Ngày 26.09.2007, 11:06 (GMT+7)
Đằng sau một thông điệp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có mặt ở New York dự phiên thảo luận chung cấp cao khoá họp thường niên lần thứ 62 Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Vào ngày 27 tới, ông sẽ có bài phát biểu chính thức trước toàn thể các thành viên đại hội đồng.
Cú hích cuối cùng
Trong cuộc vận động cuối cùng cho chiếc ghế “uỷ viên không thường trực” của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, dự kiến được quyết định vào ngày 16.10 tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có một số cuộc gặp song phương với một số trưởng đoàn của một số nhóm nước có tầm ảnh hưởng tại từng khu vực như châu Mỹ La tinh, châu Âu, châu Phi, hay Liên đoàn Ảrập.
Tuy sự chuẩn bị ngoại giao cho đến thời điểm này đã được tiến hành tương đối tốt, nhưng một thông điệp ở cấp lãnh đạo cao cấp về “một Việt Nam tích cực, xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm trong đời sống quốc tế”, được coi là “cú hích cuối cùng”.
Đã được các nước châu Á đồng thuận đề cử là ứng cử viên duy nhất của châu lục này, Việt Nam vẫn cần có những cách ứng xử “thích hợp” để tránh những “bùng phát căng thẳng ngoài ý muốn các bên liên quan”, một chuyên gia về quan hệ đa phương của Bộ Ngoại giao lưu ý.
Đã có thông tin về việc Tổng thống Bush sẽ chính thức tuyên bố Mỹ bỏ phiếu cho Việt Nam khi gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại bữa tiệc mời các trưởng đoàn. Nhưng cũng cần phải cẩn thận đề phòng những rủi ro hay sự cố có thể xảy ra.
Lợi ích và thách thức
Là một bước tiếp theo sau sự kiện APEC 2006 và tấm thẻ hội viên WTO, việc tham gia Hội đồng Bảo an sẽ giúp nâng tầm – vị – thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế – ước vọng cả ngàn năm của một dân tộc phần nhiều bị “thua thiệt” trong các xung đột về lợi ích.
Việc tham gia Hội đồng Bảo an đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục công khai hoá một số hoạt động của mình trên cơ sở những tiêu chí chung được quốc tế công nhận.
Đòi hỏi này, mặt khác, sẽ giúp quá trình hội nhập với bên ngoài của Việt Nam trở nên sâu rộng hơn, cũng như thúc đẩy quá trình đổi mới, cải cách trong nước nhanh và mạnh hơn.
Cam kết “thực hiện tốt trách nhiệm của một thành viên Hội đồng Bảo an” cũng đặt ra những vấn đề mới trong tư duy chính trị của Việt Nam liên quan đến các ưu tiên của Hội đồng Bảo an. Chẳng hạn, đối với việc giải quyết các cuộc xung đột khu vực và quốc tế, hay những nghị quyết thể hiện quan điểm của Hội đồng Bảo an đối với một số nước nào đó, Việt Nam sẽ có quan điểm thế nào?
Hay, như vấn đề mà Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam John Hendra đã nêu ra trong cuộc họp báo cuối tuần trước là việc “đóng góp cho lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hiệp quốc” như nhiều nước uỷ viên không thường trực vẫn làm, liệu quan điểm Việt Nam sẽ ra sao? Có bỏ phiếu hay không, có tham gia hay không, và tham gia ở mức độ nào?
Nhưng cũng chính thách thức này lại là cơ hội để “Việt Nam tham gia quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng quân đội Việt Nam”, như lời ông John Hendra, hay nhận được sự trợ giúp về thông tin, cũng như tài chánh, để tăng cường năng lực an ninh – quốc phòng.
Tựu trung lại, đây chính là một cơ hội lịch sử nữa cho Việt Nam thể hiện sự linh hoạt của mình trong tư duy chính trị và chính sách đối ngoại.
Hay như phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Vì một tôn chỉ duy nhất: Lợi ích dân tộc là trên hết!
Huỳnh Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét