Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Good Morning, Vietnam!


Ngày 23.07.2006, 10:03 (GMT+7)
Good Morning, Vietnam!
Ngày 12.7.2006 vừa qua, Uỷ ban Tài chính Thượng viện Hoa Kỳ đã tổ chức buổi điều trần về dự luật trao Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam. Cuộc điều trần diễn ra đúng vào Lễ kỷ niệm 11 năm ngày Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam quyết định bình thường hoá quan hệ và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Ngay từ sáng sớm hôm đó (12.7), độc giả Mỹ đã đón một ngày mới bằng một bài bình luận với những lập luận sắc bén của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin, yêu cầu Quốc hội Mỹ bỏ phiếu ngay để trao PNTR cho Việt Nam. Bài bình luận có tựa đề “Good Morning, Vietnam” (Chào một ngày mới, Việt Nam) – được đăng trên The Wall Street Journal - tờ nhật báo uy tín hàng đầu của Mỹ có độc giả chủ yếu là giới tài phiệt và giới hoạch định chính sách tài chính - thương mại, chính trị - ngoại giao. Đầu đề của bài bình luận gợi cho bạn đọc nhớ về chương trình “Good Morning, Vietnam”, vốn rất nổi tiếng của giới truyền thông Mỹ trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, và đã có đóng góp không nhỏ trong việc khơi dậy phong trào phản chiến ngay trên đất Mỹ.
"Hoàn toàn không giống như quan hệ với những nước khác khi vấn đề lợi ích được ưu tiên hàng đầu, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là mối quan hệ của những “mixed feelings” (day dứt, trăn trở)"
Một ngày trước đó, ngày 11.7 (đúng ngày Tổng thống Mỹ Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ hai nước), 18 nhân vật nổi tiếng, gồm các cựu Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, Tài chính, Thương mại, Nông nghiệp…, các Cố vấn Hội đồng an ninh quốc gia, các cựu Đại diện thương mại Mỹ như Henry Kissinger, George Shultz, Harold Brown, Warren Christopher, James Baker, Madeleine Albright, Tony Lake, Sam Berger, William Cohen, Colin Powell, Charlene Barshefsky… đã công bố một bức thư chung gửi các nhà lãnh đạo hai viện của Quốc hội Mỹ kêu gọi họ thông qua PNTR trong thời gian sớm nhất, cụ thể là ngay trong mùa hè này, trước khi Tổng thống Bush sang thăm Việt Nam.
Một lần nữa, trong quan hệ Việt Nam và Mỹ từ sau khi chiến tranh kết thúc lại có thêm một sự kiện với sự trùng hợp rất thú vị. Sự trùng hợp nổi bật nhất trước đây là quyết định dỡ bỏ cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam của Tổng thống Clinton được đưa ra đúng vào ngày kỷ niệm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3.2).
Việc chọn thời điểm “tung” lên một sự kiện là cách làm mà những chính khách Mỹ ủng hộ PNTR đã lựa chọn để “lobby” các chính khách khác, cũng như công luận Mỹ, để tạo ra một hiệu ứng ủng hộ mạnh mẽ và hiệu quả nhất có thể được cho một vấn đề thương mại quốc tế vốn không phải là ưu tiên hàng đầu trong chương trình đối ngoại của Mỹ vào thời điểm hiện nay? Cùng lúc đó, một “thông điệp tích cực” đã được gửi cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước vẫn còn nhiều điều chưa “thông” và khá “nhạy cảm”, khi cụm từ truyền thống “The Vietnam war” (Chiến tranh Việt Nam), thể hiện cách hiểu “lệch lạc” về cuộc chiến kết thúc cách đây hơn 30 năm như một cuộc nội chiến, được thay bằng cụm từ “The conflict in South East Asia” (Cuộc xung đột ở Đông Nam Á) gợi ra một nhận thức mới rằng đây là cuộc chiến giữa hai nước?
Những sự trùng hợp trên chắc hẳn không phải là ngẫu nhiên khi lịch sử quan hệ hai nước vẫn sẽ được viết tiếp trong những năm tháng dài phía trước, và điều này chắc hẳn sẽ là câu hỏi hết sức thú vị cho các nhà bình luận quốc tế, cũng như các sử gia, không hẳn chỉ là của Mỹ, tìm câu trả lời. Có một điều mà đa số có thể nhận thấy ngay rằng, hoàn toàn không giống như quan hệ với những nước khác khi vấn đề lợi ích được ưu tiên hàng đầu, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là mối quan hệ của những “mixed feelings” (day dứt, trăn trở). Người ta cần có cảm giác “thanh thản” khi bước vào một ngày mới trong quan hệ giữa hai nước với những lợi ích do mối quan hệ bình thường này mang lại cho cả hai bên?
Good Morning, (and not only - không chỉ riêng) Vietnam?
Huỳnh Phan - Vũ Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét