Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư - Tạp chí Kinh doanh Uy tín hàng đầu, số: 10 cổ phiếu tiềm năng, ra ngày 16-02-2009 |
Việt Nam nên HỌC Ethiopia |
Tác giả: HUỲNH PHAN NCĐT 16/02/2009 |
Có nhiều điều Việt Nam có thể học từ Ethiopia, nhất là về tư duy chính sách. |
Giáo sư Kenichi Ohno, Giám đốc Diễn đàn Phát triển Việt Nam (trụ sở tại Hà Nội), sang Việt Nam từ năm 1995. Kể từ đó, ông đã tham gia rất nhiều hội thảo về chính sách công nghiệp tại Việt Nam. Sau gần 15 năm kiên nhẫn đối thoại và thuyết phục các nhà hoạch định chính sách công nghiệp ở Việt Nam, ông đã thốt lên: “Hà Nội đã thay đổi rất nhiều với nhiều khách sạn mọc lên và xe hơi chạy đầy đường, nhưng tư duy các nhà hoạch định chính sách công nghiệp vẫn vậy. Hơn một thập kỷ qua, cứ dự hội thảo nào về phát triển công nghiệp phụ trợ là tôi nghe đi nghe lại điệp khúc là phải đưa công nghệ vào hay kích cỡ thị trường Việt Nam còn quá nhỏ…”.
Dưới đây là những ý kiến của Giáo sư Ohno sau 2 chuyến đi Ethiopia, mà ông coi là có tác dụng hâm nóng lại nhiệt tình đã bị nguội lạnh đi nhiều sau gần 15 năm ở Việt Nam.
Người Việt Nam có thể cho rằng Ethiopia là một nước nghèo ở châu Phi. Tổng thu nhập nội địa tính trên đầu người của họ chỉ khoảng 160 USD/năm, còn Việt Nam sắp đạt được mức 1.000 USD/năm. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, năm 1990, Việt Nam chỉ đạt khoảng 100 USD/người. Theo tiêu chí này, Ethiopia giống hệt Việt Nam trước khi mở cửa thị trường. Như vậy, về trình độ phát triển, Ethiopia tương tự như Việt Nam cách đây 20 năm. Nhưng, về tư duy chính sách, theo Giáo sư Ohno, họ vượt Việt Nam hiện nay rất nhiều.
TƯ DUY CHÍNH SÁCH
Lần đầu tiên ông đến Ethiopia là để dự hội nghị “Sáng kiến về đối thoại chính sách về châu Phi”, do Giáo sư Stiglitz, Đại học Colombia (Mỹ), chủ trì. Thủ tướng Ethiopia, người đã ngồi dự cả 2 ngày Hội nghị, nói với đại sứ Nhật tại nước này rằng, ông cũng muốn Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vạch ra ở Ethiopia một đề án hỗ trợ công nghiệp và vốn viện trợ phát triển (ODA) tương tự ở Đông Á như phía Nhật đã trình bày.
Lần thứ hai Giáo sư Ohno sang Ethiopia là tháng 3 năm ngoái và được gặp lại Thủ tướng Ethiopia. Thủ tướng cho biết, ông muốn JICA triển khai một đề án công nghiệp mới cho Ethiopia. Sau đó, Giáo sư tới gặp Bộ Thương mại và Công nghiệp. “Qua trao đổi, chúng tôi hiểu rằng họ nắm rất vững ý tưởng của Thủ tướng nên quá trình triển khai rất nhanh chóng và hiệu quả”, Giáo sư nói.
Chẳng hạn, chiến lược phát triển công nghiệp của Ethiopia chỉ ra rất rõ những ngành công nghiệp mũi nhọn là da giày, dệt may, thịt và chế biến thực phẩm, xây dựng. Gần đây, họ bổ sung thêm ngành sản xuất hoa tươi để xuất khẩu. Chiến lược này đã được vạch ra từ năm 2003 và hiện nay vẫn thực hiện.
Việt Nam cũng có một loạt lĩnh vực mũi nhọn, có điều danh sách này không nhận được sự nhất trí hay chia sẻ bởi khu vực doanh nghiệp, hay thậm chí giữa các bộ và chính quyền địa phương. Có quá nhiều lĩnh vực ưu tiên, nào là hi-tech, nào là phần mềm, nào là hóa chất, rồi hóa dầu, rồi khai khoáng, rồi đóng tàu, rồi đủ thứ nữa. Nhiều lĩnh vực ưu tiên quá tức là chẳng ưu tiên lĩnh vực nào cả, Giáo sư nói.
Một điều đáng nói nữa là chương trình hợp tác giữa 2 khu vực công và tư của Ethiopia rất tốt. Các hiệp hội ngành nghề luôn có các cuộc đối thoại định kỳ hằng quý với Bộ Thương mại và Công nghiệp, hoặc bất thường khi có vấn đề nảy sinh. Chẳng hạn, khi phát hiện trong cà phê xuất khẩu của Ethiopia có dư lượng hóa chất, họ tổ chức ngay hội thảo với sự tham dự của Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp, giới doanh nghiệp và các chuyên gia để tìm ra giải pháp. Và họ đã cứu được ngành cà phê.
Trong khi đó, theo Giáo sư Ohno, Việt Nam đã tồn tại căn bệnh kinh niên là phản ứng quá chậm đối với những thay đổi. Chính vì vậy, việc Việt Nam đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên.
Ở Việt Nam, công cuộc công nghiệp hóa một cách ồ ạt đã gây ảnh hưởng nặng tới nông nghiệp. Trong khi Ethiopia xác định cần phát triển công nghiệp trên cơ sở nông nghiệp, tức nông nghiệp không bị co lại khi công nghiệp phát triển, mà 2 ngành cùng phát triển. Nông nghiệp phát triển để tăng đầu vào cho công nghiệp, đồng thời là nơi tiêu thụ những sản phẩm công nghiệp, đóng vai trò là động lực cho công nghiệp phát triển.
CHÍNH SÁCH CỦA NHẬT BẢN
ODA của Nhật dành cho các nước đang phát triển có chiều hướng co lại do suy giảm kinh tế. Nhưng theo Giáo sư Ohno, đa số các chính khách Nhật đều muốn tăng ODA cho châu Phi, có những người thậm chí còn muốn tăng ngay lên gấp đôi. Vì vậy, ODA dành cho các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam, có thể bị co lại.
Thứ nhất, về chính trị, Nhật Bản vẫn theo đuổi tham vọng trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc. Và châu Phi có thể cung cấp hơn 50 phiếu ủng hộ. Thứ hai, Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng ở châu lục này thông qua hỗ trợ ODA, thương mại và đầu tư, để có thể khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ ở châu Phi. Nhật Bản không muốn bị tụt lại trong cuộc đua này. Như vậy, vì cả lý do chính trị và kỳ vọng về kinh tế, Nhật sẽ dành một phần đáng kể nguồn lực của mình cho châu Phi.
Mặt khác, Việt Nam và Nhật Bản đang xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và người Nhật đặt rất nhiều kỳ vọng ở quốc gia này. Nhưng nếu phía Việt Nam vẫn cứ cố thử thách sự kiên nhẫn của họ, không loại trừ khả năng người Nhật sẽ phải đi tìm mặt trận mới. Những nước châu Phi như Ethiopia đã tạo dựng được niềm tin ban đầu đối với đất nước mặt trời mọc.
|
Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011
Việt Nam nên HỌC Ethiopia
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét