Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Đẩy mạnh xã hội hoá y tế giáo dục: Cần có cơ chế mới


Ngày 30.12.2007, 17:21 (GMT+7)
Đẩy mạnh xã hội hoá y tế giáo dục: Cần có cơ chế mới
Xã hội hoá y tế và giáo dục không còn là một chủ trương của nhà nước nữa, mà đã là một nhu cầu cấp bách của xã hội, bởi thực tế ngân sách ít ỏi, dù đang được cố gắng nâng lên, của nhà nước dành cho hai lĩnh vực này không đáp ứng nổi nhu cầu xã hội, cũng như việc chi trả lương để vận hành tốt hệ thống y tế và giáo dục công lập
Bệnh viện Chợ Rẫy quá tải và đang tìm được giải pháp tốt nhất để khắc phục. Ảnh: Trần Việt Đức
Những con số thực tế về sự tham gia của tư nhân vào hai lĩnh vực này cũng nói lên điều đó. Hiện nay, 75% nhà trẻ, 24% trường mẫu giáo, 30% trường trung học phổ thông và 13% trường cao đẳng đại học, không phải do nhà nước đầu tư.
Trong y tế, hiện có 30.000 cơ sở y tế tư nhân, mỗi năm khám cho 3 triệu lượt người và xét nghiệm cho 2,5 triệu lượt người. Đó là chưa nói đến tình trạng quá tải của các bệnh viện nhà nước, mà vụ dịch tiêu chảy cấp vừa rồi ở phía Bắc là minh chứng hùng hồn nhất.
Y tế: liên kết với tư nhân thay vì cổ phần hoá
Tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện nghị quyết 05 của Chính phủ về xã hội hoá, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại lời ông đã nói với lãnh đạo bộ Y tế là chưa cổ phần hoá bệnh viện, bởi, theo ông, tội gì định giá cho phức tạp. Trước đó, kế hoạch cổ phần hoá một bệnh viện nhà nước đã bất thành do có nhiều phản ứng về nguy cơ biến tài sản công thành của tư nhân.
Trong y tế, lĩnh vực mà thủ tướng trực tiếp phụ trách, quan điểm của ông là các bệnh viện lớn đã có thương hiệu như Bạch Mai (Hà Nội), hay Chợ Rẫy (TP.HCM), nên mở các bệnh viện cổ phần, như Bạch Mai B-C, Chợ Rẫy B-C. Như vậy, theo quan điểm của ông, vừa sử dụng được đội ngũ chuyên gia và nhân viên y tế giỏi tay nghề của mình, vừa thu hút được nguồn lực từ ngoài xã hội để mua sắm thiết bị hiện đại.
Tôi thấy bệnh viện Chợ Rẫy hiện đã hết chỗ, mà số người xin vào làm việc rất đông. Tại sao không mở Chợ Rẫy B, liên kết với tư nhân ở Cần Thơ, chẳng hạn, để phục vụ cho nhiều bệnh nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn lên khám, chữa bệnh ở Chợ Rẫy?, thủ tướng gợi ý.
Một nguồn nhân lực quan trọng nữa cho những cơ sở y tế tư nhân, hay nhà nước liên kết với tư nhân, theo thủ tướng, là đội ngũ các chuyên gia, nhân viên y tế đã về hưu, và bản thân những người đang làm trong các bệnh viện nhà nước được phép làm thêm giờ.
Giáo dục: tăng ưu đãi cho xã hội hoá
Tuy phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, người cũng ngồi bàn chủ toạ, là người trực tiếp phụ trách mảng giáo dục đào tạo, nhưng khi đề cập tới vấn đề này, thủ tướng lại dành khá nhiều thời gian, giọng ông cũng trở nên bức xúc hơn. Đơn giản bởi vì ông là người thường xuyên phải tiếp các lãnh đạo tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư, hay mở rộng đầu tư tại Việt Nam, và luôn phải nghe những phàn nàn của họ về sự thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo, bên cạnh những bất lợi khác như hạ tầng yếu kém. Chúng ta đã hỗ trợ nhà đầu tư, hỗ trợ mỗi tỉnh 60 tỉ đồng để xây dựng một khu công nghiệp, tại sao lại không hỗ trợ xây dựng khu đại học?, thủ tướng đặt lại vấn đề.
Theo ông, đã đến lúc bộ Tài chính không được đặt mục đích thu thuế là cao nhất, và phải coi đào tạo nguồn nhân lực như một lĩnh vực đặc biệt ưu đãi, ít nhất là ngang với lĩnh vực công nghệ cao, bởi nếu người ta không làm, lấy đâu mà thu thuế, và có nguồn nhân lực tốt mới thu hút được đầu tư, và như vậy mới tạo ra được nguồn thu thuế lâu dài.
Tuy hội đồng giáo dục quốc gia chỉ đề xuất về một cơ chế thông thoáng khi thành lập các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập, còn vấn đề tài chính để nhà đầu tư tự lo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn chưa cảm thấy yên tâm. Tôi nghĩ, chúng ta vẫn phải có chính sách ưu đãi sau đầu tư cho họ, bằng cách bù lãi suất tín dụng, ông tiếp tục gợi ý với hội nghị.
Muốn huy động nguồn lực xã hội vào xã hội hoá phải có cơ chế tốt để thu hút họ, bởi như Mác đã nói, lý tưởng tách rời lợi ích thì tự nó sỉ nhục nó, vị lãnh đạo, vốn hiếm khi trích dẫn các câu nói kinh điển, kết luận.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét