Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Những động thái mới từ phía Nhật


Ngày 08.10.2007, 11:56 (GMT+7)
Tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ: Những động thái mới từ phía Nhật
Hôm qua, Thứ trưởng cao cấp Bộ Ngoại giao Nhật Hitoshi Kimura đã đến Việt Nam liên quan đến sự cố cầu Cần Thơ
Dự kiến hôm nay, ông Kimura sẽ xuống Cần Thơ, nơi xảy ra thảm hoạ sụp cầu với 53 người chết, để trực tiếp chuyển lời chia buồn của Chính phủ Nhật Bản đến các gia đình các nạn nhân.
Theo lịch trình, đầu giờ chiều hôm nay, ông Kimura sẽ đến gặp Ban quản lý dự án để tìm hiểu sơ bộ về nguyên nhân sự cố, cũng như bàn với phía Việt Nam về sự trợ giúp với gia đình các nạn nhân. Sau buổi làm việc này, ông Kimura sẽ gặp gỡ báo giới ngay tại Cần Thơ.
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ chiều 6.10 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết, theo yêu cầu của phía Việt Nam, Nhật Bản đã đồng ý cử những chuyên gia hàng đầu về cầu đường sang đây để tìm hiểu về nguyên nhân sự cố.
Truyền thông Nhật Bản, sau một thời gian khá im hơi lặng tiếng do “không có nạn nhân là người Nhật”, và ưu tiên đưa tin về “căng thẳng chính trị ở Myanmar” và “những diễn tiến hoà bình tại bán đảo Triều Tiên” (chỉ có Kyodo News tường thuật lại sự cố theo thông tin từ báo Việt Nam, hay Mainichi đăng tải bản tin của AP), đã bắt đầu có dấu hiệu quan tâm đến sự cố này.
Tính hiệu quả không cao của một số dự án ODA Nhật cho Việt Nam do liên quan đến tư vấn, đã khiến nguyên Thủ tướng Nhật (Koizumi) bị Quốc hội Nhật chất vấn
Các phóng viên người Việt của các văn phòng tại Hà Nội như Kyodo News, hay TV Asahi, được yêu cầu dịch lại “thật chuẩn” nội dung bức thư khuyến cáo của kỹ sư tư vấn giám sát Hiroshi Kudo đăng trên báo Tuổi Trẻ, cũng như thu thập thông tin về những diễn tiến mới nhất trên truyền thông Việt Nam liên quan đến nguyên nhân sự cố này.
Từ Nhật, phóng viên TV Asahi đã liên lạc trực tiếp với Nippon Koei tại Việt Nam, một trong hai công ty tư vấn giám sát của công trình và là nơi Kodo đang làm việc, nhưng đã bị từ chối với lý do công ty này đang bận giải quyết hậu quả sự cố.
Theo thông tin từ văn phòng TV Asahi tại Hà Nội, hãng truyền hình này đang dự kiến làm một phóng sự điều tra về vụ sụp cầu này, với mục đích cảnh báo “để những sự cố tương tự không xảy ra nữa” và tác động xấu tới hình ảnh Nhật Bản tại Việt Nam.
Cũng với mục đích này, ngay sau khi kết thúc chuyến thị sát tại Cần Thơ, ông Kimura sẽ bay ra Hà Nội để bàn với các quan chức chính phủ về việc cụ thể hoá thoả thuận quan hệ đối tác chiến lược được thủ tướng hai nước ký vào cuối năm ngoái, như một phần sự chuẩn bị cho chuyến đi thăm Nhật của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết vào tháng 11 tới. Việt Nam đang đặt hy vọng rất lớn vào khoản viện trợ ODA khổng lồ từ Nhật Bản cho ba dự án chiến lược là đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đường bộ cao tốc Bắc – Nam, và hạ tầng Khu công nghệ cao Hoà Lạc.
Đối với các khoản vay ưu đãi, hay viện trợ không hoàn lại, điều kiện của phía Nhật là phía Việt nam phải chấp nhận sự tham gia của các nhà tư vấn quốc tịch Nhật. Tính hiệu quả không cao của một số dự án ODA Nhật như thuỷ điện A Vương (Quảng Nam), cầu Thanh Bình (Tiền Giang), Đại lộ Đông Tây và dự án xử lý nước (TP.HCM)…, được kết luận liên quan đến tư vấn, đã khiến nguyên Thủ tướng Nhật Koizumi bị Quốc hội Nhật chất vấn vào giữa năm ngoái.
Sau đó, hãng sản xuất truyền hình NDN của Nhật Bản đã thực hiện một phóng sự liên quan đến những dự án này, phát trên TBS vào đầu tháng 11 năm ngoái, tạo ra những phản ứng mạnh mẽ trong những người đóng thuế của Nhật Bản. (SGTT sẽ đưa kỹ về phóng sự này trong một số tới).
Trước những điều kiện “bất di bất dịch” này khi nhận ODA, tuy “vấn đề của Việt Nam là phải có đủ năng lực kiểm tra”, như lời của Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Quốc Toản cũng tại cuộc họp báo cuối tuần trước, nhưng đại diện chính phủ Việt Nam cũng nên chuẩn bị đầy đủ luận cứ để “đặt lại vấn đề” tại cuộc gặp cuối năm của nhóm Tư vấn các nhà tài trợ (CG). Dù sao thì một trong những mục tiêu của CG là “hài hoà thủ tục nhận ODA”!
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét