Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Nguy cơ bùng phát là có thật


Ngày 13.01.2008, 17:47 (GMT+7)
“Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm”:
Nguy cơ bùng phát là có thật
Những ca tiêu chảy cấp mà báo chí mới đưa cách nay vài hôm được ông cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm Trần Đáng nhận định chỉ là “cái đuôi” của dịch tiêu chảy cấp, được bộ Y tế “khai tử” cách nay hai tuần. Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Đáng, nếu không có những biện pháp kiên quyết, nguy cơ bùng phát lại dịch này là rất lớn, chủ yếu là do tập quán ăn rau sống của người dân, nhất là người Hà Nội
Ăn rau bón bằng phân của chính mình
Ăn uống lề đường thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh : Lê Quang Nhật
Rất lâu rồi, ở Hà Nội có câu vè: “Thanh niên Cổ Nhuế xin thề; không đầy hai sọt không về quê hương”. Nhiều năm nay, người dân Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm, Hà Nội) đã chuyển hẳn sang sống bằng nghề may gia công xuất khẩu. Cùng với trào lưu đô thị hoá, công việc trồng rau, nhất là rau sống (xà lách và các loại rau thơm) được chuyển giao cho những huyện của tỉnh Hà Tây giáp ranh với Hà Nội.
“Ở Hà Tây, người ta hay vào Hà Nội lấy phân bằng hai sọt mang trở về hôi thối dọc các cửa ô, sau đó lại mang rau vào bán cho dân Hà Nội ăn thứ rau bón bằng phân của chính mình, và chu trình đó chưa xử lý được hoàn toàn, vẫn còn xảy ra ô nhiễm”, ông Đáng nói. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng việc từ bỏ một tập quán ăn uống đã hình thành từ bao đời nay là hết sức khó khăn. “Các món bún như bún chả, bún riêu, bún ốc… đã thành những món đặc trưng của Hà thành từ bao đời rồi, bảo người ta thôi ăn kèm rau sống cũng khó”.
Cũng theo ông Đáng, việc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm để rửa rau tại nhiều nhà hàng, quán ăn bình dân, hay tại những hộ dân cư ở những khu vực không được cung cấp nguồn nước máy sạch, cũng là một trong những nguyên nhân lây truyền vi khuẩn tả. “Trong chiến dịch thanh kiểm tra của mình, một tuần qua, chúng tôi đã buộc tạm dừng kinh doanh đối với một loạt cơ sở dịch vụ ăn uống không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Đáng cho biết.
Đọc “kinh an toàn vệ sinh thực phẩm” trước bữa ăn tối
Đối với nguy cơ lây lan bệnh tả từ Hà Nội, cho đến nay vẫn được coi là “ổ” khi một số lượng lớn sinh viên, người làm thuê, hay thậm chí các “cư dân có hộ khẩu”, về quê ăn tết. Ông Trần Đáng cho biết: “Với nguy cơ cao như vậy, chúng tôi phải đẩy mạnh kiểm tra và xử lý tận gốc. Thứ nhất, trong giai đoạn này, những bệnh nhân có dấu hiệu tiêu chảy phải được điều trị bằng một phác đồ kháng sinh như là bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nguy hiểm. Thứ hai, chúng tôi cho uống thuốc phòng đối với những người lành tiếp xúc với bệnh nhân đó. Thứ ba, là cách nay hai hôm, bộ trưởng y tế đã phát lệnh cho sử dụng vaccine ở một số quận huyện nguy cơ cao ở Hà Nội”.
Đối với các hộ gia đình, nhất là những người ở những vùng ven, nơi không được cung cấp nguồn nước sạch mà vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan hay ao hồ bị ô nhiễm, biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền, thông qua kênh truyền hình trung ương và Hà Nội, qua hệ thống loa phường, hay phát tờ rơi…
Một trong những nét mới trong chiến dịch tuyên truyền lần này là “mỗi học sinh được phát một tờ gấp về nhà đọc cho bố mẹ, ông bà, cả nhà cùng nghe trước mỗi bữa ăn tối”. Để chính những đứa con, đứa cháu “giáo dục lại” bố mẹ, ông bà, qua đó cũng tự hình thành ý thức an toàn vệ sinh thực phẩm, âu cũng là một sáng kiến hay. Nhưng trên thực tế, liệu sau một ngày làm việc vất vả, đói mờ mắt, nhiều ông bố, bà mẹ trẻ có đủ kiên nhẫn nghe những đứa bé mới biết đánh vần bập bẹ đọc hết “bài kinh” này rồi mới được cầm đũa hay không?
Mắm tôm: vẫn trong tầm ngắm
Dù chưa có mẫu xét nghiệm mắm tôm nào dương tính với phẩy khuẩn tả, nhưng mắm tôm vẫn bị coi là “nghi phạm”. “Xét nghiệm không thấy không có nghĩa là không có, bởi nó chỉ tồn tại trong một thời gian rồi chết. Thế giới có cách điều tra về dịch tễ học gọi là phương pháp chẩn đoán, và đã được ban hành thành quy chế số 39 của bộ Y tế. Không phải bàn cãi gì nữa”, ông Đáng kết luận.
Khác với cách xử lý “vội vàng” lần trước, khi tạm dừng việc lưu thông, buôn bán và sử dụng mắm tôm, lần này viện An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với cơ quan quản lý ngành thuỷ sản và chính quyền các địa phương cho thanh kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất mắm tôm, và chỉ cấm những cơ sở không đạt tiêu chuẩn. “Lần này chúng tôi triệt tận gốc, chứ không đánh phần ngọn như lần trước”, ông Đáng khẳng định.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét