Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Pháp-Việt: Điện hạt nhân và Airbus


Ngày 01.10.2007, 10:55 (GMT+7)
Pháp-Việt: Điện hạt nhân và Airbus
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang ở Pháp trong chuyến thăm chính thức lần đầu tiên quốc gia châu Âu này trên cương vị thủ tướng, từ 30.9 đến 3.10
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ 2 từ trái qua) xem mô hình vận hành nhà máy điện nguyên tử tại Nogent sur Seine. Ảnh : TTXVN
Ngoài cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng Pháp Francois Fillon, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có những cuộc gặp với Tổng thống Nicolas Sarkozy, và những người đứng đầu lưỡng viện của Quốc hội Pháp, nhằm thúc đẩy quan hệ, nhất là thương mại và đầu tư, giữa hai nước thành viên của cộng đồng francophonie này.
Hãng tin AFP nhận xét: Chuyến đi mang âm hưởng rõ nét về kinh tế khi nhiều công ty Pháp đang đặt những “quân cờ” vào “bàn cờ kinh tế” của Việt Nam.
Hơn thế nữa, Pháp và Việt Nam được coi là hai nhân tố quan trọng trong quá trình xích lại gần nhau, nhất là về kinh tế – thương mại – đầu tư, giữa EU và ASEAN (cách đây ít tháng, hai khối này đã bắt đầu đàm phán về một khu vực thương mại tự do).
Hai lĩnh vực ưu tiên hàng đầu: năng lượng và vận tải
Sau khi lễ đón chính thức ở sân bay Orly (Paris), chiều 29.9 Thủ tướng đã đến thăm nhà máy điện hạt nhân tại Nogent sur Seine (ngoại ô Paris). Pháp là một trong những quốc gia đang mong muốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020.
Ngoài năng lượng, hai lĩnh vực mà Việt Nam và Pháp đang nỗ lực tìm kiếm sự hợp tác là vận tải hàng không và đường sắt
Trong cuộc gặp vào ngày 13.9 vừa rồi với lãnh đạo Bộ Khoa học công nghệ, tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương Hervé Machenaud ngỏ ý rằng tập đoàn điện lực lớn nhất châu Âu này rất sẵn sàng hỗ trợ và tham gia cùng với Việt Nam để nghiên cứu và lựa chọn những công nghệ, thiết bị điện hạt nhân phù hợp với điều kiện của Việt Nam. EDF đã giúp Trung Quốc xây dựng thành công hai nhà máy điện hạt nhân Ling Ao và Lai Bin.
Tập đoàn điện lực Pháp, hiện đang vận hành một nhà máy điện chạy khí tại tổ hợp Phú Mỹ, đã nhận được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam về việc xây dựng một nhà máy điện chạy than lớn nhất tại Việt Nam ở tỉnh Hậu Giang, với công suất 3.600 MW và vốn đầu tư lên tới 4 tỉ USD.
Cũng trong lĩnh vực năng lượng, ngoài tổ hợp dịch vụ dầu khí Technip đang tham gia dự án lọc hoá dầu tại Dung Quất, Tập đoàn Total cũng đã được chấp thuận cho thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam.
Ngoài năng lượng, hai lĩnh vực mà Việt Nam và Pháp đang nỗ lực tìm kiếm sự hợp tác là vận tải hàng không và đường sắt. Vào tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Hai bên đang kết thúc thương thảo một số thoả thuận quan trọng trong những lĩnh vực như dầu khí, hàng không và đường sắt, và mục tiêu là ký các thoả thuận này trong chuyến thăm”.
Pháp đang rất muốn tham gia vào dự án xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở Hà Nội. Về hàng không, mục tiêu chính của của Tập đoàn Airbus là bán máy bay đường dài cho Vietnam Airlines, công ty đang trong quá trình hoạch định chiến lược hiện đại hoá đội bay của mình. Việc Thủ tướng Việt Nam kết thúc “tour de France” của mình bằng chuyến viếng thăm tổ hợp Airbus tại Toulouse vào thứ tư tới sẽ mở ra những hy vọng cho nhà chế tạo máy bay hàng đầu châu Âu này trong cuộc cạnh tranh với đối thủ từ bên kia Đại Tây Dương – Boeing.
Hình ảnh Việt Nam trên Paris Match
Cũng trong dịp này, một chuyên san 8 trang về Việt Nam đã xuất hiện trên tuần báo Paris Match, tờ tạp chí lớn nhất trong cộng đồng nói tiếng Pháp.
Được bắt đầu thực hiện từ đầu tháng ba năm nay bởi Terra Nueva, một trong bốn hãng truyền thông chuyên làm chuyên san trên Paris Match, chuyên san này được ấn hành dành riêng cho sự kiện Thủ tướng Việt Nam thăm Pháp.
Ông Christophe Bonami, trưởng nhóm thực hiện chuyên san cho Sài Gòn Tiếp Thị biết: “Với tổng số phát hành 186.000 bản, bao gồm 70.000 ở Paris, 34.000 ở Bỉ (nơi có tổng hành dinh của EU), và 82.000 bản kẹp trong Paris Match International, chúng tôi hy vọng hình ảnh về một nền kinh Việt Nam đang có những thay đổi lớn trên bình diện vĩ mô, với những cơ hội đầu tư lớn và những ngành công nghiệp mũi nhọn, như điện tử, xây dựng, bất động sản, hay du lịch, sẽ được giới thiệu đến khoảng 1,2 triệu độc giả có tiềm năng trên toàn thế giới”.
“Chúng tôi sẽ trở lại Việt Nam trong vòng 12 tháng tới để làm tiếp một chuyên san nữa”, Bonami nói thêm, “bởi hình ảnh về một quốc gia không thể thực hiện chỉ qua một cú bấm máy”.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét