Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Tăng lương có giải quyết được đình công?


Ngày 24.10.2007, 12:56 (GMT+7)
Tăng lương có giải quyết được đình công?
Mức điều chỉnh “sàn” lương vào đầu năm 2008, theo thông báo của Bộ Lao động – thương binh – xã hội, đối với doanh nghiệp trong nước dự kiến tăng khoảng 20 – 38%, còn với doanh nghiệp FDI khoảng 13 – 15%, tuỳ theo từng vùng. Liệu mức nâng lương này có giúp “xoa dịu” làn sóng đình công ngày càng lan nhanh trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân, do giá cả sinh hoạt leo thang mạnh
Với những ngành thâm dụng lao động như may mặc, da giày, việc tăng lương khoảng 15% sẽ khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng lên khoảng 10%. Vì vậy để bảo đảm cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp, họ cần phải có lộ trình... Ảnh: Thanh Tòng
Vẫn cần thời gian để doanh nghiệp điều chỉnh
Trả lời câu hỏi liệu nghị định sắp tới của Chính phủ có khiến cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng vọt lên và ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hoá hay không, vụ trưởng Nguyễn Mạnh Cường, Uỷ ban Quan hệ lao động, khẳng định điều này không mấy ảnh hưởng bởi nhiều doanh nghiệp đã trả mức lương cao hơn “sàn” dự kiến sắp tới, chủ yếu chỉ tăng ở phần phí chi trả bảo hiểm xã hội và y tế.
Vậy tại sao đình công tăng cao? Vụ trưởng Vụ Tiền lương – tiền công Phạm Minh Huân cho biết rằng các cuộc đình công nói trên chủ yếu chỉ diễn ra trong những doanh nghiệp như dệt may, da giày và chế biến. Có thể ngầm hiểu rằng, người lao động làm việc ở những ngành này hiện có mức thu nhập thấp nhất, và có hy vọng được tăng lương một khi quy định mới của Chính phủ có hiệu lực.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Cường cũng lưu ý rằng, theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, bất kể khi đưa ra một chính sách mới nào, bao gồm cả chính sách tiền lương, Chính phủ phải để doanh nghiệp có đủ thời gian điều chỉnh để không ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của họ.
Theo ông Takeuchi, một chuyên gia tài chính Nhật Bản, với những doanh nghiệp thâm dụng lao động và có tỷ suất lợi nhuận thấp như những ngành kể trên, việc tăng lương khoảng 15%, chẳng hạn, sẽ khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng lên khoảng 10%, so với những doanh nghiệp thiểu dụng lao động chỉ tăng chừng 1,5%.
Kể từ đầu năm tới nay số lượng các cuộc đình công đòi tăng lương đã lên gần tới con số 100, và có nguy cơ sẽ tiếp tục tăng theo phản ứng dây chuyền.
Cũng theo ông Phạm Minh Huân, các cuộc đình công chủ yếu diễn ra tại những khu vực có tỷ lệ lao động nhập cư cao như TP.HCM, Bình Dương, hay Đồng Nai. Ngoài việc phải chi trả mức sinh hoạt cao hơn các khu vực khác, người lao động ngoại tỉnh ở những tỉnh thành này còn phải trả thêm tiền nhà trọ, khiến cho mức thu nhập thực tế của họ càng thấp hơn.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, sắp tới trong thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 24 về việc thực hiện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, sẽ có quy định cụ thể về tính khấu hao chi phí xây nhà ở công nhân vào chi phí sản xuất trong một số năm nhất định, áp dụng từ năm tài chính 2007.
Chuyên nghiệp hoá công đoàn
Dự kiến đầu năm tới, sẽ có 30 doanh nghiệp được chọn để làm thí điểm thương lượng và ký thoả ước lao động tập thể thông qua công đoàn.
Tuy nhiên, các đại diện của Uỷ ban Quan hệ lao động, bao gồm cả Tổng Liên đoàn lao động, đều thừa nhận sự yếu kém, thụ động của cấp công đoàn cơ sở – pháp nhân đại diện cho quyền lợi người lao động và đối tác đàm phán với giới chủ. Không ít các chủ tịch công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh lại là người phụ trách nhân sự, có lợi ích từ việc ăn lương của chủ doanh nghiệp, nên khó có thể đại diện cho người lao động được.
Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội Vũ Duy Thái “hiến kế” rằng, ngoài tiền công đoàn phí do người lao động đóng, Tổng Liên đoàn lao động nên thương mại hoá tất cả các nhà nghỉ của mình ở những vị trí đẹp nhất tại các khu nghỉ mát khắp đất nước, thừa gây quỹ hoạt động và trả lương.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét