thể chế của Hồng Kông, với quyền tự chủ thể hiện qua những tư tưởng chung là “chính phủ nhỏ, xã hội lớn”, "phê duyệt ít, dịch vụ nhiều”, “hiệu quả cao, pháp chế hoá” và “tinh giản thống nhất và hiệu quả”.
Chính phủ Trung Quốc cho phép các đặc khu kinh tế có thể chế ưu tiên khác với thể chế trong nước, theo mô hình hướng ngoại, tới mức “một quốc gia trong một quốc gia”, để có thể thu hút được vốn, kỹ thuật, phương pháp quản lý của nước ngoài.
“Chẳng hạn, về tư tưởng “nhà nước nhỏ, xã hội lớn”, nếu như ở các tỉnh thành ở Trung Quốc có tới 65 cơ quan đầu mối quản lý thì ở những đặc khu kinh tế như Thâm Quyến, các cơ quan hành chính cấp đặc khu chỉ còn 4 đơn vị. Đó là các cục phát triển kinh tế, phát triển thương mại, vận tải và nông nghiệp”, ông Lược đưa ra ví dụ.
Phải lắng nghe nhà đầu tư nước ngoài
Trong khi đó, ở Việt Nam, mặc dù Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã hoạch định ra 15 khu kinh tế suốt dọc chiều dài của đất nước nhưng không có một khu nào có thể chế đúng với tiêu chuẩn của một khu kinh tế tự do, tức là có quy chế tự quản và quốc tế hóa cao. “Việt Nam cần tiến tới cấp quản lý hành chính riêng cho các khu kinh tế. Chứ một khu kinh tế mở như Chu Lai không thể đặt dưới sự quản lý hành chính của một tỉnh thuộc loại nghèo nhất Việt Nam. Điều này dẫn đến việc trình độ quản lý khó mà hiện đại được”, ông Lược nhận xét.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng, trong giai đoạn đầu xây dựng các khu kinh tế tự do ở Việt Nam, các khu này có thể vẫn trực thuộc một tỉnh, hay thành phố. Và những tỉnh hay thành phố này cần được hưởng cơ chế tỉnh hoặc thành phố mở. Theo cách làm của Trung Quốc, những khu kinh tế mở được hưởng những ưu đãi về thuế, một số ưu đãi về thể chế hành chính và kinh tế, về đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy ưu đãi này thấp hơn các đặc khu kinh tế, nhưng cao hơn so với cả nước. “Những tỉnh, thành phố mở (mở cửa) có thể là Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, hay TP.HCM”, ông Lược gợi ý dựa trên những điều tra về nguyện vọng của các nhà đầu tư nước ngoài.
Nguyện vọng của các nhà đầu tư nước ngoài là một điểm mà ông Lược cho rằng cần hết sức lưu ý trong việc chọn lựa địa điểm xây dựng các khu kinh tế tự do. Theo ông, đặc điểm của các nhà đầu tư nước ngoài là tận dụng được lợi thế so sánh và cạnh tranh. Theo đó, họ sẽ chọn những nơi nào có tiềm năng lớn mà chưa được khai thác. Bên cạnh đó, họ sẽ đóng góp thêm một số ý tưởng, một ít tiền và xin thêm những cải cách về thể chế. Khi đó, tiềm năng lợi thế sẽ trở thành tài nguyên lợi thế.
Ông Lược cho biết, khi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ông được biết rằng ở khu kinh tế Vân Đồn, ngoài ông trưởng ban quản lý lo giữ đất, chẳng có nhà đầu tư nước ngoài nào ngó ngàng đến nơi này cả. “Họ đến đây để kiếm tiền, chứ không phải làm từ thiện, giúp Việt Nam phát triển các vùng nghèo khó”, ông Lược nhận xét.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét