Ngày 14.12.2007, 19:08 (GMT+7)
Hà Nội: Mũ xe ôm, mũ hàng mã
Ông Nguyễn Mạnh Trung, làm cho văn phòng báo Asahi (Nhật Bản) tại Hà Nội, người hay có dịp qua Bangkok, kể lại rằng cứ mỗi khi gọi xe ôm đi chơi hay shopping, bất kể người chạy xe ôm nào cũng nhất quyết chụp xong cái mũ bảo hiểm lên đầu ông rồi mới nổ máy. Nhiều khi hít thấy hôi hôi, những cũng đành chịu, bởi thái độ lái xe dứt khoát quá, ông Trung nói.
Dịp làm hàng tết năm nay, nhất là với mã mũ bảo hiểm, hình như đến sớm hơn thường lệ
|
Ngày mai, những người phải ngồi xe ôm ở Việt Nam chắc cũng phải chấp nhận điều tương tự, khi cảnh sát giao thông sẽ thẳng tay phạt 150.000 đồng cho một lần vi phạm không đội mũ bảo hiểm, tương đương với 2 3 ngày cả vốn lẫn lãi của họ.
Xe ôm: phát túi nylon chụp đầu trước khi đội mũ
Ông Lợi, 53 tuổi, hay đợi khách ở phố Hồng Mai (Hà Nội), đã kịp sắm hai chiếc mũ bảo hiểm từ tuần trước, để chuẩn bị cho ngày 15.12 này. May quá, tuần trước tôi ra chỗ cầu Mai Động, mua được mũ Trung Quốc giá chỉ có 110.000 đồng/đôi. Hôm nay, mấy anh xe ôm cùng đứng ở đây, ra đó thì hết rồi, đành phải cắn răng móc túi ra ba lít (300 ngàn) mua mũ nội, ông Lợi vui mừng nói.
Ông Lợi cũng thú thật rằng, ông cũng không biết chất lượng mũ ra sao, vì đập thử nhỡ vỡ thật thì tiếc lắm, và thôi chính quyền yêu cầu thì mình cứ đội và yêu cầu khách đội cho yên chuyện, chứ để bị phạt thì toi cả vốn lẫn lãi.
Ông cũng thật thà kể lại rằng mấy bà khách quen của ông, tuần nào cũng mấy bận lên chùa, đã nói thẳng với ông: Mũ của ông ai cũng nhét cái đầu vào, chấy rận kinh bỏ mẹ.
Thôi thì có lẽ phải bỏ thêm ít tiền mua túi nylon, ai đi thì phát cho một cái chụp lên đầu trước khi đội mũ cho yên chuyện, ông tặc lưỡi.
Làng Đông Hồ: làm mũ bảo hiểm cõi âm
Tranh Đông Hồ lừng danh đất Kinh Bắc, thời cực thịnh, cả làng có tới 150 nhà thuộc 17 dòng họ làm tranh để bán. Thời bao cấp, cuối năm, thương nhân ùn về làng lấy tranh mang đi phân phối, xe xếp hàng dài cả chục chiếc
Giờ thì khác, tranh làm ra không bán được. Người ta thích đốt mã hơn chơi tranh, cả làng có tới 90% các hộ chuyển sang làm vàng mã. Nghe thì thảm, nhưng nghề vàng mã giúp cả làng nghề sống sót được. Cái tên Đông Hồ cũng nhờ vậy mà giữ được.
Trần sao âm vậy, có cái gì mới mà xã hội cần, người làng Đông Hồ làm tất. Năm nay, cái mới đó là mã mũ bảo hiểm xe máy. Những người làm mã mũ bảo hiểm kể lại rằng họ đã bán khá chạy vào dịp rằm tháng bảy.
Ông Nguyễn Như Đức, trưởng thôn Đạo Tú, xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh, đồng thời cũng là gia đình đầu tiên đưa thêm mũ bảo hiểm xe máy vào danh mục chủng loại vàng mã cho biết, từ đầu năm tới giờ, nhà ông bán được khoảng năm ngàn mũ.
Bây giờ người ta đốt xe máy giấy nhiều, tiếc gì mà không đốt thêm cái mũ bảo hiểm, giá chỉ 4 đến 5 ngàn, cho an tâm, ông Đức nói. Theo ông Đức, một mã xe máy thường có giá từ 50.000đ đến 120.000đ, tuỳ theo phân khối giấy.
Khác với cánh xe ôm như ông Lợi, mỗi xe máy phải mua sẵn hai mũ bảo hiểm, với mỗi mã xe máy ông Đức chỉ bán kèm thêm được một mũ, vì hiếm khi hai cụ đi trùng nhau lắm.
Sau nhà ông Đức, đã có thêm ba nhà nữa sản xuất mã mũ bảo hiểm. Cũng như ông Đức, họ hy vọng lại sẽ ăn nên làm ra trong dịp tết nguyên đán này.
Hãng sản xuất xe máy Honda chắc cũng thấy hởi lòng hởi dạ, nếu biết rằng tất cả mũ bảo hiểm của cõi âm đều mang một nhãn hiệu duy nhất là Honda (thay vì vô số các thương hiệu khác nhau như trên cõi dương), với một chất lượng đồng nhất, không sợ hàng giả hàng nhái mà phải kiểm định (tất nhiên trừ những ngày trời ẩm).
Dịp làm hàng tết năm nay, nhất là với mã mũ bảo hiểm, hình như đến sớm hơn thường lệ, ông Đức buông một câu mơ màng.
Huỳnh Phan - Nguyên Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét