Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Biết chọn phần ngon trong miếng bánh


Ngày 20.11.2007, 17:27 (GMT+7)
Thành lập công ty cổ phần cho thuê máy bay: Biết chọn phần ngon trong miếng bánh
Lần đầu tiên một công ty cho thuê máy bay của Việt Nam đã ra đời, nhằm chiếm lĩnh thị phần cho thuê máy bay được coi là có khả năng sinh lợi cao và vẫn đang dành cho các đại gia nước ngoài
Theo tổng giám đốc công ty Trần Long, sau khoảng 12 năm cho thuê là có thể thu hồi lại được vốn, và giá trị còn lại của máy bay vẫn đạt khoảng 50 _ 60% để tiếp tục cho thuê tiếp 8 năm nữa.
Từ tia chớp ý tưởng...
Không chỉ là một mô hình máy bay, mà chính là một mô hình làm ăn mới. Ảnh: HN
Tổng giám đốc ngân hàng Đầu tư & phát triển (BIDV) Trần Bắc Hà cho biết, quá bức xúc vì món lợi lớn này lại rơi vào túi người nước ngoài, vào một buổi sáng đẹp trời cách đây tám tháng ông đã mang ý tưởng này ra chia sẻ với lãnh đạo Vietnam Airlines và tư tưởng lớn đã gặp nhau. Tối hôm đó, ông Hà đã xin gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để trình bày và nhận ngay được sự chấp thuận.
Ngay trong buổi ra mắt vào tối 16.11, VALC (Vietnam Aircraft Leasing Corporation) đã ký hợp đồng mua 8 máy bay Boeing 787-8 tầm trung xa với tổng số tiền là 1,42 tỉ USD. Trong đó, theo ông Hà, bảo lãnh tín dụng của Eximbank (Hoa Kỳ) đã lên tới 85%, phía BIDV chỉ phải bỏ ra 10%, còn 5% còn lại huy động từ các ngân hàng khác trong nước. Ngay sau khi ký kết với đại diện hãng Boeing, VALC đã ký tiếp hợp đồng cho thuê 8 chiếc này cho Vietnam Airlines, hãng hàng không cũng vừa ký mua 4 chiếc Boeing cùng loại với những điều kiện tương tự như VALC.
Cũng theo ông Hà, năm 2012 VALC sẽ nhận được chiếc máy bay đầu tiên A321 đầu tiên (công ty này đã đạt được thoả thuận về nguyên tắc mua 10 chiếc A321 với Airbus cách đây một tháng rưỡi, trong chuyến thăm Cộng hoà Pháp của Thủ tướng Việt Nam), và hy vọng năm 2014 sẽ nhận chiếc Boeing Dreamliner đầu tiên, trước khi hoàn tất việc mua sắm cả 18 chiếc máy bay vào năm 2016. Tuy họ nói là sẽ giao chiếc đầu tiên cho VALC vào năm 2016, nhưng chúng tôi đang đàm phán thúc đẩy việc giao hàng sớm hơn, và nguyên tắc đối nội giữa VALC và Vietnam Airlines là ưu tiên cho VALC, ông Hà tiết lộ.
Kể từ nay đến năm 2012, khi trực tiếp sở hữu chiếc máy bay đầu tiên, VALC sẽ tập trung vào những loại hình kinh doanh khác như thuê và cho thuê lại máy bay, mua động cơ và cho thuê, và nhất là kinh doanh hạ tầng kỹ thuật hàng không, bao gồm kinh doanh khai thác sân bay, quản lý, bảo dưỡng và bảo hiểm máy bay, hay đầu tư tài chính... VALC hy vọng những loại hình kinh doanh này sẽ giúp công ty nâng số vốn điều lệ từ 40 triệu USD (640 tỉ VND) hiện nay lên ít nhất 200 triệu USD vào 2015, trước khi tăng lên tối thiểu 1 tỉ USD vào 2025, theo yêu cầu của Chính phủ.
Lợi nhiều phía
VALC hiện có sự tham gia của 5 cổ đông đều là doanh nghiệp nhà nước, chiếm 79% vốn điều lệ, bao gồm Vietnam Airlines (23%), BIDV (20%), Petro Vietnam (17%), Vinashin (11%) và dệt Phong Phú (8%). Với 21% cổ phần còn lại, VALC đang tìm kiếm các nhà đầu tư tổ chức, rất có thể là các đối tác chiến lược nước ngoài, vào năm tới.
Đối với Boeing 787-8, hiện chỉ có hai nhà cung cấp động cơ phù hợp là Roll-Royce và General Electric (GE), và có thể cuộc đấu thầu chọn động cơ sẽ diễn ra vào năm tới. Được biết, GE hiện đang có kế hoạch đầu tư nhiều tỉ USD vào Việt Nam, như trong lĩnh vực tài chính (mua cổ phần các ngân hàng thương mại quốc doanh chuẩn bị cổ phần hoá như Vietcombank), hay sản xuất - chế tạo, kể cả việc xây dựng một nhà máy sản xuất một số bộ phận của động cơ Boeing tại một tỉnh phía Bắc. GE cũng đã công khai ý định muốn đầu tư phát triển hạ tầng sân bay.
Sự tham gia của một trong những nhà sản xuất dệt may hàng đầu Việt Nam vào phi vụ Boeing khiến người ta hy vọng rằng sức ép của việc giám sát chống phá giá mà bộ Thương mại Mỹ đang áp đặt với dệt may xuất khẩu của Việt Nam sẽ được nới lỏng. Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan, trong một cuộc trả lời báo chí nước ngoài liên quan đến chiến dịch tương tự cách đây mấy năm, đã từng nói: Người Mỹ phải hiểu rằng những người công nhân dệt may Việt Nam đã phải gò lưng, toét mắt, may hàng chục triệu chiếc áo sơ mi chỉ để đủ tiền mua một chiếc Boeing.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét