Ngày 09.08.2006, 10:52 (GMT+7)
PNTR cho Việt Nam
Những con chủ bài đã lật...
Mặc dù đã có nhiều ý kiến, trong đó có cả Sài Gòn Tiếp Thị, lo ngại rằng Việt Nam sẽ gia nhập WTO mà không có PNTR trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng với việc Uỷ ban Tài chính Thượng viện đã thông qua dự luật thực thi Hiệp định Tự do thương mại với Peru, đặc biệt là cách thông qua dự luật này, và dự luật PNTR với Việt Nam, đã mở ra những hy vọng là Việt Nam vẫn có thể được trao PNTR trước đầu năm sau.
Lý do để hy vọng là "những con chủ bài" đã được lật ra!
Dân biểu Bill Thomas, người nổi tiếng với những "thủ thuật" buộc Quốc hội phải thông qua ngay cả những dự luật gây tranh cãi nhất, có những trường hợp với sự chênh lệch phiếu rất sít sao
|
"Quyết tâm chính trị" của Tổng thống Bush?
Nếu không có "sự cố Trung Đông" và bà Ngoại trưởng Condoleezza Rice không phải hoãn chuyến đi châu Á, trong đó có Việt Nam, chắc chắn phía Việt Nam có thể hiểu được quan điểm của Tổng thống mạnh đến đâu về vấn đề này thông qua cuộc gặp với bà Rice. Ngược lại, việc trao đổi, tăng cường hiểu biết và khả năng hợp tác trong những vấn đề quốc tế, khu vực và song phương có thể thúc đẩy thêm "quyết tâm chính trị" của Tổng thống Bush, trước khi ông đến Việt Nam dự APEC và thăm song phương vào giữa tháng 11 tới.
Các chuyên gia về Mỹ đều có chung một nhận định rằng kỳ nghỉ tháng 8 này của Quốc hội là dịp rất quan trọng để các nhóm tập đoàn, công ty có lợi ích về thương mại và đầu tư ở Việt Nam, cũng như những người ủng hộ bình thường hoá hoàn toàn với Việt Nam, tập trung vận động Tổng thống Bush để biến lợi ích kinh tế thành quyết tâm chính trị. Một khi Tổng thống Bush thực sự "muốn", người ta tin rằng dự luật PNTR vẫn có thể kịp thông qua tại Hạ viện, mặc dù có sự hạn chế về thời gian, bởi ông Chủ tịch Uỷ ban Tài chính Hạ viện vốn nổi tiếng là người có thể "đẩy" được những dự luật theo "ý muốn" của Tổng thống qua ngưỡng cửa Quốc hội.
"Quái kiệt" Bill Thomas
Bill Thomas là người nổi tiếng với những "thủ thuật" buộc Quốc hội phải thông qua ngay cả những dự luật gây tranh cãi nhất, có những trường hợp với sự chênh lệch phiếu rất sít sao. Những thủ thuật "ép hạ" của Bill Thomas, mặc dù được đánh giá là ở trình độ "quái kiệt", nhưng ngày càng gây ra sự khó chịu của các nghị sĩ Dân chủ đối lập, và họ thậm chí đã lên tiếng đòi "phế truất" đến mức đầu tháng 3 vừa rồi ông này phải tuyên bố không tham gia vận động tái cử nữa để giải toả sức ép.
Những "quái chiêu" của ông này một lần nữa được thể hiện trong việc ép Uỷ ban Tài chính Hạ viện phải thông qua dự luật thực thi Hiệp định Tự do thương mại với Peru (PTPA) vào cuối tháng trước. Kết quả thông qua PTPA (với tỷ lệ 12-7) đã cho thấy "người bảo trợ" cho PNTR là Max Baucus, nhân vật số hai tại Uỷ ban Tài chính Thượng viện, đã buộc phải thoả hiệp với "người đỡ đầu" cho PTPA là Bill Thomas. Trong số hai Thượng nghị sĩ Dân chủ duy nhất bỏ phiếu thông qua PTPA (7 Thượng nghị sĩ Dân chủ còn lại bỏ phiếu chống) có Thượng nghị sĩ Max Baucus, mặc dù trong phiên điều trần cách đó hai tháng ông này đã phản đối kịch liệt việc thông qua dự luật này với 4 lý do mà Sài Gòn Tiếp Thị đã từng nêu (PNTR: Đợi đến đầu tháng 9).
Người ta vẫn hy vọng rằng với việc không tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ tới, ông Bill Thomas chỉ còn cách sử dụng nốt những "bí chiêu" còn lại trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, nếu muốn "thủ tín" với Thượng nghị sĩ Max Baucus, trước khi "rửa tay gác kiếm".
Người chọn luật chơi David Dreier
Một chuyên gia kỳ cựu về Quốc hội Mỹ của Bộ Ngoại giao đã nhận xét rằng trong thời điểm rất cần những lá phiếu ủng hộ của cử tri, các hạ nghị sĩ, trừ ở những bang có những tập đoàn công ty lớn và có nhiều lợi ích trong thương mại và đầu tư với Việt Nam, đều ngại tham gia vào việc bỏ phiếu thông qua PNTR. Có một cách nào đó để người ta vẫn có thể ủng hộ cho PNTR mà vẫn không mang tiếng là "phản bội" quyền lợi của cử tri họ, chẳng hạn như vấn đề việc làm? Câu trả lời là có, và người đóng vai trò quyết định trong việc "chọn luật chơi" chính là David Dreier, Chủ tịch Uỷ ban Quy tắc (UBQT) Hạ viện.
Trước mỗi cuộc bỏ phiếu, về nguyên tắc, ông này có quyền lựa chọn một trong hai cách: record -vote (có ghi và công bố trên website kết quả cụ thể ai ủng hộ, ai chống đối) và voice - vote (biểu quyết miệng). Đối với hình thức voice - vote, ông Chủ tịch Hạ viện (Hastert) sẽ hỏi "ai ủng hộ dự luật này?", những người ủng hộ (hy vọng là đa số) sẽ đồng thanh lên tiếng: "Yes!". Sau đó, ông ta lại hỏi "ai phản đối?", và những người chống lại (số này ít hơn nhiều) sẽ hô lên: "No!". Cuối cùng, ông Chủ tịch Hạ viện sẽ kết luận: "Đa số ủng hộ. Dự luật này được thông qua!". (Trong hình thức voice - vote này cần có sự "phối hợp" nhịp nhàng của nhà đài, khi chỉ "lia" ống kính về góc có những người ủng hộ mà không sợ mất cử tri, tức là những nghị sĩ đại diện cho những bang có các tập đoàn công ty đang làm ăn, hoặc chuẩn bị làm ăn với Việt Nam).
Cách đây 5 năm, khi tiến hành thủ tục thông qua Hiệp định Thương mại song phương với Việt Nam (BTA), Hạ viện Mỹ với chính ông Chủ tịch UBQT David Dreier đã chọn hình thức voice - vote. Lý do là vì ngay trước đó với tỷ lệ gần như áp đảo (410-1) họ đã thông qua một dự luật nhân quyền chống lại Việt Nam, và không có cớ gì lại thông qua một hiệp định làm ăn buôn bán với một nước có tình trạng nhân quyền "tồi tệ" như vậy (theo quan điểm của họ).
Huỳnh Phan - Vũ Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét