Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Đừng để gỡ chân này lại mắc chân kia


Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư - Tạp chí Kinh doanh Uy tín hàng đầu, số: Cuộc chiến trên những chiếc LCD, ra ngày 12-07-2010
Kiện chống bán phá giá: Đừng để gỡ chân này lại mắc chân kia
Tác giả: Lưu Hương    NCĐT 12/07/2010
Thay vì cứ phải chạy theo giải quyết từng vụ kiện chống bán phá giá, tốt hơn Việt Nam nên có một bước tiến dài để được công nhận là nền kinh tế thị trường.
Trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng xuất khẩu của Việt Nam đi các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hay Nhật, số vụ kiện chống phá giá cũng ngày càng tăng. Ngoài việc khởi kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Mỹ áp thuế chống phá giá đối với tôm là không công bằng, Việt Nam, cho đến nay, vẫn chỉ dừng ở mức lên tiếng hoặc tìm cách vận động sự ủng hộ của những nhóm cùng chia sẻ lợi ích. Nhưng trên thực tế, trong nhiều trường hợp, Việt Nam vẫn thất bại.
Những người đang trợ giúp Việt Nam trong dự án hỗ trợ thương mại đa phương (Muntrap) của EU lại có cách tiếp cận vấn đề rộng và xa hơn. Trong một buổi hội thảo gần đây về rào cản trong thương mại quốc tế, ông Claudio Dordi, trưởng nhóm Muntrap, đã gợi ý: “Cách tốt nhất cho Việt Nam là hãy chủ động bước một bước tiến dài hơn như đạt được một hiệp định thương mại tự do với EU chẳng hạn, trong đó phải có điều kiện công nhận là nền kinh tế thị trường, thay vì cứ “gỡ chân này, rồi lại mắc chân kia” trong cái đám bùng nhùng các vụ kiện chống phá giá. NCĐT đã gặp ông để trao đổi kỹ hơn về ý tưởng này.
Cơ sở nào khiến ông đưa ra gợi ý như vậy?
Hàng nhập khẩu từ Việt Nam luôn là đối tượng để những khu vực phát triển như EU, Mỹ, hay Nhật áp thuế chống phá giá, bởi Việt Nam chưa có quy chế của nền kinh tế thị trường. Các nước nhập khẩu luôn tìm ra những lý do kỹ thuật, dựa vào những tính toán theo các tiêu chí của mình, để cho rằng các nhà xuất khẩu Việt Nam đã bán phá giá. Mặc dù trong những trường hợp cụ thể, điều đó đã không diễn ra.
EU luôn có sự đánh giá hằng năm về quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Lời khuyên của tôi là hãy gắn sự công nhận nền kinh tế thị trường như một điều kiện đi kèm, khi đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương. Quy chế kinh tế thị trường còn có ý nghĩa quan trọng khi vào năm 2016, Trung Quốc sẽ được công nhận là nền kinh tế thị trường. Trong khi theo thỏa thuận với WTO, Việt Nam có quy chế này chậm hơn 2 năm. Do Việt Nam và Trung Quốc có nhiều sản phẩm xuất khẩu giống nhau nên trong 2 năm đó, hầu hết các vụ kiện chống phá giá sẽ nhằm vào hàng hóa nhập từ Việt Nam, khiến cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam càng kém cạnh tranh so với hàng Trung Quốc.
Vì vậy, sẽ có 2 sách lược cho Việt Nam. Thứ nhất, cố gắng mặc cả để có quy chế nền kinh tế thị trường càng sớm càng tốt. Thứ hai, trong trường hợp xấu hơn, mặc cả để có quy chế này không muộn hơn Trung Quốc.
Nhưng, một khi đã được công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam có thoát được các vụ kiện chống phá giá?
Điều này là không tránh khỏi trong thương mại quốc tế. Nhưng, trong trường hợp đó, việc áp thuế sẽ không dựa trên cơ sở so sánh với giá xuất khẩu của nước thứ ba. Nước khởi kiện sẽ điều tra trực tiếp việc liệu có sự bán phá giá khi xuất khẩu so với giá bán ở thị trường trong nước hay không. Còn nếu so sánh với nước thứ ba thì sẽ rất khó để Việt Nam chứng minh được rằng đã không bán phá giá, bởi rất khó so sánh điều kiện sản xuất kinh doanh và chi phí liên quan của 2 nước.
Ít nhất, trên thực tế, trong trường hợp vẫn bị áp thuế chống phá giá, mức thuế khi có quy chế kinh tế thị trường vẫn thấp hơn nhiều khi chưa có.
Theo ông, về phần mình, Việt Nam phải làm gì để sớm có sự công nhận này?
Trong 5 tiêu chí để được công nhận là nền kinh tế thị trường, có 2 tiêu chí khá quan trọng. Đó là nhà xuất khẩu phải áp dụng chế độ kế toán theo chuẩn mực quốc tế và không được có sự can thiệp hành chính của Nhà nước, hay ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp. EU không quan tâm đến việc Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, mà chỉ quan tâm đến việc thị trường không bị méo mó do sự can thiệp của Nhà nước. Quy định về cơ chế quản lý giá cũng được coi là một tác động làm méo mó thị trường.
Xin ông giải thích cụ thể hơn?
Theo tôi, cơ chế quản lý giá sẽ đặt Việt Nam vào nguy cơ kéo dài việc được công nhận là nền kinh tế thị trường. Bởi điều này phá vỡ nguyên tắc về tự do cạnh tranh theo luật cạnh tranh. Luật cạnh tranh đã có và Việt Nam cứ sử dụng công cụ này cho tốt, thay vì hãy cứ cố nghĩ ra một cái gì đó mới mẻ hơn so với những quy định đang được hầu hết thế giới công nhận.
Chẳng hạn, khi giá cả tự nhiên tăng đột ngột, Việt Nam cần phải sử dụng công cụ chống độc quyền trong luật cạnh tranh để xử lý. Bởi sự tăng giá khác thường chắc chắn đến từ sự độc quyền của một doanh nghiệp lớn nào đó, hay sự câu kết để độc quyền của một nhóm doanh nghiệp.
Hay, luật bảo vệ người tiêu dùng ở nhiều nước khác cũng là một công cụ hữu hiệu để quản lý giá. Nhưng hình như ở Việt Nam, công cụ này vẫn chưa được sử dụng cho đúng thực chất.
Qua những hội thảo về rào cản trong thương mại quốc tế như vừa rồi, ông thấy nhận thức của các quan chức điều hành thương mại và các nhà xuất khẩu Việt Nam đã có những chuyển biến gì chưa?
Các quan chức chính phủ tuy đã nhận thức được vấn đề, nhưng chưa thuyết phục được cấp trên của mình. Còn các doanh nghiệp xuất khẩu thì chưa có hành động cụ thể để giải quyết triệt để tình hình. Họ dường như có xu hướng tìm những thị trường khác dễ tính hơn để tránh bị kiện bán phá giá.
Nhưng có 2 doanh nghiệp đã được EU công nhận có quy chế kinh tế thị trường và được lợi hơn hẳn trong các vụ kiện chống phá giá.
Ông có thể kể cụ thể hơn về hai trường hợp này?
Trường hợp thứ nhất là một doanh nghiệp sản xuất xe đạp ở TP.HCM, đã nhận được quy chế kinh tế thị trường năm 2005, sau khi họ bị dính vào một vụ kiện chống phá giá đối với các nhà xuất khẩu xe đạp Trung Quốc và Việt Nam. Kết quả, mức áp thuế họ phải chịu thấp hơn hẳn so với các doanh nghiệp bị kiện khác.
Năm ngoái, trong vụ kiện chống phá giá đối với móc khóa inox, một doanh nghiệp ở Biên Hòa đã đạt được quy chế trên và thậm chí còn được miễn thuế chống phá giá. Họ đã đề nghị được kiểm tra để xem xét lại và kết quả là họ đã đạt được đầy đủ 5 tiêu chí của EU.
Trong khá nhiều vụ kiện chống phá giá, đối tượng bị kiện thường là Trung Quốc và Việt Nam. Ông có lời khuyên gì với các nhà xuất khẩu Việt Nam?
Cố gắng đừng bán sang các thị trường phát triển những sản phẩm cùng chủng loại và phẩm cấp với hàng Trung Quốc. Thứ hai, cẩn thận với các nhà đầu tư từ Trung Quốc muốn sang Việt Nam sản xuất những mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu, bởi họ muốn tránh xuất xứ hàng Trung Quốc, đối tượng bị kiện chống phá giá ở EU hay Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét