Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Tiếng nói tích cực với các vấn đề quốc tế


Ngày 06.03.2008, 10:39 (GMT+7)
Việt Nam bỏ phiếu thông qua nghị quyết về vấn đề hạt nhân Iran:
Tiếng nói tích cực với các vấn đề quốc tế
SGTT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoài Trung, vụ trưởng vụ Các tổ chức quốc tế, bộ Ngoại giao, xung quanh quyết định này
Có phải đây là lần đầu tiên Việt Nam phải thể hiện rõ quan điểm trong một nghị quyết có các biện pháp trừng phạt hay không?
Không. Trước đó đã có hai nghị quyết rồi. Nhưng đây là lần đầu tiên, kể từ khi Việt Nam tham gia hội đồng bảo an (HĐBA), có một nghị quyết được thông qua không trên cơ sở đồng thuận.
Có thể nói trong những nghị quyết về Iran, Việt Nam là nước không thường trực đầu tiên trong HĐBA đưa ra những đóng góp và đề nghị có nội dung thực chất, trên quan điểm là thúc đẩy đối thoại hoà bình, giảm khả năng sử dụng vũ lực và đã được chấp thuận.
Xin ông giải thích quan điểm của Việt Nam trong vấn đề này?
Quan điểm đối ngoại mới của chúng ta là tạo một môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước. Và muốn như vậy phải thể hiện được tiếng nói tích cực và xây dựng của mình trong mỗi vấn đề nảy sinh.
Đây có phải là một quyết định khó khăn?
Mọi quyết định liên quan đến hoà bình và an ninh quốc tế đều khó khăn hết, và phải cân nhắc rất thận trọng. Làm sao vừa bảo đảm được lợi ích của mình, vừa đóng góp vào hoà bình an ninh quốc tế một cách xây dựng nhất, vừa đảm bảo lợi ích của các bên liên quan.
Đại diện của Việt Nam cũng đã giải thích cho Iran biết lập trường nhất quán của Việt Nam về vấn đề này, cũng như những đề nghị cụ thể trong dự thảo nghị quyết. Họ hiểu.
Cụ thể các biện pháp trừng phạt được tăng thêm như thế nào?
Về cơ bản, những biện pháp trừng phạt lần này giống với những biện pháp của hai nghị quyết đã thông qua năm ngoái. Những biện pháp về tài chính, ngân hàng chủ yếu là kêu gọi các nước cảnh giác là chính.
Mức độ gia tăng chỉ thấy ở hai biện pháp chính. Nếu như trước đây chỉ hạn chế việc đi lại của những cá nhân liên quan đến chương trình hạt nhân (trừ mục đích nhân đạo và tôn giáo), thì nay là cấm. Và thực tế thì Mỹ và EU đã cấm rồi. Thứ hai là những mặt hàng lưỡng dụng, thực chất là liên quan đến công nghệ hạt nhân. Chẳng hạn những chương trình phần mềm đặc thù cho công nghệ hạt nhân, hay những công nghệ làm thép đặc biệt.
Còn về biện pháp kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt với tàu thuyền, trong nghị quyết đã nêu rõ chỉ áp dụng với hai công ty, trong đó có công ty vận tải biển. Việt Nam về thực chất đã thực hiện đầy đủ hai nghị quyết năm ngoái của HĐBA, nên nghị quyết mới này không ảnh hưởng gì tới hoạt động thương mại của mình cả.
Giữa hai nước là thành viên ASEAN trong HĐBA là Việt Nam và Indonesia, liệu có xảy ra bất đồng gì sau chuyện này không?
Họ tôn trọng quyết định ủng hộ của mình, và mình cũng hiểu cái khó của họ khi phải bỏ phiếu trắng (Indonesia là nước Hồi giáo đông dân nhất, và trong hai lần ủng hộ nghị quyết trừng phạt của HĐBA, nguyên thủ nước này đã phải đi giải thích cho từng địa phương).
Huỳnh Phan (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét