Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Chuyến đi của Đại sứ Hanford


Ngày 23.08.2006, 10:51 (GMT+7)
Chuyến đi của Đại sứ Hanford
Dự luật PNTR với Việt Nam chưa được đưa vào chương trình nghị sự của lưỡng viện để bàn và bỏ phiếu đã tạo một sức ép nhất định cho các chính trị gia và nhà hoạch định chính sách của Mỹ, những người đang muốn "chơi" con bài PNTR trong quan hệ với Việt Nam. Một trong những hệ quả đó là việc xử lý một vấn đề vẫn đang nổi cộm trong quan hệ hai nước - Việt Nam bị liệt vào danh sách các nước "cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo" (CPC).
Về phía mình, những bước đi của Việt Nam trong thời gian qua về vấn đề này đã được nhiều tổ chức, cá nhân đánh giá cao. Năm ngoái, khi công bố bản Báo cáo về tình hình tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Condoleezza  Rice và Đại sứ Hanford đã có những đánh giá tích cực về Việt Nam cả về khuôn khổ luật pháp, chính sách và những tiến triển thực tiễn liên quan đến vấn đề tự do tôn giáo kể từ khi có các văn bản pháp qui mới ra đời. Bản thân bản Báo cáo cũng dành hẳn một khổ để nói về những "tiến bộ có ý nghĩa" của Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam vào tuần trước của Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ John Hanford được các chuyên gia về chính trị quốc tế nhìn nhận như một dấu hiệu khá rõ ràng về khả năng Mỹ sẽ xem xét rút Việt Nam khỏi cái danh sách này. Đại sứ Hanford là người có tiếng nói rất có trọng lượng trong những khuyến nghị của Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan đến tôn giáo trong bản báo cáo thường niên của Bộ này.
Những nhân vật mà Đại sứ Hanford đã tiếp xúc như Phó Thủ tướng kiêm Bộ truởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng ban Tôn giáo Ngô Yên Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Ksor Phước, hay lãnh đạo Hội Thánh Tin Lành cả hai miền, cùng một số mục sư Tin lành khác, trong đó có cả đại diện một số chi hội mới được đăng ký … đã gián tiếp nói lên tầm quan trọng đặc biệt của chuyến đi này và những vấn đề mà phía Mỹ quan tâm.
Theo một nguồn thạo tin, lần này Đại sứ John Hanford "đánh giá tích cực những tiến triển của tình hình tôn giáo ở Việt Nam", đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, và nhấn mạnh việc hai bên tiếp tục đối thoại trong vấn đề này cũng như các lĩnh vực hợp tác khác nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Ông Hanford, tuy nhiên, cũng yêu cầu phía Việt Nam tiếp tục cải thiện tình hình này ở khu vực Tây Bắc, nhất là ứng xử của các quan chức cấp địa phương đối với những vấn đề liên quan đến tôn giáo.
Nhiều nhà phân tích của Mỹ cho rằng, việc đặt Việt Nam vào danh sách này đã gây nhiều phản cảm về "sự công bằng" trong quyết định của Mỹ khi so sánh Việt Nam với nhiều nước khác, trong đó có cả một số đồng minh của Mỹ; nhiều người cũng cho rằng lịch sử quan hệ giữa hai nước, lợi ích chiến lược của Mỹ là những yếu tố phải tính đến cũng như gánh nặng tài chính khi phải theo đuổi vấn đề.
Phải chăng chúng ta đã có thêm cơ sở để tin tưởng vào tương lai quan hệ Việt-Mỹ?
Huỳnh Phan  - Vũ Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét