Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Chuẩn bị cho việc tăng học phí?


Ngày 07.10.2007, 20:15 (GMT+7)
Tín dụng ưu đãi học sinh - sinh viên: Chuẩn bị cho việc tăng học phí?
“Với mức cho vay vốn học tập mới, không thể có chuyện sinh viên, học sinh vì nghèo mà không được đi học đại học, cao đẳng, hay trường nghề”, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định tại cuộc họp báo chiều 6.10, khi công bố Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng với học sinh - sinh viên (HSSV)
“Cái vòng luẩn quẩn” trong đào tạo theo Phó Thủ tướng là: thu nhập người dân thấp – đóng góp vào giáo dục thấp – chất lượng đào tạo thấp – hiệu quả kinh tế thấp – thu nhập người dân vẫn thấp. Ảnh : T.V.Đ
So với Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg ngày 18.5.2006, hạn mức cho vay được tăng lên tối đa 800 ngàn đồng/tháng (thay vì 300 ngàn đồng/tháng), và đối tượng vay cũng được nới rộng cho những HSSV thuộc những hộ có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức nghèo theo quy định, cũng như những HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do bệnh tật, hay thiên tai dịch bệnh…
Với mức lãi suất ưu đãi 0,5%/tháng, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Nhà nước đang bắt đầu thực hiện lộ trình bù lỗ thẳng cho người học, chứ không bù lỗ cho trường, như cho đến thời điểm này. Việc công bố quyết định này đã phần nào làm dịu đi nỗi bất an trong dư luận về khả năng Bộ GD – ĐT sắp sửa tăng học phí.
Tuy nhiên, sau “tin vui” nói trên, Phó Thủ tướng cũng thông báo một “tin không vui” với nhiều HSSV và gia đình họ về khía cạnh tài chính, khi khẳng định Chính phủ sẽ kiên quyết với chính sách tăng học phí nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, để khi tốt nghiệp người học có khả năng kiếm việc làm ngay.
Trước đó, ngày 3.10, ông Nguyễn Văn Ngữ, vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết: quan điểm xây dựng mức học phí mới ở bậc mầm non và phổ thông phụ thuộc vào khả năng chi trả của người dân. Bậc học này nhà nước hỗ trợ là chính. Dự kiến, khả năng chi trả trong khoảng 4 - 8% thu nhập trung bình của người dân từng vùng miền. Con em của những người dân có thu nhập thấp hơn mức thu nhập trung bình này thì được miễn giảm học phí... Cấp học đào tạo từ dạy nghề, CĐ đến ĐH được xem xét chi phí đào tạo gắn liền với chất lượng, gắn liền với các điều kiện đảm bảo chất lượng khi ra trường. Do vậy, học phí bậc học này cũng được tính toán trên nguyên tắc từng bước cùng với đóng góp của nhà nước để đảm bảo chi phí đào tạo có chất lượng. Dự kiến, trong tháng 10, đề án học phí sẽ lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia giáo dục, giới giáo chức và dư luận.
Tuy chưa cho biết dự kiến mức học phí mới, lộ trình như thế nào, sẽ là bao nhiêu, nhưng ông Nhân cũng đã hé lộ đôi chút, khi dẫn ra ví dụ về mức học phí thực của một trường cao đẳng ở Nghệ An mà ông có dịp đi khảo sát. “Học sinh trường này ra trường đều có việc làm ngay, nhưng chỉ đóng học phí 100 ngàn đồng/tháng, còn tỉnh bù lỗ 400 ngàn đồng”, ông nói.
Rút kinh nghiệm từ công bố “gây tranh cãi” trong dư luận lần trước (ông Nhân có trách nhẹ báo chí là đưa tin không rõ ràng về tăng học phí ở bậc học nào), lần này việc “chuẩn bị tinh thần cho báo chí và người dân” một cách bài bản hơn. Theo ông Nhân, trong tháng 10 tới, lần lượt các số liệu về tài chính đại học Việt Nam, tài chính đại học các nước và mối quan hệ giữa chi tài chính và chất lượng giáo dục, sẽ được công bố để người dân tham khảo trước khi tiếp nhận “phán quyết cuối cùng” về định hướng học phí.
Ông Nhân cho rằng chính sách tín dụng mới đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn là “một giải pháp mới có tính đột phá để giải quyết vòng luẩn quẩn của đào tạo nghề từ sơ cấp đến đại học, đảm bảo được chất lượng đào tạo mà không phụ thuộc vào thu nhập”.
Tuy nhiên, những số liệu mà ông dẫn ra trước đó về thu nhập bình quân của người dân từng vùng với miền núi là 400 ngàn đồng/tháng, đồng bằng là 500 ngàn đồng/tháng, và thành thị là 1 triệu đồng/tháng, những hộ gia đình có mức thu nhập trung bình trong xã hội cũng gặp phải khó khăn nhằm đảm bảo mức chi phí cho con em họ được tham gia đào tạo nghề, đặc biệt ở bậc đại học – cao đẳng. Nhất là trong bối cảnh giá cả sinh hoạt đang leo thang, và phần lớn các trường đại học, cao đẳng đều tập trung ở khu vực đô thị có giá sinh hoạt cao ngất ngưởng.
Thiển nghĩ, chính sách tín dụng đối với HSSV khó khăn là giải pháp cần thiết, kịp thời, nhưng một chính sách tín dụng hợp lý với những HSSV thuộc những hộ gia đình có mức thu nhập trung bình trong xã hội, hay thậm chí khá ở nông thôn, miền núi, cũng rất cần được Chính phủ nghiên cứu, trước khi quyết định tăng học phí.
Đầu tuần tới, Bộ trưởng Giáo dục Singapore sẽ sang thăm Việt Nam. Đây là dịp tốt để ông Bộ trưởng GD – ĐT Nguyễn Thiện Nhân tham khảo người đồng nhiệm của mình, bởi Singapore là nước rất thành công trong việc triển khai mô hình tín dụng đại học – cao đẳng (nhiều học sinh Việt Nam đã sang Singapore học tập theo mô hình này).
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét