Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Mỹ lạc quan về việc tham gia của Việt Nam


Ngày 11.06.2010, 08:05 (GMT+7)
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương
Mỹ lạc quan về việc tham gia của Việt Nam
SGTT - Mỹ chuẩn bị lễ kỷ niệm 15 năm ngày bình thường hoá quan hệ với Việt Nam (11.7.1995 – 11.7.2010) bằng những chuyến thăm liên tục, kể từ đầu tháng. Hết đô đốc hải quân đến trợ lý ngoại trưởng. Và hôm qua, phó đại diện Thương mại Mỹ Demetrios Marantis cũng kết thúc chuyến thăm ba ngày tới Việt Nam.
Sản xuất nến cao cấp xuất khẩu 100% đi Mỹ, tại công ty AIDI, tại khu công nghiệp Cái Lân, Quảng Ninh. Sau 15 năm bình thường hoá quan hệ, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 30 Mỹ. Ảnh: TTXVN
“Trong các cuộc tiếp xúc, chúng tôi đã bàn về quan hệ kinh tế – thương mại, điểm lại những tiến bộ đã đạt được qua 15 năm, và thảo luận về những sáng kiến để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này”, đại sứ Marantis nói, trong cuộc họp báo tại Hà Nội, trước khi rời Việt Nam.
“Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hướng đi, một nấc tiếp theo để thúc đẩy mối quan hệ này”, đại sứ Marantis nói tiếp, sau khi chỉ ra hai bước đi quan trọng đầu tiên của Việt Nam là ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ (BTA, năm 2001) và gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO, đầu năm 2007). Sau 15 năm, thương mại hai chiều giữa hai nước đã vượt 15 tỉ USD (cuối năm 2009), và Mỹ đã vọt lên để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam.
Đại sứ Marantis cho rằng, việc Việt Nam thể hiện đầy đủ năng lực và ý chí để thực hiện những cam kết của BTA và WTO khiến ông tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tự tin quyết định chính thức tham gia đàm phán TPP. TPP có thể nói là chủ đề xuyên suốt trong tất cả các cuộc tiếp xúc của đại sứ Marantis với giới lãnh đạo, quan chức, doanh nghiệp, sinh viên và cả truyền thông của Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của Sài Gòn Tiếp Thị về việc, liệu Mỹ có thể làm gì để khuyến khích Việt Nam tự tin hơn trong quyết định tham gia TPP, đại sứ Marantis nói: “Khác với đàm phán WTO, khi Việt Nam phải chấp nhận những quy định sẵn có, khi tham gia đàm phán TPP có nghĩa là Việt Nam sẽ tham gia việc định hình khuôn khổ của TPP”.
Lời giải thích nói trên của đại sứ Marantis, người đã từng có hai năm làm việc ở Hà Nội với tư cách cố vấn pháp lý của hội đồng Thương mại Mỹ – Việt, trong cả các cuộc gặp với Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang, phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, cũng như các đại diện quốc hội, dường như đã giúp Việt Nam bớt lưỡng lự hơn nhiều. Cho đến trước chuyến thăm này, đã có những lo ngại rằng những quy định ngặt nghèo của Mỹ liên quan đến vấn đề môi trường và lao động, đặc biệt là quyền tự do hội đoàn, sẽ khiến Việt Nam khó có thể đưa ra quyết định tham gia TPP trong thời điểm hiện nay.
Những điều đại sứ Marantis giải thích về luật chơi ở TPP đã được đại diện bộ Công thương Việt Nam gián tiếp khẳng định. Trong cuộc gặp với trưởng đoàn đàm phán TPP của New Zealand hồi đầu tháng, trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam đề nghị quốc gia đại dương này ủng hộ lập trường của Việt Nam liên quan đến lao động, môi trường, dệt may, hay sở hữu trí tuệ.
Đại sứ Marantis cũng thông báo rằng trong vòng đàm phán tiếp theo ở San Francisco (Mỹ), một trong những trọng tâm thảo luận sẽ là quan hệ giữa những hiệp định tự do (FTA) hiện tại với TPP. Vấn đề nâng cao năng lực đàm phán thương mại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), để tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào thương mại quốc tế là một trọng tâm khác.
Không trả lời thẳng liệu Mỹ có thể chờ Việt Nam đến khi nào, đại sứ Marantis vẫn hàm ý rằng quyết định tham gia TPP phải được đưa ra sau vòng đàm phán thứ ba. “Một vòng nữa sau vòng San Fransisco sẽ hoàn toàn định hình khuôn khổ TPP”, đại sứ Marantis nói.
“Sau 15 năm bình thường hoá quan hệ, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 30 của Mỹ. Tôi hy vọng rằng, cùng với TPP, chúng ta sẽ đón lễ kỷ niệm 30 năm với việc Việt Nam vào danh sách 15 đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi”, đại sứ Marantis, người có vẻ thích thú với con số 15 và bội số của nó, dự đoán.
HUỲNH PHAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét