Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Việt Nam ở vị trí trung tâm của khu vực Đông Á


Ngày 26.11.2007, 15:47 (GMT+7)
Việt Nam ở vị trí trung tâm của khu vực Đông Á
Trong chương trình Bình luận kinh tế chủ nhật vào cuối năm 2007 kéo dài 100 phút trên đài truyền hình Asahi, với sự tham gia của những chính khách và nhà kinh tế hàng đầu Nhật Bản, sẽ phát một phóng sự đặc biệt 50 phút về quan hệ đối tác kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam
Đoàn làm phim của hãng truyền hình Nhật Bản NDN đã trực tiếp sang Việt Nam phỏng vấn Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết xung quanh sự quan tâm ngày càng tăng của Nhật Bản đối với Việt Nam. Ảnh: TLHN
Phóng sự này được thực hiện bởi hãng sản xuất chương trình truyền hình NDN, trong gần hai tháng trời, trong đó có một tháng tại Việt Nam. Phần tiếp theo tại Nhật Bản sẽ là những cuộc tiếp xúc của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết với các tổ chức kinh tế Nhật, các lãnh đạo tập đoàn lớn, cũng như đại diện hàng trăm doanh nghiệp Nhật trong diễn đàn kinh doanh Nhật Việt, trong thời gian ông thăm Nhật Bản.
SGTT đã có cuộc phỏng vấn tổng giám đốc NDN Ishigaki Misao, người đã trực tiếp sang Việt Nam cùng đoàn làm phim để phỏng vấn Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, xung quanh sự quan tâm ngày càng tăng của Nhật Bản đối với Việt Nam.
NDN vốn nổi tiếng trong gần nửa thế kỷ qua về những chương trình về chiến tranh, về xã hội và lịch sử của Việt Nam. Vì sao từ đầu năm tới nay các ông lại chuyển tông làm tới ba chương trình lớn về kinh tế Việt Nam (Đại lộ Đông Tây, Thị trường chứng khoán Việt Nam, và sắp tới là Kinh tế Việt Nam)?
Không chuyển sao được khi Việt Nam đang là một mối quan tâm ngày càng tăng của giới chính khách, doanh nghiệp, và cả các nhà đầu tư cá nhân của Nhật.
Trong chương trình Đại lộ Đông Tây điểm nhấn của nó là vị trí cực kỳ quan trọng của Việt Nam trong vận chuyển Đông Tây, trong phát triển kinh tế khu vực, từ Trung Quốc xuống Việt Nam, qua Lao Bảo sang Savanakhet của Lào, rồi tới Bangkok.
Khi làm chương trình về chứng khoán, ngoài việc phản ánh sự lên xuống của cổ phiếu, sự sôi động của thị trường, hay xu hướng chơi chứng khoán của người Việt Nam, chúng tôi muốn nhấn mạnh một điểm khác: thị trường chứng khoán chính là điểm mốc đánh dấu sự chuyển đổi của Việt Nam, cũng như Trung Quốc trước đây, từ một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế thị trường với việc huy động vốn từ các nhà đầu tư để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Qua chương trình này, chúng tôi muốn nói với khán giả, trong đó có những nhà hoạch định chính sách và giới đầu tư, rằng đã có những tiến bộ về công bằng xã hội và công bằng trong cơ hội kinh tế, cơ hội đầu tư ở đất nước xã hội chủ nghĩa này.
Lần này, cảm nhận của ông như thế nào sau khi tiếp xúc với các doanh nghiệp, nhà kinh tế, và ngay cả nguyên thủ của chúng tôi mà ông vừa gặp chiều nay? Khái niệm về kinh tế thị trường có đậm nét trong tư duy của họ không?
Tổng giám đốc NDN Ishigaki Misao
Qua tiếp xúc với những nhân vật kể trên, tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển tốt. Có điều, cũng như Nhật Bản trước đây, nếu thiếu sự chuẩn bị đồng bộ và kỹ càng, nền kinh tế đang phát triển quá nhanh của Việt Nam sẽ làm bộc lộ những những mặt trái của kinh tế thị trường, chẳng hạn như sự phát triển thiếu đồng đều về mặt xã hội.
Ý tôi muốn nói kinh tế phát triển nhất thiết phải đi cùng với sự đảm bảo về môi trường, bao gồm môi trường sống cho con người và động thực vật, môi trường cảnh quan, môi trường xã hội. Tức là đừng coi phát triển nhanh bằng mọi giá là ưu tiên tối thượng.
Theo cách nhìn của một nhà truyền thông, ông thấy hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam nên đi theo hướng nào, và khác với những nước ĐNA khác như Thái Lan, Philippines hay Malaysia ra sao?
Thứ nhất, tôi muốn nhắc lại vị trí của Việt Nam là trung tâm của khu vực Đông Á, rất thuận lợi cho việc bán hàng đi các nước khác.
Thứ hai, người Việt Nam thông minh, sáng tạo và khéo léo. Nên phát huy những điểm mạnh đó của mình để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, những kỹ sư IT, kỹ sư cơ khí, hay kỹ thuật viên lành nghề chứ đừng chỉ bằng lòng với những công việc lao động giản đơn, hay lắp ráp thuần tuý.
Cuối cùng, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam hiện nay tập trung rất nhiều vào hạ tầng, như đường sắt đường bộ cao tốc, cảng biển, hạ tầng khu hi-tech Hoà Lạc Điều đó khẳng định tính cam kết và lợi ích lâu dài của Nhật Bản tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Huỳnh Phan (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét