Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Tháng 9 của những ẩn số?


Ngày 06.09.2006, 14:37 (GMT+7)
WTO-PNTR
Tháng 9 của những ẩn số?


Quá bị cuốn hút vào cái game "PNTR" đầy kịch tính, báo giới cả trong lẫn ngoài nước vẫn coi việc Việt Nam được kết nạp vào WTO tháng 10 tới là một chuyện tất nhiên, những vấn đề còn lại chỉ mang ý nghĩa thủ tục. Thế nhưng, trong cuộc họp báo cuối tháng 8 vừa rồi, ông Đại sứ Mỹ lại cảnh báo rằng "vẫn còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết ở Geneva trên cấp độ đa phương".


Mối liên hệ giữa "vấn đề đa phương" và PNTR?


Theo một thành viên đoàn đàm phán WTO của Việt Nam, hiện nay phía Việt Nam vẫn còn đang "đau đầu" với rất nhiều câu hỏi "hóc búa" của các đối tác quan trọng như EU, kể cả Mỹ (dù đã ký thoả thuận song phương có gắn với cam kết đa phương), liên quan đến những bộ luật mà Việt Nam vừa thông qua, hay sửa đổi, cho tương thích với quy định của tổ chức này. 


Nhà đàm phán này còn cho biết có những câu hỏi mang tính "đánh đố" như yêu cầu phía Việt Nam chứng tỏ tính khả thi của một số điều luật nào đó. Theo nguồn tin ngoại giao Việt Nam, việc Mỹ yêu cầu nhập "văn hoá phẩm Việt kiều" (như SGTT đã từng nêu trong bài "Mỹ sẽ bốc lại con bài đã dập?") vẫn có khả năng là một trong những "vấn đề tồn tại" cho đến nay, mặc dù phía Mỹ đã hiểu rõ "lập trường" của phía Việt Nam về chuyện này.


Trở lại chuyện PNTR, một tờ báo Mỹ đã từng nhận xét rằng "nếu PNTR không được thông qua trước khi Tổng thống Bush sang Việt Nam, đó sẽ là một cái tát về ngoại giao". Nhưng có ai đó từ phía Mỹ có thể đặt ra một câu hỏi theo một góc nhìn khác: Liệu việc Chính phủ Mỹ bật đèn xanh cho Việt Nam gia nhập WTO, mà các doanh nghiệp Mỹ không được hưởng lợi gì từ những thoả thuận mở cửa thị trường của Việt Nam, có phải là "tự vả vào má mình"? 


Và như vậy, liệu có gì liên quan giữa những đòi hỏi "khó" của Chính phủ Mỹ trong đàm phán đa phương và những "rắc rối" liên quan đến việc xem xét và thông qua PNTR tại Quốc hội? Sự tác động qua lại giữa hai quá trình "song phương" và "đa phương" như thế nào? Trước những câu hỏi đó của SGTT, nhà đàm phán trên chỉ nhún vai: "Tháng Chín này sẽ trả lời".


Món xúc xích có mùi cứt gián?


Ý thức được những khó khăn liên quan đến dệt may, nhân quyền và tôn giáo, nhưng Đại sứ Marine vẫn lạc quan về triển vọng PNTR được thông qua trong tháng 9 này, bởi theo ông "các thành viên Chính phủ đã tiếp cận các nhân vật chủ chốt trong Quốc hội để thúc giục sớm thông qua PNTR". 


Theo nguồn tin ngoại giao Mỹ, trước chuyến thăm dự kiến của Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice sang Việt Nam cuối tháng 7 (đã bị huỷ do cuộc khủng hoảng quân sự ở Trung Đông), đích thân Tổng thống Bush đã có cuộc gặp riêng với Chủ tịch Hạ viện Hastert về vấn đề này. Các nhà ngoại giao Việt Nam vào tháng trước cũng đã có một số hoạt động vận động cho PNTR ngay tại bang California, khi những nhân vật như Chủ tịch Uỷ ban Tài chính và thuế vụ Hạ viện Bill Thomas và Chủ tịch Uỷ ban Quy tắc Hạ viện David Dreier đang có mặt tại quê hương họ để vận động tranh cử cho đảng mình, hay cho chính mình.


Hy vọng là như vậy, nhưng một mối lo ngại khác lại được đặt ra là liệu PNTR khi được thông qua có phải là một PNTR "sạch" (tức là không có các điều khoản bổ sung) không?


Hai thượng nghị sĩ của North Carolina và South Carolina, nơi tập trung của ngành dệt may Mỹ và cũng là nơi cư trú của những người thiểu số đến từ Việt Nam, đã lên tiếng "tuyên chiến" với PNTR đến cùng. Với một nhân vật như Elizabeth Dole, vợ của thủ lĩnh một thời của Đảng Cộng hoà tại Thượng viện Bob Dole và bản thân từng là Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Lao động thời Tổng thống Reagan, cũng như Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Mỹ, trong khi Thượng viện Mỹ lại có nguyên tắc Filibuster (cho phép tranh luận đến cùng nếu không có ít nhất 60 người bỏ phiếu truất quyền này), một số nhà quan sát tỏ ra lo ngại về khả năng Quốc hội Mỹ thông qua PNTR nhưng lại "bán kèm" thêm một (vài) điều khoản bổ sung bất lợi cho Việt Nam, thậm chí bất lợi cho nhiều bang khác, nhiều giới khác của Mỹ.


Người Mỹ có câu: "Hãy thưởng thức món xúc xích, nhưng đừng quan tâm nó được nhồi như thế nào!". Rõ ràng trong trường hợp này, không phải vấn đề cách nhồi, mà thịt đã được nhồi lẫn với vài viên cứt gián.
Không có cái tát nào cả! Chỉ có "món quà" không được "thơm" lắm! "Tiếng thơm" của người trao nó chắc cũng bị ảnh hưởng!
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét