Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

PNTR: Đợi đến đầu tháng 9


Ngày 26.07.2006, 11:05 (GMT+7)
PNTR: Đợi đến đầu tháng 9
Hết tuần này, Hạ viện Hoa Kỳ đã bước vào kỳ nghỉ mà trong chương trình điều trần của Uỷ ban Tài chính và thuế vụ vẫn chưa có lịch cho việc xem xét Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam
Max Baucus, lại là người chống lại việc thông qua dự luật FTA với Peru trong phiên điều trần tại uỷ ban này vào ngày 29.6. Một trong những lập luận TNS bang Montana (đại diện cho các chủ trại nuôi bò) đưa ra để phản đối dự luật này là việc Peru vẫn cấm nhập thịt bò còn xương...Ảnh : TLCK 
Mặc dù Thượng viện sẽ bắt đầu kỳ nghỉ muộn hơn 1 tuần, và, theo lịch trình, ngày 26.7 dự luật PNTR được đưa ra bỏ phiếu ở Uỷ ban Tài chính Thượng viện, nhưng khả năng Thượng viện thông qua dự luật này trước kỳ nghỉ là khó xảy ra, bởi, trên thực tế, đối với những dự luật quan trọng luôn có sự "đảo mắt trông nhau" trong nghị trình lập pháp của hai viện này. Khả năng PNTR được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua trước kỳ nghỉ tháng 8 như nhiều người vẫn hy vọng gần như không còn nữa. Trở ngại chính nằm ở đâu?
Tự do tôn giáo có phải là trở ngại chính?
Trả lời hãng tin Reuters về khả năng thông qua quy chế PNTR với Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Tài chính Thượng viện Mỹ Charles Grassley nói: "Vẫn còn khả năng Thượng viện Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu trước kỳ nghỉ tháng 8, nhưng một số thượng nghị sĩ muốn trước hết, Việt Nam phải làm rõ những biện pháp dự định tiến hành nhằm cải thiện quyền tự do tôn giáo". Nhưng liệu đây có phải thực sự là cản trở chính?
Cũng chính Thượng nghị sĩ (TNS) Grassley đã bày tỏ rằng ông muốn uỷ ban của ông thông qua cả dự luật về Hiệp định Thương mại tự do với Peru, lẫn PNTR với Việt Nam trước kỳ nghỉ. Có thể thấy rằng ông này đồng quan điểm với Chủ tịch Uỷ ban Tài chính & thuế vụ Hạ viện Bill Thomas, người chủ xướng "phương án cả gói" đối với Oman (đã được cả hai viện thông qua trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Trung Đông hiện nay), Peru và Việt Nam. Đối với Peru, ngoài những lợi ích của Mỹ ở "khu vực sân sau" như SGTT đã nêu ra ở số trước (Việt Nam lại bị bắt làm con tin), diễn biến gần đây nhất trong cuộc bầu cử ở Mexico với việc "cánh tả" suýt thắng chắc càng khiến cho Đảng cầm quyền ở Hoa Kỳ "sốt ruột" hơn với việc thông qua hiệp định thương mại tự do này. Sau khi bỏ phiếu thông qua dự luật FTA với Peru tại Uỷ ban Tài chính & thuế vụ Hạ viện, Chủ tịch Uỷ ban Bill Thomas đã tuyên bố: "Peru là một đồng minh trung thành của Hoa Kỳ và là một nhà quán quân về dân chủ. Hiệp định này với Peru tượng trưng cho cam kết của Hoa Kỳ đối với một đồng minh quan trọng, và cũng là cam kết với tự do và dân chủ trong một khu vực mà những nguyên tắc đó đang bị xâm hại".
Trong khi đó, thủ lĩnh phái Dân chủ trong Uỷ ban Tài chính Thượng viện Max Baucus, lại là người chống lại việc thông qua dự luật FTA với Peru trong phiên điều trần tại uỷ ban này vào ngày 29.6. Những lập luận TNS bang Montana (đại diện cho các chủ trại nuôi bò) đưa ra để phản đối dự luật này là việc Peru vẫn cấm nhập thịt bò còn xương, việc hình sự hoá các tranh chấp thương mại làm ảnh hưởng đến các nhà đầu tư Mỹ, quan trọng hơn nữa là vấn đề lao động, và quan trọng nhất là việc xem xét lại "quyền đàm phán nhanh" của Tổng thống trong các hiệp định thương mại tự do, sẽ hết hạn vào giữa năm sau. "Chính phủ phải bắt đầu đánh giá được rằng uỷ ban này không coi quá trình tham vấn, điều trần và tranh luận trước khi bỏ phiếu chỉ dừng ở mức độ kiểm tra những thứ đã được sắp sẵn trong hộp", TNS Baucus nhận định. ("Quyền đàm phán nhanh" của Tổng thống không cho phép Quốc hội bổ sung, sửa đổi các điều trong dự luật, mà chỉ có quyền thông qua, hoặc không thông qua).
Mặc cả?
Chủ tịch Uỷ ban Tài chính Thượng viện Mỹ Charles Grassley
Dự luật PNTR với Việt Nam được giới thiệu chung tại cả hai viện cách đây đúng một tháng rưỡi, được đưa ra điều trần tại Uỷ ban Tài chính Thượng viện sau đó nửa tháng và ngày 26.7 được đưa ra bỏ phiếu thông qua(?), trong khi đó theo lịch trình công tác lập pháp của Uỷ ban Tài chính & thuế vụ Hạ viện, kết thúc vào cuối tuần này trước kỳ nghỉ, dự luật này không hề được đề cập đến. Ngược lại, tại Uỷ ban Tài chính Thượng viện, phải gần một tháng sau buổi điều trần, việc bỏ phiếu thông qua FTA với Peru mới được đưa vào lịch trình. Nếu Uỷ ban Tài chính Thượng viện, và sau đó là Thượng viện, thông qua dự luật FTA với Peru, việc hai viện sẽ thông qua dự luật PNTR với Việt Nam trước kỳ bầu cử vẫn là một khả năng hoàn toàn có thể. (Trước đó, các nghị sĩ bảo trợ cho PNTR tại Thượng viện như Baucus, hay Ramstad, đều yêu cầu tách riêng việc xem xét PNTR ra khỏi các hiệp định FTA, nhưng với những động thái vừa rồi, có thể nhận thấy rằng đã có một sự "thoả hiệp" với "giải pháp cả gói", sau khi cân nhắc lại các lợi ích).
Nếu thực tế xảy ra đúng với những suy luận trên, những người ủng hộ PNTR với Việt Nam lại phải tiếp tục trông chờ vào "cam kết trả nợ" của Uỷ ban Tài chính & thuế vụ Hạ viện, khi họ trở lại làm việc vào đầu tháng 9? Như vậy, "giải pháp cả gói" mà SGTT đã từng đặt ra trước đây có khả năng trở thành hiện thực sau những cuộc mặc cả, đổi chác của các chính khách thuộc hai viện của Quốc hội Mỹ.
Huỳnh Phan - Vũ Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét