Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Lúng túng nhìn nhau


Ngày 24.01.2008, 14:19 (GMT+7)
Đào tạo cán bộ y tế:
Lúng túng nhìn nhau
“Bàn đến nhân sự, cả bộ lẫn tỉnh đều lúng túng nhìn nhau”, bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu kể
Đến năm 2010 hệ thống y tế công lập phải đạt được 20 giường/vạn dân, so với con số 17 giường/vạn dân như hiện nay. Tức là trong vòng ba năm nữa ngành y tế phải đào tạo thêm được khoảng 25–26 ngàn cán bộ y tế cho các bệnh viện. Ảnh: N.Th
Ông Triệu bắt đầu bài phát biểu khai mạc hội nghị “Tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế”, diễn ra ngày hôm qua, 22.1 tại Hà Nội bằng vấn đề “số lượng” như thế, khi kể lại câu chuyện về kế hoạch đầu tư hai bệnh viện tầm cỡ khu vực và quốc tế tại Vĩnh Phúc, với tổng vốn chừng 200 triệu USD.
Thiếu hụt trầm trọng
Theo GS.TS Trương Việt Dũng, vụ trưởng vụ Khoa học – đào tạo (bộ Y tế), xét về góc độ phát triển, chỉ số cán bộ y tế/vạn dân chỉ tăng được ba người trong suốt 15 năm vừa qua cho thấy số lượng cán bộ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển mạng lưới y tế. “Nếu trong tương lai, định mức cán bộ y tế tăng lên khoảng 1,5 – 2 lần do thực hiện làm việc ca kíp ở bệnh viện, tình trạng thiếu cán bộ y tế sẽ trầm trọng hơn rất nhiều”, ông Dũng nhận xét.
Bộ trưởng Triệu lại cho biết theo nhiệm vụ quốc hội giao, ngành y tế phải đảm bảo làm sao có 25 giường/vạn dân, bộ này đã đặt ra lộ trình đến năm 2010 hệ thống y tế công lập phải đạt được 20 giường/vạn dân, so với con số 17 giường/vạn dân như hiện nay. Tức là trong vòng 3 năm nữa ngành y tế phải đào tạo thêm được khoảng 25 – 26 ngàn cán bộ y tế cho các bệnh viện. Đó là chưa kể tới lực lượng cán bộ y tế dự phòng tại cơ sở và số lượng cán bộ cần đào tạo lại cho theo kịp yêu cầu.
Hơn nữa, theo chủ trương xã hội hoá ngành y tế, từ nay đến năm 2010, khu vực bệnh viện tư nhân sẽ phát triển với chừng 13 ngàn giường, tức là khu vực này cũng cần thêm 13 ngàn nhân viên y tế được đào tạo.
Mất cân đối
Sự mất cân đối thứ nhất thể hiện trong việc phân bổ nhân lực y tế theo trình độ đào tạo. Chẳng hạn, vùng Đông Bắc có tỷ lệ bác sĩ/vạn dân cao hơn đồng bằng sông Hồng, tuy nhiên số thạc sĩ, tiến sĩ lại thấp hơn nhiều. Theo GS.TS Trương Việt Dũng, đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng quá tải hiện nay ở tuyến trên, khi các thầy thuốc giỏi tập trung nhiều hơn ở các tỉnh thành có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn. Trong khi đó người bệnh ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa ít có cơ hội tiếp cận với các thầy thuốc có trình độ cao, và, ngược lại, các bác sĩ ở những vùng này gặp nhiều khó khăn trong điều trị những bệnh nặng, phức tạp do hạn chế về tay nghề và thiếu thốn trang thiết bị.
Sự mất cân đối thứ hai, theo GS.TS Dũng, được thể hiện trong quá trình đào tạo, khi những trường có điều kiện khó khăn hơn về cơ sở vật chất và trình độ giảng viên lại phải thực hiện nhiệm vụ đào tạo lớn hơn. Ví dụ như trong năm học 2005 – 2006 trường đại học Y Thái Nguyên đã đào tạo 3.700 sinh viên, đại học Huế đào tạo 4.100, với số lượng giáo viên lần lượt là 128 và 279, trong khi đại học Y Hà Nội với 528 giáo viên lại chỉ đào tạo hơn 2.500 sinh viên.
Luẩn quẩn lối ra
Hai triệu ca tiêm chủng mới dính 1–2 ca, tỷ lệ sản phẩm sai sót cực kỳ thấp so với các ngành khác, mà phải chịu số bài báo phê phán cân lên tới hàng tấn!
(Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu)
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, thứ trưởng bộ Y tế, cho biết tỷ số học viên/giảng viên quy đổi đối với các trường y dược là 10 ở bậc đại học và 20 ở ở bậc cao đẳng và trung cấp, trong khi đó hiện trong các trường y dược các cấp, tỷ số này mới dừng ở mức bình quân 6,75, tức là đào tạo dưới tải.
Nguyên nhân chính là do ngân sách được cấp thấp, bình quân 7,5 triệu đồng/sinh viên/năm, nên không khuyến khích các trường tăng số tuyển sinh mới hàng năm. Chẳng hạn, trong năm học 2007 – 2008 chỉ có một trường y dược tuyển đủ số sinh viên theo chỉ tiêu. Những nguyên nhân khác, theo bà Tiến, là cơ sở vật chất chưa đảm bảo tiêu chuẩn, trang bị cho các phòng thực tập, phòng thí nghiệm thiếu, cũ kỹ, thiếu các trung tâm học liệu, cũng như những phương pháp học tập tiên tiến, rất phổ biến ở nước ngoài, như e-learning…
Bà Tiến đã nêu ra sự mâu thuẫn giữa nhu cầu về cán bộ y tế ngày càng tăng của xã hội và việc xiết lại chất lượng đào tạo thông qua chương trình “hai không” của bộ Giáo dục – đào tạo (nói không với bệnh thành tích, nói không với đào tạo chất lượng kém). “Ngay cả các đồng chí ủy viên trung ương đang bàn về y tế cũng có ý kiến khác nhau về chuyện này. Người thì yêu cầu phải đào tạo cán bộ y tế nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, người khác lại bảo sao đến tận bây giờ vẫn còn duy trì hình thức đào tạo chuyên tu từ thời bao cấp”, bà Tiến kể lại.
Để “chương trình hai mục tiêu” này có thể thực hiện được, xem ra không thể tìm lời giải từ một cuộc hội nghị. Đúng như lời ông bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã nói lúc khai mạc: “Y tế là một nghề nghiệt ngã, như vừa rồi trong hai triệu ca tiêm chủng mới dính 1–2 ca, tỷ lệ sản phẩm sai sót là cực kỳ thấp so với các ngành khác, mà phải chịu số bài báo phê phán cân lên tới hàng tấn!”
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét