Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Mặt trận WTO - PNTR đã "im tiếng súng"


Ngày 17.10.2006, 16:30 (GMT+7)
Mặt trận WTO - PNTR đã "im tiếng súng"
Thành công của vòng đàm phán đa phương cuối cùng đã mở đường cho Việt Nam được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngay trước thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC. 


Một động lực mới đã được tạo ra cho Liên minh các tập đoàn, công ty và nghiệp đoàn Mỹ ủng hộ cho tiến trình WTO-PNTR  - những người có khả năng "trắng tay" trước những cam kết mở cửa thị trường, cũng như nguyên tắc ứng xử quốc gia, tối huệ quốc theo qui định của WTO, nếu PNTR không được thông qua khi nhiệm kỳ quốc hội Mỹ kết thúc trên thực tế vào trước dịp Giáng sinh năm nay.

Cũng thật "khó xử" cho lãnh đạo các tập đoàn lớn của Mỹ, những người được chờ đợi sẽ lên tiếng kêu gọi lãnh đạo các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương thúc đẩy thương mại và đầu tư tại Diễn đàn kinh doanh APEC trong vài tuần tới tại Việt Nam, lại "bất lực" trong việc thuyết phục "người nhà mình" chấp nhận một quan hệ thương mại bình thường ổn định với nền kinh tế chủ nhà.


Mỹ chuẩn bị cho chuyến đi Việt Nam của Tổng thống


Thiện chí "muốn kết thúc sớm đàm phán đa phương" của phía Mỹ, theo nhận xét của Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, đã cho thấy phía chính quyền Mỹ thực sự muốn chuẩn bị một "món quà" để Tổng thống trao cho cho Việt Nam khi ông sang Việt Nam dự APEC và thăm song phương. 


Theo thông tin của nhóm "vận động hành lang" cho PNTR, Tổng thống Bush đã chính thức đặt dự luật PNTR với Việt Nam vào danh sách "những việc cần làm ngay". Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hạt nhân ngày càng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, một thông điệp liên quan đến cam kết tự do hoá thương mại cho những thành viên châu Á của Diễn đàn APEC (nơi Mỹ có nhiều việc cần tranh thủ), thông qua việc trao quan hệ thương mại "không phân biệt đối xử" cho Việt Nam, càng có ý nghĩa quan trọng hơn.


Một động thái được coi là tích cực và "khôn khéo" trước đó của chính quyền ông Bush trong việc thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua PNTR ngay sau cuộc bầu cử giữa kỳ là Nhà Trắng đã "thoả thuận" được với hai thượng nghị sĩ của vùng Carolina để họ rút lại tuyên bố "trì hoãn vô thời hạn" việc thông qua PNTR. Đã có những phản đối gay gắt từ phía Việt Nam, nhất là từ Chủ tịch hiệp hội dệt may Việt Nam, người đã thể hiện "sự bất cần" với PNTR khi quyền lợi của các thành viên của ông "dường như" bị xâm hại. 


Tuy nhiên, theo một chuyên gia về thương mại Việt - Mỹ, "cơ chế về chống phá giá với hàng dệt may Việt Nam", theo nhận định của một chuyên gia thương mại Việt - Mỹ, chẳng qua là "bình mới, rượu cũ" và không hề có thêm tác động tiêu cực tới nhập khẩu từ Việt Nam. 


Theo chuyên gia này, trên thực tế tình hình nhập khẩu từ bất cứ nước nào vẫn được theo dõi và cập nhật hàng tháng trên website Bộ Thương mại Mỹ, và Việt Nam phải coi việc sống chung với các vụ kiện chống phá giá như "sống chung với lũ". Ông cũng dự báo rằng với sự gia tăng đầu tư và thương mại hai chiều giữa hai nước thời kỳ hậu WTO, Việt Nam sẽ có nhiều "con bài" để mặc cả hơn.


"Việc hai thượng nghị sĩ trên rút lại tuyên bố của mình thực chất là sự thoả hiệp do "sự vận động hành lang" của những nhóm ủng hộ PNTR đối với họ, và việc đề xuất "cơ chế mới", chẳng qua là một hành động mang tính giữ thể diện cho họ", một chuyên gia về Quốc hội Mỹ của Bộ Ngoại giao nhận định.


Những khoảng cách còn lại


"Tôi tin chắc rằng nếu được đưa ra bỏ phiếu, dự luật PNTR sẽ được thông qua với đa số ủng hộ, nhưng điều khó khăn nhất là phải đưa được vào lịch trình", chủ tịch Amcham Vietnam, Thomas O'Dore, một người lobby rất tích cực cho PNTR, nhận xét.


Tuy đã được hai viện Quốc hội dự kiến đưa vào lịch trình trong tuần lễ bắt đầu từ 13.11, việc đưa PNTR vào lịch trình vẫn còn phụ thuộc nhiều vào Hiệp định tự do thương mại Mỹ - Peru. Ngay trước khi Quốc hội tạm nghỉ để các nghị sĩ đi vận động tranh cử, chủ tịch Uỷ ban tài chính Thượng viện Chuck Grassley đã công khai chia sẻ quan điểm với người đồng cấp tại Hạ viện Bill Thomas, khi tuyên bố sẽ phản đối việc thông qua PNTR nếu chính quyền không trình dự luật FTA với Peru ra toàn thể Quốc hội.


Theo nguồn tin Quốc hội Mỹ, hiện vẫn có hai luồng ý kiến trái ngược nhau trong chính giới Mỹ về khả năng FTA với Peru sớm được thông qua, và rõ ràng điều này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến số phận của PNTR, nếu Quốc hội Mỹ vẫn giữ quan điểm "bán kèm". Tuy nhiên, vị chuyên gia của Bộ Ngoại giao lại có quan điểm tương đối lạc quan, khi cho rằng quan điểm về những vấn đề liên quan đến lợi ích của Mỹ trong thương mại quốc tế của hai chính đảng ở Mỹ là tương đối thống nhất và ổn định.


Ông này cũng cảnh báo rằng Việt Nam vẫn phải chuẩn bị phương án đối phó với những thách thức chống PNTR có thể xuất hiện vào phút chót từ những nhóm khác, và nhất thiết phải có sự phối hợp nhịp nhàng với những nhóm ủng hộ PNTR từ phía Mỹ, chứ không nên "ông nói gà, bà nói vịt" như vụ dệt may vừa rồi.
Huỳnh Phan - Vũ Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét