Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Châu Phi: Những tiềm năng chưa khai thác


Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư - Tạp chí Kinh doanh Uy tín hàng đầu, số: Thách thức thời trang Việt, ra ngày 23-08-2010
Châu Phi: Những tiềm năng chưa khai thác
Tác giả: Lưu Hương    NCĐT 23/08/2010
Châu Phi được đánh giá là một thị trường rộng lớn và vừa sức, nhưng cũng lắm thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Giữa tuần trước, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Việt Nam - Châu Phi: Hợp tác và Phát triển bền vững”. So với lần thứ nhất (2003), hội thảo lần này lớn hơn về quy mô, cao hơn về số người tham gia và sâu hơn về nội dung thảo luận. NCĐT đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Đức Định, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi - Trung Đông, người có nhiều năm nghiên cứu châu lục này, về những cơ hội và thách thức trong việc khai thác thị trường châu Phi rộng lớn và được coi là vừa sức đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Sau 7 năm từ hội thảo hợp tác phát triển lần thứ nhất, giao thương giữa Việt Nam và châu Phi đã tiến triển như thế nào, thưa ông?
Khi bàn về hợp tác kinh tế, hai bên đã nêu ra được mình đã có cái gì và cần làm tiếp những gì. Cái đạt được rõ nhất sau 7 năm là kim ngạch thương mại tăng gấp gần 7 lần, từ khoảng 300 triệu USD lên hơn 2 tỉ USD, trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam chiếm 80%.
Nếu cách đây 7 năm, hai bên chỉ mới thăm dò thị trường của nhau thì bây giờ, đã khẳng định được những mặt hàng nào Việt Nam và châu Phi có thể bổ sung cho nhau. Chẳng hạn, loại gạo được trồng đại trà và không thuộc loại có phẩm cấp cao nhất của Việt Nam xuất sang châu Phi rất hợp, vì nó vừa với túi tiền của đa số người dân nghèo của châu lục này. Ngược lại, nguồn gỗ nhập từ Nam Phi đã bổ sung cho sự thiếu hụt về loại nguyên liệu này, sau khi Việt Nam hạn chế phá rừng nguyên sinh và nguồn thay thế từ rừng nguyên sinh của Lào, rừng tái sinh ở Úc không đủ đáp ứng.
Hay, nếu trước đây Việt Nam chỉ cử chuyên gia sang giúp châu Phi trồng lúa, thì nay, trong một vài dự án nông nghiệp do Giáo sư Võ Tòng Xuân triển khai, đã có vài chục nông dân Việt Nam được cử sang để chuyển giao công nghệ trồng lúa cho nông dân các nước như Sudan hay Mozambique. Người nông dân Việt Nam có ưu thế hơn chuyên gia nông nghiệp ở khả năng thực tiễn nên hiệu quả chuyển giao công nghệ cao hơn.
Đây mới là sự khởi đầu, nhưng liệu với sự đầu tư sâu rộng hơn, Việt Nam có vấp phải sự cạnh tranh của Trung Quốc, một nước vừa đông dân, vừa nhiều tiền ODA, vừa giỏi giang trong chuyện làm ăn buôn bán?
Nếu cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc chúng ta luôn thua, không chỉ riêng ở châu Phi. Bởi chúng ta chưa có tầm tham vọng như Trung Quốc và giả sử có tham vọng, cũng không có tiềm lực để thực hiện như họ.
Nhưng Trung Quốc cũng có những nhược điểm rất đặc trưng. Chẳng hạn, châu Phi muốn có dự án đầu tư nước ngoài để tạo công ăn việc làm cho người dân bản xứ thì Trung Quốc lại toàn đưa nhân công của mình sang. Hơn nữa, Trung Quốc đầu tư chủ yếu để khai thác tài nguyên. Còn đối với những dự án khác, họ hứa hẹn rất to, nhưng kết quả thì thấp với công nghệ chất lượng thấp.
Việt Nam phải có cách ứng xử linh hoạt. Trong đó, chúng ta có thể học bài học tốt từ Trung Quốc để tạo nền móng ban đầu.
Cụ thể những bài học tốt là gì?
Tôi muốn nhấn mạnh tới sự tham khảo kinh nghiệm của cường quốc lớn thứ hai về kinh tế này trong việc vươn ra thế giới. Ở Mỹ, hầu như thành phố nào cũng có Phố Tàu (China Town). Pháp cũng có Phố Tàu, Việt Nam thì có Chợ Lớn. Ở châu Phi, người Trung Quốc đã có những nơi mang dáng dấp Phố Tàu ở đô thị và quan trọng hơn, họ lại có những Làng Tàu ở nông thôn.
Tại sao Trung Quốc xây dựng được Phố Tàu và bây giờ là Làng Tàu? Đây là ý tưởng rất hay và chúng ta nên nghiên cứu liệu Việt Nam có xây dựng được Phố Việt và Làng Việt ở châu Phi không? Thực ra, đã có những mầm mống ban đầu để phát triển ý tưởng này và rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước Việt Nam để biến nó thành hiện thực.
Việt Nam phải cố tận dụng những người đã mở đường sang châu Phi, đã vượt qua khó khăn ban đầu để tạo dựng được cơ nghiệp. Chẳng hạn, hơn 500 chủ tiệm ảnh ở Angola, vốn là những chuyên gia y tế Việt Nam hết nhiệm kỳ và ở lại kinh doanh, hay những người trồng rau quả ở Ai Cập, từ Đông Âu xuống. Họ đã có thành công bước đầu khi làm nhỏ, nhưng đến khi muốn phát triển thành trang trại thì lại thiếu tiền nhập nhà kính mới từ châu Âu, bởi Ai Cập không cho phép nhập nhà kính cũ của châu Âu.
Hay ở Nam Phi, đã có những người Việt sở hữu các ngôi biệt thự rộng tới vài ngàn mét vuông, bởi khi chế độ Apartheid sụp đổ, nhiều người đã bán tống bán tháo bỏ Nam Phi ra đi. Người Việt đưa nông dân sang, trồng hành tỏi trong khuôn viên đó và bán rất có lãi. Nhưng nếu cứ làm nhỏ lẻ như vậy thì đến bao giờ hình thành được Phố Việt, Làng Việt?
Vậy còn về mặt chính sách?
Tôi nghĩ cần có chương trình hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp cho những người sang làm ăn ở châu Phi. Nhà nước phải hỗ trợ họ phát triển tốt hơn, dùng họ làm hạt nhân, làm cầu nối với các doanh nghiệp trong nước, hay tổ chức liên kết làm ăn. Như thế sẽ lợi hơn nhiều so với chi phí tìm hiểu thị trường từ đầu.
Về khuôn khổ pháp lý, Chính phủ Việt Nam phải hoàn tất những hiệp định liên quan đến vấn đề bảo vệ công dân Việt Nam, đến đầu tư, đến tránh đánh thuế 2 lần. Hơn nữa, đưa mấy ngân hàng sang lập chi nhánh bên đó, ít nhất là ở 2 đầu Bắc và Nam Phi, để người ta có thể chuyển tiền được và giải quyết vấn đề cơ bản khiến các doanh nghiệp Việt Nam ngần ngại khi làm ăn với châu Phi là rủi ro trong thanh toán.
Trong hoạch định chính sách, chúng ta phải chọn ra những ngành mũi nhọn như thương mại, nông nghiệp, xuất khẩu lao động; phải biết chọn vùng trọng điểm để đầu tư, từ đó lan ra, chứ không nói chung chung ở cả 54 nước châu Phi. Chẳng hạn, ta nên lấy Nam Phi làm trọng điểm ở phía Nam, Ai Cập ở phía Bắc.
Ông có thể cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư sang châu Phi một vài lời khuyên, với tư cách một chuyên gia về châu lục này?
Về dài hạn, Việt Nam có thể thúc đẩy đầu tư sang châu Phi. Điều này, Việt Nam nên học Đài Loan. Họ đã mở những nhà máy dệt vải bò từ bông mua tại chỗ ở Rwanda, chẳng hạn, và mở nhà máy may để may quần áo bò xuất khẩu sang Mỹ, hay các nước thuộc Liên minh châu Âu. Sản phẩm của họ có sức cạnh tranh mạnh ở 2 thị trường này do giá nhân công bản địa rẻ và được miễn thuế do hàng hóa có xuất xứ từ châu Phi, theo tinh thần của những hiệp định ưu đãi ký giữa Mỹ và EU với lục địa này.
Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể mở nhà máy dệt, nhà máy may, tổ chức nuôi trồng và chế biến thủy sản, hoặc mở nhà máy chế biến đồ gỗ ở một số nước châu Phi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét