Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Hợp tác đa phương giúp ổn định song phương


Ngày 07.06.2010, 07:52 (GMT+7)
Hợp tác đa phương giúp ổn định song phương
SGTT - Cũng như các diễn giả khác tại Diễn đàn An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã bắt đầu bài phát biểu của mình bằng lời cảm ơn đã có cơ hội quay lại diễn đàn Shangri-La.
Nhưng lời cảm ơn của đại tướng Phùng Quang Thanh không thuần tuý chỉ có ý nghĩa xã giao. Bởi ông đã có một cơ hội quan trọng thu hút sự chú ý của dư luận về quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề an ninh khu vực ASEAN, đặc biệt là tranh chấp Biển Đông. Nhất là trước khi hai sự kiện quan trọng do Việt Nam làm chủ nhà là diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), vào tháng 7.2010, và hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).
Cuộc khủng hoảng an ninh mới đây ở bán đảo Triều Tiên, cũng như việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan hồi đầu năm, dẫn đến cuộc khẩu chiến gián tiếp giữa đại diện của hai siêu cường này, khiến cho cuộc đối thoại Shangri-La lần thứ 9 này thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cả thế giới.
Tướng Thanh là một trong ba diễn giả trong chủ đề cuối cùng trong sáu chủ đề của Shangri-La 9 diễn ra vào từ 4 đến 6.6 – Đổi mới cấu trúc an ninh khu vực. “Mặc dù, hoà bình, hợp tác và phát triển chiếm ưu thế trong khu vực, nhưng vẫn tồn tại những phần tử trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với tiềm năng đe doạ ổn định”, Tướng Thanh nhận xét, tuy ông tránh không nêu cụ thể.
Nhận thức rằng khu vực này là khu vực lợi ích của các siêu cường, tướng Thanh cho rằng đảm bảo cho cấu trúc an ninh mới là một cấu trúc mở với sự tham gia của các cường quốc có liên quan. “Cấu trúc này không bao giờ được đe doạ an ninh quốc gia của các nước, nhưng sẽ trao cho họ nguồn lực, khả năng và sự linh hoạt trong việc ứng phó với các mối đe doạ trong hiện tại và tương lai và đảm bảo cho một môi trường hoà bình và ổn định lâu dài”, tướng Thanh nói, khi nhắc tới cơ chế ADMM+, bên cạnh các diễn đàn hiện có như ARF, ASEAN+, hay thượng đỉnh Đông Á (EAS).
“Trong các bài phát biểu của chủ tịch Shangri-La John Chipman, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và phó tổng tham mưu trưởng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, trong số các diễn giả trong năm phiên thảo luận vừa qua, vấn đề ADMM+ đã được đề cập với một sự quan tâm đặc biệt”, tướng Thanh nói. Ông cũng nhấn mạnh rằng cơ chế này có vai trò kết nối và khai thác các nguồn lực giúp xây dựng thành công một cộng đồng chính trị – an ninh ASEAN vào năm 2015, và, vì vậy, nó sẽ là một bước nhảy vọt, có ý nghĩa quan trọng trong đổi mới cấu trúc an ninh khu vực.
Hai diễn giả khác của phiên thảo luận này là các bộ trưởng Quốc phòng Indonesia và Singapore lại tập trung phân tích những khía cạnh khác của cơ chế ADMM+.
“Quyết tâm xây dựng cộng đồng này của mọi thành viên ASEAN khiến bản thân họ thay đổi thái độ hoài nghi và một lần tiếp thêm sức lực cho cam kết của họ với ARF. Quyết định của ASEAN thiết lập cơ chế ADMM+ là một bước quan trọng trong việc củng cố cấu trúc an ninh trên cơ sở ARF bằng một thành tố quốc phòng mạnh mẽ”, bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro nói, và bày tỏ sự tin tưởng rằng ASEAN sẽ vẫn giữa vai trò trung tâm trong việc giữ cân bằng trong khu vực.
“Mặc dù đã có những tiến bộ, tôi vẫn tin rằng cần làm nhiều việc hơn nữa. Chúng ta chỉ có thể đối phó với toàn bộ những mối đe doạ của thế kỷ 21 này thông qua sự cam kết mạnh mẽ hơn nữa đối với sự hợp tác đa phương hướng tới những kết quả cụ thể”.
BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG MỸ ROBERT GATES
Người đồng cấp Singapore của tướng Thanh lại lưu ý đến sự đột phá trong cơ chế ADMM+, so với các cơ chế đối thoại khác như ASEAN+. “Khác với ASEAN+1, ASEAN+3, hay ASEAN+6, ADMM+, trong kỳ họp tháng 10 tới ở Việt Nam đã mời luôn tám nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương tham gia, đặc biệt là Nga và Mỹ – hai người chơi quan trọng, vào các cuộc thảo luận về an ninh”, phó Thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc phòng Singapore Teo Chee Hean nói.
Giống như một số diễn giả khác, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đánh giá cao vai trò của cơ chế ADMM+ trong triển vọng giải quyết an ninh khu vực, nhưng bằng một cách riêng rất Mỹ của mình. Trong bài tham luận của mình trước đó, ông Robert Gates đã kể lại rằng ông vui mừng nhận lời mời của bộ trưởng Thanh dự cuộc gặp mở rộng của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN, khi gặp ông Thanh một ngày trước đó. Đây là cuộc gặp lần thứ ba của hai vị bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Mỹ trong vòng một năm trở lại đây.
“Mặc dù đã có những tiến bộ, tôi vẫn tin rằng cần làm nhiều việc hơn nữa. Chúng ta chỉ có thể đối phó với toàn bộ những mối đe doạ của thế kỷ 21 này thông qua sự cam kết mạnh mẽ hơn nữa đối với sự hợp tác đa phương hướng tới những kết quả cụ thể”, ông Gates nói.
Cũng tại diễn đàn Shangri-La, ông Gates đã tái khẳng định trách nhiệm của Mỹ với đồng minh và đối tác, ngày càng được phát triển, của Mỹ tại khu vực này, và sẽ không từ bỏ những cam kết lâu dài tại đây. Những cam kết đó, theo ông Gates, bao gồm bảo đảm tự do hàng hải, và một trật tự quốc tế bình đẳng…
Tuy vẫn thừa nhận nguyên tắc của Mỹ là trung lập trong tranh chấp ở khu vực Biển Đông, và tôn trọng việc giải quyết mâu thuẫn không dùng vũ lực, ông Gates tuyên bố rằng Mỹ kiên quyết bảo vệ bằng được lợi ích của các công ty Mỹ làm ăn ở khu vực này. Trước đó, đã có những công ty Mỹ, khi đang xúc tiến hợp tác với một vài nước ASEAN tại khu vực Biển Đông, đã bị một cường quốc có liên quan “nghiêm khắc nhắc nhở”.
Cũng liên quan đến quan điểm hợp tác khu vực, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc Mã Hiểu Thiên, người đã có chuyến thăm Việt Nam hồi cuối tháng 5.2010, đã phát biểu rằng Bắc Kinh luôn chủ động duy trì hoà bình lâu dài và sự thịnh vượng chung trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Để chứng minh điều này, tướng Mã đã dẫn ra cả những lãnh tụ đã quá cố của Trung Quốc như Mao Trạch Đông, hay Đặng Tiểu Bình.
“Năm mươi năm nữa kể từ bây giờ, lãnh thổ Trung Quốc vẫn chỉ có diện tích 9,6 triệu km2… Nếu chúng tôi chiếm lấy một tấc đất nào của nước khác, chúng tôi sẽ tự biến mình thành những kẻ xâm lược”, tướng Mã dẫn lời của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông nói với đại nguyên soái Anh Bernard Montgomery cách đây 50 năm.
Tướng Mã cũng giải thích rằng, việc tăng cường lực lượng quân sự của Trung Quốc chỉ nhằm mục tiêu tự vệ và thống nhất phần lãnh thổ đã bị chia cắt. Có điều, tướng Mã không giải thích rõ phần lãnh thổ bị chia cắt đó, theo quan điểm của Trung Quốc, là những đâu, hay chỉ là Đài Loan. Được biết, hiện Trung Quốc vẫn tiếp tục yêu sách chủ quyền với 80% khu vực Biển Đông, trong sự tranh chấp với một số nước ASEAN.
Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Australia, khi dẫn ra vụ Mischief giữa Philippines và Trung Quốc vào năm 1995, và những tiến triển gần đây trong đàm phán về Tuyên bố ứng xử Biển Đông (DOC) đã nhận xét: “Khi ASEAN liên kết chặt chẽ, hành xử của Trung Quốc tỏ ra khác hẳn, mang tính đối thoại và hợp tác hơn. Còn khi ASEAN bị chia rẽ, thì ngược lại. Hy vọng với sự nhất trí mở rộng hợp tác ra bên ngoài, như ở cơ chế ADMM+, sự gắn kết trong ASEAN sẽ ngày càng chặt chẽ hơn”.
HUỲNH PHAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét