Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Nam Ninh qua ô kính xe


Ngày 14.11.2007, 10:56 (GMT+7)
Nam Ninh qua ô kính xe
Từ 27 đến 31.10 vừa rồi, bộ Ngoại giao đã cùng với các nhà công ty tour tổ chức caravan roadshow nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam sang Quảng Tây, địa phương mà chính quyền Trung Quốc chọn làm cầu nối giao thương với các nước Đông Nam Á trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN Trung Quốc. Dưới đây là những ghi nhận của phóng viên SGTT
Đường cao tốc chạy xe không mỏi chân
Những khu chung cư ở Nam Ninh
Gần 30 năm mới có dịp xuất ngoại trở lại, tôi thực sự ngạc nhiên trước hệ thống đường cao tốc ở Quảng Tây, bất kể đó là đường nối Hữu Nghị quan với Nam Ninh, Nam Ninh đến Bắc Hải... Hai bên đường không hề có một dãy phố, thậm chí một căn nhà, chứ không dày đặc nhà cửa như dọc theo các xa lộ ở Việt Nam. Các thôn xóm đều nằm khá xa đường cao tốc, thảng hoặc có một vài xóm nhỏ sát đường thì đều bị chắn bởi những bức tường dài sơn màu xanh da trời. Thậm chí, cô đồng nghiệp bên Doanh nhân Sài Gòn ngồi xe cùng với tôi đã ồ lên khi nhìn thấy một vài con trâu đang gặm cỏ ven đường, bên ngoài hàng sắt ngăn cách.
Trần Quang Dũng, tài xế của hãng Mai Linh (bởi hầu hết xe và tài xế của đoàn caravan đều do Mai Linh cung cấp miễn phí) cũng ngạc nhiên không kém. Tốc độ đi cứ đều đều 100 cây một giờ sướng thật, chứ như lái trên đường 5 (Hà Nội Hải Phòng), chốc chốc lại phải đạp phanh, đạp ga, căng hết cả chân, anh nói. Dũng, người mới từ Nga trở về nước năm ngoái sau vụ chính quyền Moscow dẹp người buôn bán lẻ, cho biết thêm rằng đường cao tốc ở đây chạy còn sướng hơn bên Nga.
Hoa Lài, nhà báo Doanh nhân Sài Gòn nói trên, người đã có mặt trong cuộc gặp giữa trưởng đoàn Caravan Roadshow Lê Dũng và bà phó thị trưởng Bằng Tường, kể lại rằng vẻ mặt bà quan chức này đã hơi ngây ra, trước khi bà chuyển sang đề tài khác, lúc ông Lê Dũng nói rằng tốc độ tối đa cho phép trên đường cao tốc ở Việt Nam là 60 cây số/giờ.
Những chiếc xe Innova 7 chỗ mới coong mới nhận từ nhà máy Toyota, được hãng Mai Linh cho chạy rô đa trong caravan roadshow, đã thể hiện rất rõ tính nội địa hoá theo tiêu chuẩn tốc độ tối đa trên đường cao tốc Việt Nam, khi trần xe khá mỏng đã rú rít lên khi xé gió lao đi với vận tốc 100km/h. Theo tài Dũng kể lại vào bữa sáng hôm sau, một số lái xe đã tưởng máy bị trục trặc, đã xin chuyển làn, tạt vào lề đường để kiểm tra.
Ở những trạm đổ xăng dọc đường, luôn luôn có khu đi vệ sinh được trang bị hiện đại còn hơn khách sạn hai sao ở Việt Nam, và đó là chỗ duy nhất trên đoạn đường cả trăm cây số mà khách có thể dừng lại để đi vệ sinh. Chính vì vậy mà anh chàng tour guide vui tính Vương Đức, nói tiếng Việt giỏi đến mức nhiều người trong đoàn tưởng anh ta người Hải Phòng, có lần nhắc khéo chúng tôi: Hôm nay mát trời, xin các anh, các chị uống ít nước thôi!
Và ở mỗi trạm xăng đều không thiếu một siêu thị nhỏ để khách mua sắm đồ ăn thức uống, hay những vật dụng, đồ lưu niệm nho nhỏ. Những cô bán hàng đều tươi cười, nhưng không biết tiếng Việt, và ngôn ngữ giao dịch về giá cả với những người khách Việt Nam chúng tôi là chiếc máy tính.
Đặc biệt, trên đoạn đường từ bãi biển Bắc Hải về Hữu Nghị quan, tại một trạm xăng còn có cả những thiết bị để tài xế và hành khách tập cho đỡ mỏi lưng, mỏi chân tay. Một cảnh sát giao thông chúng tôi gặp tại trạm xăng này cho biết, đây là một complex chuẩn, và sẽ được áp dụng cho tất cả các trạm xăng ở Quảng Tây.
Giao thông nội đô Nam Ninh
Giao thông trên đường phố Nam Ninh
Nông Kỳ, cô hướng dẫn viên người Choang (cùng nguồn gốc với người Tày, người Nùng ở Việt Nam) cho biết Nam Ninh đã có lệnh cấm đăng ký mới xe máy từ năm 2000, và được người dân nghiêm chỉnh chấp hành.
Trên đường phố, ngoài phương tiện công cộng là xe buýt, chủ yếu là xe đạp điện, mà theo cô Kỳ, đang được chính quyền Nam Ninh khuyến khích vì ít gây ô nhiễm môi trường. Đi ngang một số cửa hàng bán xe, cũng nối tiếp nhau như ở Phố Huế, hay Bà Triệu (Hà Nội), đều thấy bày bán xe đạp điện là chính.
Mới cưỡi ngựa xem hoa, chưa biết Nam Ninh chuyển sang nền kinh tế thị trường thế nào, nhưng tôi thấy họ không hối hả như những người Việt đang hội nhập, những người luôn cố nhích lên hơn người phía trước dù chỉ nửa bánh xe, như những cái nêm lèn cho những vụ kẹt xe thêm chặt. Người dân Nam Ninh hầu như dừng lại khi có đèn đỏ, chứ không giống nhiều người Việt ta, thường phóng cố khi tín hiệu đã chuyển sang vàng, hay tranh thủ vọt khi đèn vàng mới sáng.
Xe taxi ở Nam Ninh, chủ yếu là loại xe giá rẻ do Trung Quốc sản xuất, phương tiện mà chúng tôi sử dụng chủ yếu khi đi mua sắm, hoặc khi lạc đoàn, đều có một lồng bằng inox gắn quanh chỗ tài xế ngồi. Một người tài xế giải thích rằng quy định như vậy an toàn cho cả lái xe lẫn hành khách trên xe. Anh tài xế Dũng có nhận xét rằng nếu Việt Nam cũng quy định như vậy chắc tài xế khỏi lo chuyện cướp xe như báo chí vẫn đăng liên tục. Nhưng khổ nỗi, vì các hãng taxi ở Việt Nam đang cạnh tranh nhau gay gắt quá nên hãng nào cũng sắm xe xịn, lắp cái lồng bảo vệ vào thì còn gì là xịn nữa, Dũng thở dài.
Nhưng có lẽ sướng nhất ở Nam Ninh, trong con mắt của những du khách người Việt chúng tôi, là những khách bộ hành, khi họ được dành cho những vỉa hè rất rộng để đi mà không phải tránh xe máy, hay bàn ghế, hàng hoá bày trên đó như ở các đô thị lớn của Việt Nam. Các mặt phố chính đều là những cơ quan, công sở, trụ sở công ty, hay cửa hiệu kinh doanh lớn, chứ không phải nhà mặt tiền, trệt-tiệm, lầu-ở như ở ta. Sở dĩ như vậy, vì người dân Nam Ninh chủ yếu sống trong các khu chung cư, được xây dựng khắp thành phố, với cái giá theo cô Nông Kỳ, là hoàn toàn phù hợp với túi tiền người dân ở đây.
Gặp ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ nhiệm văn phòng Chính phủ tại đêm giao lưu văn hoá Việt Trung tại Đại lễ đường Nam Ninh, tôi nói với ông: Hạ tầng cơ sở quy củ thế này, chắc chắn thượng tầng kiến trúc phải rất nghiêm chỉnh. Ông Phúc gật đầu.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét