Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

ASEAN Mở cửa bước ra khỏi khủng hoảng



ASEAN Mở cửa bước ra khỏi khủng hoảng
Việc ký hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc và Ấn Độ được kỳ vọng sẽ giúp ASEAN nhanh chóng thoát ra khỏi khủng hoảng.
Ngày 14.8 vừa qua, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thỏa thuận việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do với Trung Quốc và đạt một bước tiến đáng kể với Ấn Độ với mục đích tương tự. Mặc dù vậy, vẫn có những quan ngại xung quanh vấn đề này.

Được và mất

Trung Quốc và 10 nước thuộc ASEAN đã gần như hoàn tất bước cuối cùng của tiến trình đàm phán kéo dài hơn 6 năm khi tại bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 41 diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) vào trung tuần tháng 8, một hiệp định đầu tư đã được ký kết. Theo đó, từ ngày 1.1.2010, khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN, bao phủ một khu vực rộng 13 triệu km2 với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 6.000 tỉ USD, sẽ được triển khai thực hiện. Trước đó, hai hiệp định về thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ đã được ký kết lần lượt vào năm 2005 và 2007.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, việc ký kết hiệp định đầu tư này được đánh giá sẽ giúp bù đắp phần nào thiếu hụt vốn đầu tư từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo thống kê của Ban thư ký ASEAN, khi thế giới bước vào khủng hoảng, cam kết đầu tư từ Mỹ vào ASEAN đã giảm hơn một nửa từ 6,346 tỉ USD năm 2007 xuống còn 3,169 tỉ USD năm 2008. Các con số tương tự với EU là 18,384 và 14,932, với Nhật là 8,382 và 7,601 và với Hàn Quốc là 3,125 và 1,278. Trong khi đó, dòng vốn từ Trung Quốc đổ vào ASEAN đã tăng từ 1,227 tỉ USD năm 2007 lên 1,438 tỉ USD năm 2008.
Ông Surin Pitsuwan Tổng thư ký ASEAN thậm chí còn hy vọng rằng mối quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ hơn, thông qua việc thành lập khu vực thương mại tự do, sẽ giúp khu vực này dần bước ra khỏi khủng hoảng. Niềm tin của ông Pitsuwan, còn dựa trên cơ sở thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và khối này tăng nhanh và bền vững trong những năm qua.
Theo thống kê của Ban thư ký ASEAN, xuất khẩu của ASEAN vào Trung Quốc năm 2008 tăng 5,5 tỉ USD so với năm 2007 (80 tỉ USD), đủ bù đắp cho sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Porntiva Nakasai, xuất khẩu của ASEAN vào Trung Quốc ước đạt 85,6 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2009, đưa nước này trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của ASEAN.
Tuy nhiên, không phải thành viên nào của ASEAN cũng lạc quan như ông Pitsuwan. Trước khi hiệp định này được ký kết, các nhà sản xuất Indonesia đã lên tiếng yêu cầu hoãn việc thực hiện bước cắt giảm thuế cuối cùng theo lộ trình của hiệp định thương mại hàng hóa. Họ lo ngại rằng với mức thuế suất đánh vào các hàng dệt, giày dép và điện tử sẽ giảm xuống mức 0% vào đầu năm tới, khiến những mặt hàng giá rẻ này của Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa. “Vì lợi ích quốc gia, chúng tôi yêu cầu Chính phủ vận động các thành viên còn lại của ASEAN trì hoãn lộ trình giảm thuế suất đối với ngành chế tạo”, Soetrisno, người phụ trách thương mại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, phát biểu trước báo giới nước này.
Riêng về thương mại hàng hóa, không tính dầu khí, nhập siêu của Indonesia với Trung Quốc năm 2008 là 7,16 tỉ USD, so với xuất siêu 79 triệu USD năm 2004 (xuất khẩu dầu khí đã giúp kéo thâm hụt thương mại nói chung của Indonesia năm 2008 xuống mức 3,61 tỉ USD). Về vấn đề này, Trưởng đoàn Đàm phán cấp chính phủ - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nói: “Việc thành lập một khu vực thương mại tự do ASEAN với một nước khác không chỉ là kết quả của một quá trình mặc cả gay go giữa ASEAN với nước đó, mà còn là sự thuyết phục, nhượng bộ lẫn nhau giữa các thành viên trong khối. Các thành viên trong một tập thể phải xác định rằng, mình phải hy sinh lợi ích này để đạt được lợi ích khác.”
Việt Nam cùng với Lào, Campuchia và Myanmar, với tư cách là những nước gia nhập ASEAN sau, chưa phải giảm thuế ngay theo lộ trình như 6 nước còn lại và Trung Quốc (lộ trình hoàn tất nghĩa vụ này chậm hơn 5 năm). Tuy vậy, giống như Indonesia, càng quan hệ thương mại sâu với Trung Quốc, mức nhập siêu của Việt Nam càng tăng (13 tỉ USD năm 2008) và Việt Nam cũng nhờ vào xuất khẩu nguyên, nhiên liệu thô để giữ mức nhập siêu không cao hơn.
Ông Tú cho rằng, đó không phải lỗi của các nhà đàm phán, bởi hội nhập kinh tế là xu hướng chung của thế giới. Và việc Việt Nam không tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường của Trung Quốc, cũng như bị lấn át bởi hàng tiêu dùng giá rẻ của Trung Quốc, là lỗi nội tại của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp. “Đa phần hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu, mà trong nước chưa sản xuất được. Tỉ lệ hàng tiêu dùng trong nhập siêu chỉ chiếm khoảng 7-8%”, ông nói.

Khởi đầu của một tiến trình

Cũng bên lề Hội nghị nói trên, ASEAN đã đi bước đầu tiên trong việc thành lập một khu vực tự do thương mại khác khi ký hiệp định thương mại hàng hóa với Ấn Độ. Với lộ trình cắt giảm thuế theo hiệp định này, 71% trong tổng số 5.000 dòng thuế sẽ được cắt giảm dần xuống 0% trong vòng 3 năm kể từ đầu năm tới. Đồng thời, đối với 9% số dòng thuế cho các mặt hàng nhạy cảm hơn, lộ trình cắt giảm được tiến hành cho 3 năm tiếp theo. Ấn Độ cũng chấp nhận độ giãn tương tự 5 năm như Trung Quốc cho 4 nước gia nhập ASEAN sau (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar). Riêng với Philippines, thời gian hoàn tất lộ trình này cũng giống như với 4 nước trên, nhưng Ấn Độ không cần phải mở cửa thị trường trước.
Nguyên Bộ trưởng Thương Mại Trương Đình Tuyển từng phát biểu rằng, thực chất hiệp định thương mại hàng hóa giữa Ấn Độ và ASEAN sở dĩ ít được quan tâm là bởi thế mạnh nổi bật của cả hai bên là sản phẩm nông nghiệp, nên khó có khả năng bổ sung cho nhau. “Vì thế, quá trình đàm phán mới kéo dài tới 6 năm”, bà Nguyễn Thị Bích, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, cho biết. Tuy nhiên, riêng với Việt Nam, bà Bích cho rằng, các nhà sản xuất trong nước cũng được hưởng lợi từ nguồn nhập khẩu hóa chất và đặc biệt là thức ăn gia súc với giá cạnh tranh hơn so với Trung Quốc. “Ấn Độ sản xuất nhiều đậu tương với giá rẻ và các nhà chăn nuôi Việt Nam có thể vui mừng vì điều này”, bà Bích nhận xét.
Bà Rebecca, Trưởng đoàn đàm phán của Ấn Độ, cho biết, cả hai bên sẽ nhanh chóng thúc đẩy tiến trình đàm phán để ký kết hai thỏa thuận cần thiết còn lại là các hiệp định thương mại dịch vụ và đầu tư trong vòng một năm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Porntiva Nakasai đã tỏ ra khá dè dặt khi cho rằng vấn đề thương mại dịch vụ sẽ phức tạp hơn nhiều.
Bà Phan Hoài An, Phó trưởng phòng ASEAN, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ tài chính, cũng cho rằng, dịch vụ là thế mạnh của Ấn Độ, nhất là công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, điện ảnh và đó là lý do Ấn Độ hào hứng với hiệp định thương mại dịch vụ hơn là thương mại hàng hóa. Theo bà An, đó cũng là lý do tại sao hai bên chỉ xác định đặt mục tiêu tăng giá trị tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều trung bình hơn 2 tỉ USD mỗi năm trong vòng 6 năm kể từ khi quá trình cắt giảm thuế bắt đầu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét