Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Rào cản tiếp theo: lao động?


Ngày 06.07.2006, 09:45 (GMT+7)
Rào cản tiếp theo: lao động?
Vào ngày 12.7 này, dự luật PNTR cho Việt Nam sẽ được đưa ra xem xét tại Uỷ ban Tài chính Thượng viện. Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh, người vừa kết thúc chuyến đi dài ngày vận động các nghị sĩ Mỹ thông qua dự luật này, các nghị sĩ tại hai viện Quốc hội không tán thành việc gắn vấn đề nhân quyền với yếu tố thương mại, vì "nếu như vậy sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm do nước này đang muốn Quốc hội thông qua Hiệp định về khu vực mậu dịch tự do (FTA) với hai nước Oman và Peru".
Nhân viên cổ xanh trong khu Công viên phần mềm Quang Trung không có căng tin. Ảnh : L.Q.N
Chưa biết liệu vấn đề nhân quyền có được đặt ra trong khi xem xét PNTR của Việt Nam hay không, nhưng rõ ràng đã có những dấu hiệu rằng những nhóm chống đối "mở cửa thị trường nội địa" ở Mỹ đã áp dụng một "thủ pháp" khác - nêu "vấn đề lao động" vốn rất nhạy cảm trong năm bầu cử này. Tại phiên điều trần tại Uỷ ban Tài chính Thượng viện liên quan đến FTA với Peru, Thư ký phụ trách vấn đề tài chính của Liên đoàn Lao động Mỹ và Đại hội Các nghiệp đoàn (AFL-CIO) Richard Trumka đã dùng "vấn đề lao động" làm luận cứ chính, ngoài những ảnh hưởng phổ biến đến kinh tế Mỹ như thâm hụt thương mại, quyền lợi nhà đầu tư Mỹ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ... để yêu cầu Quốc hội không thông qua hiệp định này.
Đối với vấn đề lao động ở Mỹ, trong bài phát biểu của mình, người đại diện cho 9 triệu lao động ở Mỹ đã đưa ra con số 3 triệu chỗ làm trong các ngành công nghiệp bị mất kể từ năm 1998 và mức lương trung bình không còn tương ứng mức lạm phát, dẫn đến sự gia tăng số lượng những người nghèo. Richard Trumka còn cảnh báo về nguy cơ thất nghiệp đối với đội ngũ "công nhân cổ cồn trắng" và các sinh viên mới tốt nghiệp đại học của Mỹ do việc làm bị chuyển ra nước ngoài ngày càng nhiều.
Không dừng ở đó, những vấn đề thuộc về quyền của người lao động ở Peru cũng được đưa ra như những chứng cứ yêu cầu Quốc hội "ép" Chính phủ phải đàm phán lại FTA, mà thực chất là "trì hoãn" việc thông qua hiệp định này. Richard Trumka đã viện dẫn những quy định của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) để vạch ra những vi phạm của phía Peru về quyền tổ chức thoả ước tập thể, quyền tự do hội đoàn (tập hợp lực lượng đình công hợp pháp), lao động "cưỡng bức" và lao động trẻ em... Điều đáng chú ý ở đây là khi nói về bất cứ điều gì "được coi là vi phạm" của Chính phủ Peru, Richard Trumka đều tìm thấy được những dẫn chứng từ các bản báo cáo của ILO.
Việt Nam cần chuẩn bị gì?
Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson, hiện là Chủ tịch Hội đồng Lãnh đạo của Hội đồng Thương mại Mỹ-Việt, tuy trong năm bầu cử những vấn đề như việc làm được coi là nhạy cảm, nhưng năm nay rất lạc quan đối với những người ủng hộ Việt Nam vì tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ khá thấp, chỉ khoảng 4,6-4,8%. "Những người đang "đấu" cho PNTR phải giải quyết việc này càng nhanh càng tốt, chứ để muộn hơn, chẳng may tỷ lệ thất nghiệp vì lý do gì đó tăng lên cao, và lúc đó việc làm sẽ trở thành một big issue (chuyện tày đình)", ông lưu ý.
Còn những vấn đề "đối nội" mà phía Việt Nam cần quan tâm, theo ông Peterson, là những vấn đề liên quan đến tự do hoá thị trường lao động như quyền tự do hội đoàn, quyền và điều kiện làm việc của người lao động, tổ chức công đoàn trong vai trò thực sự là đại diện của người lao động, hay sự đảm bảo rằng người lao động Việt Nam không bị giới chủ "bóc lột". Ông còn nói thêm rằng "phía Việt Nam phải sẵn sàng giúp những người bảo trợ cho PNTR trả lời những câu hỏi xung quanh những vấn đề kể trên, nhiều khả năng, do các nghị sĩ Dân chủ nêu ra tại hai viện và các uỷ ban liên quan".         
Huỳnh Phan - Vũ Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét