Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Sự thay đổi thái độ và nhận thức


Ngày 25.05.2010, 21:01 (GMT+7)
Hội nghị ICOLD lần thứ 78
Sự thay đổi thái độ và nhận thức
Hội thảo khoa học quốc tế “Đập và phát triển nguồn nước bền vững”, trong khuôn khổ hội nghị ủy hội đập lớn thế giới (ICOLD) lần thứ 78, đã khai mạc sáng 25.5.2010. tại Hà Nội.
Trong hai ngày hội thảo, hơn 600 đại biểu từ 63 quốc gia thành viên ICOLD sẽ thảo luận về thủy văn, quy hoạch quản lý nguồn nước bền vững, tác động biến đổi khi hậu với vùng ven biển, giảm nhẹ lũ và hạn, cũng như những yếu tố kỹ thuật và tài chính trong việc xây dựng đập.
Sau hội nghị, các đại biểu cũng được mời đi thăm các đập Hòa Bình, Sơn La, Hàm Thuận – Đa Mi, Trị An…
 Vẫn không biết lãnh đạo Trung Quốc có quan tâm hay vẫn im lặng?
Ông Jia Jinsheng (Trung Quốc), Chủ tịch hội đập lớn thế giới (ICOLD) khẳng định, uỷ hội Mekong quốc tế đã thảo luận với chính phủ Trung Quốc để giải quyết những vấn đề liên quan đến những tác động đến môi trường và đời sống cư dân vùng hạ du con sông này. “Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm tới những gì liên quan tới đời sống của cư dân hạ du sông Mekong”, ông Jinsheng nói.
Thái độ hợp tác của Trung Quốc tại thời điểm hiện tại đã được hội đập lớn Việt Nam (VNCOLD) xác nhận phần nào. Theo ông Nguyễn Hồng Toàn, thành viên VNCOLD, hiện nay, Trung Quốc đã cung cấp thông tin thủy văn vào mùa lũ, và đã đồng ý cung cấp thông tin thủy văn vào mùa kiệt tại hai trạm gần biên giới các nước hạ du. Nhưng ông Toàn cũng giải thích thêm rằng, loại thông tin thứ hai chỉ được phía Trung Quốc mới đây đồng ý cung cấp trước yêu cầu rất mạnh mẽ của các nước hạ du sông Mekong.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của đại biểu từ Hà Lan, nơi có hai con sông quốc tế chảy qua. sự hợp tác này chỉ thực sự phát huy hiệu quả, khi tất cả những quốc gia có con sông nào đó chảy qua, cùng nằm trong một hiệp hội. “Phải bằng mọi cách mời được Trung Quốc tham gia ủy hội Mekong quốc tế, với tư cách một thành viên chính thức. Lúc đó, trách nhiệm hợp tác mới được đặt ra một cách nghiêm túc, thay vì thiện chí nhất thời”, chủ tịch hội đập lớn Hà Lan Johannes Van Duivenduk gợi ý.
Tại hội nghị cấp cao Hua Hin, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức mời Trung Quốc và Myanmar tham gia uỷ hội Mekong quốc tế. Cũng theo ông Toàn, đó là tín hiệu hết sức khẩn thiết của chính phủ Việt Nam để Trung Quốc tham gia hợp tác với các nước hạ du sông Mekong. Nhưng cả ông Toàn, ông Jinsheng đều không biết liệu lãnh đạo Trung Quốc có cân nhắc lời mời ở cấp cao này không, hay vẫn im lặng như họ vẫn làm trong 15 năm qua.
Chỉ có một điều ông Toàn và cả ông Jinsheng biết rất rõ, đó là các bài tham luận về tác động của các đập lớn trên thượng nguồn tác động thế nào tới môi trường hạ du, cùng ý kiến tranh luận tại các cuộc thảo luận của 8 tiểu ban vào ngày 26.5.2010, sẽ được đưa vào một cuốn sách để chuyển tới các nhà quản lý và hoạch định chính sách ở từng quốc gia thành viên ICOLD. “Những nhận định, trên cơ sở phân tích tác động, số liệu cụ thể và những kiến nghị cụ thể sẽ được chuyển tới họ như những khuyến cáo mạnh mẽ” ông Toàn khẳng định.
Sự thay đổi nhận thức của chính phủ Việt Nam
“Việt Nam thừa nhận và thực hiện các nguyên tắc quốc tế (GWP) về quản lý tổng hợp tài nguyên nước như là một quá trình thúc đẩy việc phát triển và quản lý nước, đất và các tài nguyên liên quan nhằm đem lại phúc lợi xã hội tối đa theo cách thức công bằng và không gây tác hại đối với sự bền vững của các hệ sinh thái quan trọng”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định trong bài phát biểu của mình.
Cách đây hơn một năm, ông Hoàng Trung Hải phải thay mặt Chính phủ Việt Nam nhận lỗi trước uỷ ban thường vụ quốc hội, vì những chậm trễ trong việc tái định cư cho hơn sáu ngàn hộ dân phải di dời do xây dựng đập thủy điện Sơn La. Trước đó, ông Hoàng Trung Hải cũng là người kiên trì vận động quốc hội thông qua dự án này, cũng như đôn đáo vận động các nguồn vốn vay khác, khi chính phủ Nhật Bản kiên quyết từ chối cấp ODA vì dự án ảnh hưởng tới một vùng sinh thái và số lượng cư dân quá lớn.
Ông Toàn cũng thông báo rằng Chính phủ đang soạn thảo nghị định quản lý đa ngành đối với các công trình thủy điện và thủy lợi, và bộ Chính trị cũng đã giao cho bộ Tài nguyên & môi trường chủ trì việc soạn thảo luật về bảo vệ nguồn nước. “Như vậy, nguồn nước đã được coi là tài sản quốc gia, và phải được quản lý chặt chẽ và khai thác với sự hài hòa về lợi ích”, ông Toàn nhận xét.
Tuy nhiên, GS-TS Giang vẫn khẳng định rằng việc tiếp tục xây đập vẫn là giải pháp duy nhất để giữ nước trong mùa mưa và sử dụng nước trong mùa khô. “Đó là chưa kể tới nhu cầu điện năng của Việt Nam tăng bình quân 15% hàng năm, đòi hỏi phải khai thác và tái tạo nguồn năng lượng sạch này, như các nước Âu, Mỹ, hay Nhật Bản đã từng làm”, ông Michel De Vivo, tổng thư ký ICOLD, khẳng định thêm.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo VNCOLD, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được rằng sự phát triển của thủy điện tràn lan, nếu không được quản lý, sẽ tác động rất lớn đến môi trường. “Có một tín hiệu tích cực từ bộ Công Thương là họ đã đề nghị dừng lại những dự án thủy điện vừa và nhỏ có tác động đến môi trường, trong danh sách những dự án thủy điện, chủ yếu ở miền Trung và Tây Nguyên, mà họ đang phải rà soát lại”, ông Toàn nói.
HUỲNH PHAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét