Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Nhật Bản: Đằng sau một tuyên bố từ chức


Ngày 03.09.2008, 08:13 (GMT+7)
Nhật Bản: Đằng sau một tuyên bố từ chức
Thủ tướng Yasuo Fukuda đã bất ngờ tuyên bố từ chức tối 1.9 với lý do “tình hình chắc chắn sẽ khác đi nếu ai đó, chứ không phải tôi, là người đứng đầu chính phủ”
Ông Yasuo Fukuda, người vừa bất ngờ tuyên bố từ chức. Ảnh: Reuters
Chính phủ Nhật đang mong đợi quốc hội vào giữa tháng 9 sẽ thông qua một số chính sách, trong đó có việc cho phép lực lượng hải quân Nhật Bản tiếp tục hoạt động tiếp nhiên liệu ở Ấn Độ Dương, thành lập cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, và thông qua ngân sách bổ sung dành 18 tỉ USD kích thích nền kinh tế mà chính ông Fukuda đã công bố cuối tuần trước.
Nhưng chẳng có gì đảm bảo rằng người kế nhiệm ông Fukuda sẽ điều hành chính quyền tốt hơn, một khi những vấn đề mà liên minh cầm quyền đang phải đối mặt vẫn không thay đổi. Đầu tháng 8, chủ tịch Ichiro Ozawa của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), đảng đối lập hiện đang kiểm soát thượng viện, từng tuyên bố kỳ họp quốc hội bất thường sắp tới có thể kết thúc với việc chính phủ sẽ bị người dân phán xét, và cuộc tổng tuyển cử có thể diễn ra vào đầu năm tới, thay vì tháng 9.2009.
Nhiều nghị sĩ trong liên minh cầm quyền, gồm đảng Dân chủ tự do (LDP) và New Komeito, đã cảm thấy liên minh này khó có thể thắng trong cuộc tổng tuyển cử với một thủ tướng luôn có tỷ lệ tín nhiệm thấp. Và việc ông Fukuda từ chức có thể xuất phát từ lý do này. Bản thân New Komeito cũng liên tục gây sức ép với Fukuda, yêu cầu giải tán hạ viện vào tháng 1.2009, để có thể dồn sức cho một mục tiêu khác là cuộc bầu cử hội đồng Tokyo vào mùa hè năm tới.
Chiếm đa số ghế trong hạ viện (304/480), LDP vẫn cần có sự hậu thuẫn của New Komeito để có đủ 2/3 số phiếu ủng hộ và có thể bất chấp kết quả bỏ phiếu bất lợi tại thượng viện. Hơn nữa, New Komeito cũng được coi là cỗ máy kiếm phiếu hiệu quả cho LDP trong cuộc bầu cử hạ viện. Tuy nhiên, việc tuyên bố từ chức vào thời điểm này của ông Fukuda, khi nền kinh tế đang gặp những khó khăn, đang tạo cơ hội cho DPJ chỉ trích ông là “thiếu trách nhiệm” vì đã bỏ mặc chính quyền. Sự bất ổn của chính phủ có thể làm lung lay lập luận xưa nay của LDP rằng họ là đảng duy nhất xứng đáng cầm quyền.
Đáng lo ngại hơn cho LDP là chính giới doanh nghiệp Nhật vốn vẫn hy vọng vào một cuộc cải cách cơ cấu toàn diện dưới thời ông Fukuda, bao gồm cả tài khoá, lương hưu và y tế, cũng đang cho rằng ông Fukuda là người “vô trách nhiệm”. Họ đã ủng hộ LDP vì cho rằng “DPJ vẫn thiếu khả năng lãnh đạo đất nước”, nhưng với diễn biến vừa rồi dường như quan điểm này đã bắt đầu thay đổi. “Sẽ chẳng có sự tiến bộ nào trong cải cách, trừ phi có sự thay đổi chính phủ”, lãnh đạo của một doanh nghiệp lớn nhận định.
Theo nhận định chung, thời điểm giải tán hạ viện sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ phiếu thông qua thủ tướng và nội các mới. Tuy nhiên, DPJ đang nỗ lực tranh thủ thời cơ bứt lên trong chiến dịch tranh giành quyền lực, nhất là kể từ khi họ chiến thắng trong cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 7.2007. Ngoài việc cố gắng ngăn cản các chính sách của chính phủ của liên minh cầm quyền được thông qua, cũng như chỉ trích mạnh mẽ những sai lầm và bê bối của chính phủ, DPJ đã chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng tuyển cử sớm hơn dự kiến.
Cách đây một tháng, cuốn sách 50 câu hỏi dành cho Thủ tướng (có thể) Ozawa, trong đó đặt ra cho thủ tướng giả định Ozawa có 50 câu hỏi về đời tư, quyết tâm và cuộc vận động để trở thành thủ tướng… đã ra mắt độc giả Nhật Bản. “Do nắm quyền lực quá lâu, LDP đã trở nên tách biệt với cuộc sống của người dân thường. Họ chỉ quan tâm đến lợi ích của chính họ”, ông Ozawa nói trong một phát biểu vào cuối tháng 7
Liệu Ozawa trong nhiệm kỳ chủ tịch thứ ba của mình có cùng với đảng DPJ thay đổi được sự (gần như) độc tôn trong quyền lực của LDP trong suốt hơn một nửa thế kỷ hay không? Đó vẫn còn là một câu hỏi lớn. Nhưng ít nhất, với việc chỉ sau hơn một năm, kể từ khi đảng của ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử thượng viện, đã có hai thủ tướng phải tuyên bố từ chức, và chỉ số tín nhiệm của chính phủ trong con mắt dân chúng đã xuống tới mức thấp nhất trong suốt nhiều thập kỷ, người dân Nhật hình như đã bắt đầu muốn có sự đổi thay.
Huỳnh Phan
Ứng cử viên kế nhiệm ông Fukuda
Các ứng cử viên cho ghế thủ tướng Nhật Bản (từ trên xuống): ông Taro Aso, ông Kaoru Yosano, bà Yuriko Koike. Ảnh: Reuters, JAMD
Đảng LDP sẽ chọn một chủ tịch để thay ông Fukuda giữ chức vụ thủ tướng trong ba tuần tới.
Cựu ngoại trưởng Nhật Bản, ông Taro Aso đang dẫn đầu danh sách ứng cử viên cho chức vụ này. Ông Aso, 67 tuổi, cựu xạ thủ Olympic của thể thao Nhật Bản, hiện là tổng thư ký đảng LDP, chức vụ cao thứ hai trong đảng. Ông từng được xem là ứng cử viên nặng ký cho chức thủ tướng vào năm 2007, sau khi Thủ tướng Junichiro Koizumi mãn nhiệm, và vào đầu năm 2008, sau khi Thủ tướng Shinzo Abe từ chức. Hiện ông Aso vẫn được xem là người có khả năng giúp nền kinh tế Nhật thoát khỏi nguy cơ suy thoái. Ngay sau khi ông Fukuda tuyên bố từ chức, ông Aso đã trả lời báo chí: “Là người thường bàn luận với ông ấy (Fukuda) về các vấn đề, trong đó có các chương trình kinh tế, tôi nghĩ tôi có khả năng đảm nhận công việc đó”.
Một gương mặt tiềm năng khác là bộ trưởng kinh tế Kaoru Yosano, 70 tuổi, người từng cam kết sẽ hồi phục ngành tài chính nước này. Trong khi một số nhà làm luật của đảng LDP muốn sử dụng giải pháp điều chỉnh lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng, ông Yosano lại ủng hộ việc tăng thuế tiêu thụ, và ủng hộ ngân hàng trung ương độc lập. Đầu tháng 8 vừa qua, ông Yosano vừa được ông Fukuda giao hoàn thành các biện pháp nhằm bảo vệ người dân trước tình trạng giá cả tăng cao. Ông Yosano từng là bộ trưởng đặc trách chính sách kinh tế và ngân sách dưới thời Thủ tướng Junichiro Koizumi, và là chánh văn phòng nội các thời ông Shinzo Abe.
Bóng hồng trong danh sách ứng cử viên thủ tướng Nhật là cựu bộ trưởng quốc phòng Yuriko Koike. Là hạ nghị sĩ trong suốt năm nhiệm kỳ, bà Koike từng là cố vấn an ninh quốc gia, một trong năm cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Abe. Bà Koike tốt nghiệp đại học Cairo, thạo tiếng Ả Rập và am hiểu Trung Đông. Trước khi trở thành nữ bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Nhật Bản, bà từng là bộ trưởng Môi trường và bộ trưởng Khu vực lãnh thổ phía bắc và Okinawa thời Thủ tướng Koizumi. Sau khi từ chức bộ trưởng Quốc phòng tháng 8.2007, bà Koike xuất bản quyển Tham vọng thực của một phụ nữ - 55 ngày ở Ichigaya nói về cuộc chiến giữa bà với thứ trưởng quốc phòng và văn phòng thủ tướng. Từng là phóng viên truyền hình, bà Koike có nhiều kinh nghiệm về truyền thông.
Ngoài ra, nhiều người cũng đề cập đến nữ nghị sĩ quốc hội Seiko Noda và các bộ trưởng khác trong nội các chính phủ.
Tống Cung (tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét