Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Sự kiểm nghiệm vị thế mới


Ngày 27.02.2008, 14:26 (GMT+7)
Thủ tướng đi Châu Âu:
Sự kiểm nghiệm vị thế mới
Ngày 3.3 tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ bắt đầu chuyến thăm kéo dài một tuần tới Anh, Đức và Ailen. Ngoài việc thúc đẩy đầu tư và giao thương và hợp tác về giáo dục đào tạo, phía Việt Nam hy vọng học hỏi được nhiều kinh nghiệm về điều hành chính sách tiền tệ thông qua các cuộc gặp với thống đốc ngân hàng Ailen, thống đốc ngân hàng chung châu Âu và khu tài chính London.
Ông Nguyễn Thiệp, phó vụ trưởng vụ châu Âu bộ Ngoại giao, nhận xét: “Chuyến khai xuân của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam với việc thiết lập khuôn khổ cho mối quan hệ đối tác toàn diện, nhất là với Anh và Đức, hai nước chủ chốt trong EU và thành viên của P5+1, vừa kiểm nghiệm vừa nâng cao vị thế quốc tế mới của Việt Nam”.
Việt Nam được đón tiếp trên vị thế mới
Trong cuộc họp báo vào đầu tuần vừa rồi, đại sứ Đức tại Việt Nam Rolf Peter Gottfried Schulze đã khẳng định: “Với tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an (Liên hiệp quốc), Việt Nam là một đối tác quan trọng của Đức ở châu Á”.
Theo thông tin từ bộ Ngoại giao, trong cuộc hội đàm cấp cao với người đồng nhiệm Việt Nam của mình, Thủ tướng Đức Markel sẽ tranh thủ sự ủng hộ của Việt Nam đối với những mong muốn của Đức được tham gia vào những cơ chế lớn toàn cầu, kể cả nỗ lực vận động mở rộng số thành viên thường trực của Hội đồng bảo an đối với cường quốc kinh tế này.
Cũng với mục đích tranh thủ như vậy, nhưng người đứng đầu Chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen Gordon Brown lại quan tâm đến việc thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hiệp quốc, theo sáng kiến đề xuất của ông Gordon Brown khi còn là ngoại trưởng. Cho đến nay, Việt Nam được coi là một hình mẫu về xoá đói giảm nghèo (một trong những mục tiêu thiên niên kỷ).
Một vấn đề khác mà ông Brown quan tâm là việc đề nghị Việt Nam, với cả hai vai trò trong Hội đồng bảo an và trong khối ASEAN, cũng như mối quan hệ gần gũi, thúc đẩy Myanmar, một thuộc địa cũ của Anh, cải thiện tình hình chính trị ở nước này.
Thoả thuận thành lập đại học quốc tế
Cả hai bên đều hy vọng trường đại học quốc tế, trước mắt sẽ ưu tiên về đào tạo công nghệ, sẽ khai giảng vào tháng 9 năm nay với phần lớn đội ngũ giảng viên đến từ Đức (dạy bằng tiếng Anh), do phía Đức chi trả từ khoản viện trợ sáu triệu euro của chính phủ bang Hessen. Hai bên hy vọng sau bốn năm trường này sẽ lọt vào Top 100 trên thế giới.
Theo đại sứ Đức Schulze, vào ngày 6.3 tới đại diện Chính phủ Đức và Việt Nam sẽ ký tiếp một số văn bản để cụ thể hoá thoả thuận thành lập trường đại học Việt – Đức (tại TP.HCM), dự kiến sẽ được ký trong chuyến thăm Việt Nam của phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier vào cuối tuần này.
Đại sứ Schulze cũng cho biết một thoả thuận về việc Đức giúp bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế cao cấp cho Việt Nam, trong đó những cán bộ Việt Nam sang bồi dưỡng đều được đến làm việc tại các tập đoàn kinh tế lớn của Đức, cũng sẽ được ký kết vào ngày 6.3 tại Berlin.
Trong chuyến thăm trước đó của thủ tướng sang Anh, hai bên dự kiến sẽ ký thoả thuận về việc Anh giúp Việt Nam đào tạo sau đại học. Apollo, hiện đang có các cơ sở dạy tiếng Anh tại cả TP.HCM và Hà Nội, đang làm đơn xin thành lập một trường đại học tại Việt Nam, để nhanh chân chiếm chỗ tại thị trường giáo dục rất có tiềm năng này (ước tính khoảng 1 ­– 2 tỉ USD hàng năm theo số du học sinh ra nước ngoài học).
Công nghệ Đức với ngọn hải đăng Siemens
Theo Đại sứ Schulze, trong cuộc hội đàm sắp tới với ông Nguyễn Tấn Dũng, bà Merkel sẽ rất quan tâm đến việc tham gia của doanh nghiệp Đức vào dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên, vừa khởi công cách đây ít ngày. Theo nguồn tin từ bộ Ngoại giao, nhiều khả năng tập đoàn Siemens, đã tham gia thành công dự án Metro ở Thượng Hải, sẽ được phía Việt Nam cho phép cung cấp thiết bị cho dự án này.
Được biết, bất chấp những tranh luận tại quốc hội do phe đối lập khởi xướng liên quan đến sự hỗ trợ của chính phủ dành cho tập đoàn Siemens, quốc hội nước này vẫn thông qua một khoản cho vay ưu đãi 155 triệu euro cho dự án tàu điện ngầm tại TP.HCM, bên cạnh khoản viện trợ không hoàn lại 85 triệu euro của chính phủ.
Theo ông Nguyễn Thiệp, phía Đức coi việc tham gia của Siemens vào dự án metro như ngọn hải đăng cho đầu tư của Đức, quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ nguồn, vào Việt Nam. Còn Đại sứ Schulze cho biết thêm cuối tuần này nhiều doanh nghiệp Đức, trong đó có tập đoàn hoá chất lớn nhất thế giới BASF, sẽ vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác về kinh tế và công nghệ.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét