Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Nồi cơm điện, niêu cơm đất


Ngày 29.12.2007, 11:01 (GMT+7)
Nồi cơm điện, niêu cơm đất
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, trong cuộc họp báo ngày 26.12 vừa rồi, đã nêu quyết tâm của Chính phủ không để giá cả tăng đột biến, ảnh hưởng đến cái tết nguyên đán của người dân
Du khách thích thú ngồi xe lôi du lịch. Ảnh: H.T
Nhưng đối với những người đạp xích lô, lái xe lôi, đẩy xe ba gác, hay lái xe lam ở thành thị, giá chưa tăng mà cuộc sống thường ngày, chứ chưa nói đến cái tết, của họ có thể sẽ bị ảnh hưởng ngay từ đầu năm 2008 này, bởi lệnh cấm lưu hành những phương tiện hành nghề của họ.
Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới thuộc cục Đăng kiểm Nguyễn Hữu Tiến đã phủ nhận khả năng lệnh cấm lưu hành xe ba bánh tự tạo, theo tinh thần nghị quyết 32 của Chính phủ, có thể được lùi lại một thời gian, do những người bị ảnh hưởng của chính sách mới này chưa tìm được phương thức sinh sống khác.
Khả năng về việc thay thế những loại xe ba bánh này bằng loại xe do nước ngoài chế tạo, để duy trì niêu cơm cho những đối tượng trên trong khu vực nội thành, nội thị cũng chính thức bị loại bỏ, trong khi số phận những đồng nghiệp của họ ở khu vực ngoại thành, ngoại thị, hay nông thôn có thể trông chờ vào sự cởi mở và thông cảm của chính quyền địa phương (SGTT đã đưa tin trên số báo trước).
Bộ trưởng Lao động thương binh xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người rất có thể phải điền thêm nhiều người đạp xích lô, kéo xe lôi, đẩy xe ba gác, hay lái xe lam, ở nội thành, nội thị, những người có thể nuôi cả gia đình nhờ vào những chiếc xe đó như nhận xét của chính bà, vào danh sách những đối tượng cần xoá đói giảm nghèo trong năm 2008 tới, cho biết việc tạo việc làm mới cũng là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Tôi nghĩ rằng chắc chắn chính quyền địa phương sẽ có những giải pháp cụ thể, còn bộ sẽ đưa ra chính sách chung trên cơ sở tham khảo với các địa phương, chứ tôi không thể nói rằng khi cấm xe bộ sẽ làm gì cho người bị mất việc làm có phương tiện hay nghề mới để làm ngay, bà Ngân nói.
Họ (chính quyền địa phương) phải chủ động phân loại những người bị ảnh hưởng, để có giải pháp cụ thể đối với từng loại đối tượng, vụ phó vụ Lao động việc làm Nguyễn Thị Hải Vân, giải thích, và cho biết thêm vụ của bà chưa hề nhận được yêu cầu nào liên quan đến tạo việc làm mới cho những đối tượng trên, mà chỉ được biết qua báo chí.
Cũng khó có thể trách bà Ngân, người trong cuộc họp báo tất niên của văn phòng Chính phủ chiều 26.12 vừa rồi đã vui mừng thông báo rằng năm 2007 Việt Nam đã giảm được 3% hộ nghèo, là né tránh trách nhiệm, hay đá quả bóng xuống địa phương.
Chính nghị quyết 32 của Chính phủ, ban hành cách đây hơn sáu tháng, cũng không hề nhắc tới số phận của những người chịu ảnh hưởng bởi giải pháp này, ngoài một dòng chữ lạnh lùng: Từ ngày 1.1.2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh (chưa nói tới việc giao nhiệm vụ cho cơ quan nào đó giải quyết chính sách an sinh cho những người bị ảnh hưởng).
Trong khi đó, ở bộ Giao thông vận tải, cơ quan được coi là tham mưu cho Chính phủ trong việc ban hành nghị quyết này, các đầu mối như cục Đường bộ, cục Đăng kiểm, hay vụ Vận tải, khi được hỏi đều chuyền qua chuyền lại quả bóng cho nhau, trước khi tung cú sút phân cấp về địa phương.
Thiển nghĩ, có lẽ do quá bận tâm về việc thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, hay như người dân thường gọi là nồi cơm điện, những người ta đã quên mất niêu cơm đất của những người đạp xích lô, lái xe lôi, đẩy xe ba gác, hay lái xe lam, chí ít ở những khu vực nội thành, nội thị.
Chủ nhân của những chiếc nồi cơm điện và niêu cơm đất kia, chắc chắn đều hiểu được mong muốn tốt đẹp của Chính phủ trong việc giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, và có lẽ họ cũng chấp nhận trả giá.
Ai cũng biết giá một cái nồi cơm điện cao nhất cũng chỉ khoảng triệu bạc. Nhưng giá cái niêu cơm đất là bao nhiêu nhỉ?
Hoàng Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét