Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Ánh sáng cuối đường hầm?


Ngày 04.10.2006, 14:55 (GMT+7)
WTO - PNTR:
Ánh sáng cuối đường hầm?


Kể từ gần ba tháng trở lại đây, khi dự luật về việc trao Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam được trình ra Quốc hội Mỹ, người ta cảm thấy vấn đề PNTR trở nên sáng tỏ và có thể dự đoán hơn bao giờ hết
Cách đây một tuần, hai thượng nghị sĩ Elezabeth Dole và Lindsey Graham, đại diện cho hai bang Carolina Bắc và Carolina Nam - "Trái tim của ngành dệt may nước Mỹ" - đã tuyên bố rút lại "thách thức" chống PNTR đến cùng, sau khi nhận được lời cam kết của Nhà Trắng "đảm bảo hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam sẽ không bị bán phá giá tại thị trường Mỹ". Ảnh: Lê Quang Nhật
Thứ nhất, lãnh tụ phe đa số tại Hạ viện John Boehner đã tuyên bố sẽ lùi thời gian bỏ phiếu thông qua những dự luật liên quan đến thương mại quốc tế tới sau ngày bầu cử (7.11), trong đó PNTR được dự kiến đưa ra bỏ phiếu vào ngày 13.11, ngay trước khi Tổng thống Bush sang Việt Nam dự APEC. 


Theo một chuyên gia về Quốc hội Mỹ của Bộ Ngoại giao, việc tách những vấn đề nhạy cảm đối với cử tri Mỹ (PNTR với Việt Nam hay TPA với Peru) ra khỏi "vùng xoáy" của cuộc vận động tranh cử ở giai đoạn nước rút không chỉ giảm nhẹ sự "mạo hiểm chính trị" đối với những nghị sĩ ủng hộ hai dự luật này, hay tự do hoá thương mại nói chung, mà còn tránh cho những dự luật này bị đưa vào cửa "năm ăn năm thua".


Thứ hai, cách đây một tuần, hai thượng nghị sĩ Elezabeth Dole và Lindsey Graham, đại diện cho hai bang Carolina Bắc và Carolina Nam - "Trái tim của ngành dệt may nước Mỹ" - đã tuyên bố rút lại "thách thức" chống PNTR đến cùng, sau khi nhận được lời cam kết của Nhà Trắng "đảm bảo hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam sẽ không bị bán phá giá tại thị trường Mỹ". 


Trở ngại chính còn lại cho việc thông qua PNTR là nhân quyền có lẽ phụ thuộc không nhỏ vào quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ trong bản báo cáo thường niên về nhân quyền, trong đó có việc rút Việt Nam ra khỏi danh sách CPC (Những nước đặc biệt đáng quan tâm về tự do tôn giáo).


Thời điểm gia nhập WTO?


Sau khi báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tiến trình gia nhập WTO, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã tuyên bố với báo giới: "Chúng ta không vào WTO bằng bất cứ giá nào. Chúng ta không lấy mốc gia nhập WTO vào thời điểm APEC họp... để chấp nhận những đòi hỏi vô lý". Nhiều người "ngỡ ngàng" trước một tuyên bố khác "tông" so với những gì ông đã nói kể từ sau khi "vượt vũ môn" thành công trong phiên đàm phán song phương cuối cùng với Mỹ vào trung tuần tháng 5 vừa rồi.


Một lãnh đạo đoàn đàm phán WTO của Việt Nam cho biết thời điểm Việt Nam được kết nạp vào WTO phụ thuộc vào những yếu tố ít nhiều nằm ngoài nỗ lực, hay sự nhượng bộ, của Việt Nam.


Thứ nhất, vòng đàm phán đa phương dự kiến diễn ra vào 8-9.10 tới tại Geneva liệu có giải quyết được những bất đồng còn lại, chủ yếu là với Mỹ, hay không. Theo những kinh nghiệm của mình khi tham gia đàm phán BTA và WTO với Mỹ, nhà đàm phán trên cho rằng "nhiều khi người ta đưa ra rất nhiều đòi hỏi, thậm chí có vẻ vô lý, nhưng thực chất là nhằm mặc cả được những gì thuộc về lợi ích không thể từ bỏ của người ta", và "đối với những đối tác lớn như Mỹ, sự tồn tại của nhiều hay ít vấn đề không hẳn quá quan trọng, điều quan trọng là họ có muốn kết thúc hay không". 


Nhà đàm phán này dự đoán rằng, với những diễn tiến "thuận" về tiến trình PNTR cùng những dấu hiệu cho thấy có động thái "vận động" tích cực của Nhà Trắng với Quốc hội để không xảy ra cái nghịch lý "Mỹ cố đòi cho cả làng, trừ bản thân mình, được hưởng", tiến trình đa phương được hy vọng là "thuận" hơn nhiều so với một tháng trước đây.


Vòng Doha chưa định ngày


Thứ hai, phiên họp Đại hội đồng (bao gồm chủ yếu là các Đại sứ của các nền kinh tế thành viên WTO), dự kiến vào ngày 10-11.10 tới tại Geneva, có thực sự diễn ra hay không lại phụ thuộc vào quyết tâm của các thành viên chủ chốt có muốn khởi động lại vòng đàm phán Doha hay không (cho đến thời điểm này vẫn chưa có lịch trình cụ thể). Nên dù Việt Nam có kết thúc thành công phiên đa phương sắp tới, nếu Đại hội đồng chưa họp được Việt Nam vẫn phải chờ tới khi có phiên họp Đại hội đồng tiếp theo (sớm nhất là hạ tuần tháng 12) và chỉ được công nhận là thành viên chính thức khi Quốc hội, hoặc Chủ tịch nước (được sự uỷ nhiệm của Quốc hội) phê chuẩn.


Tuyên bố của Bộ trưởng Tuyển về "thời điểm Việt Nam gia nhập WTO có thể phải lùi sang đầu năm 2007" được các chuyên gia về Mỹ và WTO đánh giá là "khá khôn ngoan", khi "gỡ bỏ" sức ép về tâm lý là phải thực hiện bằng được mục tiêu đề ra - một điều được coi là bất lợi trong đàm phán. Việc Việt Nam gia nhập WTO có lợi cho không chỉ Việt Nam, và, như vậy, "quả bóng trách nhiệm" đã "chuyền" sang những đối tác có lợi trong việc này và họ phải chịu sức ép của các nhóm lợi ích của họ.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét