Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Song phương đều thiệt...


Ngày 02.08.2006, 09:14 (GMT+7)
Vào WTO mà không có PNTR
Song phương đều  thiệt...
Những diễn biến tích cực của phiên đàm phán đa phương cách đây nửa tháng tại Geneva cho thấy khả năng kết thúc vòng đàm phán này vào nửa sau tháng 9 là rất lạc quan, và việc Việt Nam được xét kết nạp vào tổ chức này vào phiên họp Đại hội đồng ngày 10-11.10 là hoàn toàn có thể
Nếu không có PNTR, các sản phẩm của ngành dệt may của Việt Nam, một ngành có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo công ăn việc làm và ổn định xã hội, sẽ vẫn bị ấn định bởi quy chế quota, và các tranh chấp thương mại song phương như vấn đề bán phá giá sẽ không được phân xử bởi một cơ chế khách quan hơn trong khuôn khổ quy định của WTO. Ảnh : Lê Quang Nhật
Trong một tiến triển khác, dự luật PNTR với Việt Nam cuối cùng đã được Uỷ ban Tài chính Thượng viện thông qua vào đầu tuần này với tỷ lệ tuyệt đối 18-0 trong số các thành viên có mặt, sau khi đã bị hoãn bỏ phiếu vào giữa tuần trước do không đủ số nghị sĩ cần thiết.
Với một thời gian ít ỏi sau kỳ nghỉ hè của các nghị sĩ, khoảng một tháng, và với mối quan tâm ngày càng ít đi, bởi các nghị sĩ, nhất là những người thuộc Hạ viện, nơi sẽ bầu mới lại 100% vào ngày 7.11 và cho đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì với dự luật PNTR, nhiều khả năng VN sẽ gia nhập WTO mà không được Quốc hội Mỹ thông qua PNTR. Những "hệ luỵ" nào có thể, từ cả hai phía, của việc VN vào WTO mà chưa được Quốc hội Mỹ trao PNTR?
Có PNTR với VN, Mỹ được "lợi" đến đâu?
Trong mấy năm qua, kể từ khi BTA có hiệu lực, kim ngạch buôn bán giữa hai nước đã tăng mạnh, trong đó riêng năm 2005, xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đã tăng 24%! Chẳng khó gì mà không nhận thấy rằng giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Mỹ với một nước đang phát triển cần nhập khẩu vốn và công nghệ như Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, thậm chí có sự nhảy vọt, trong điều kiện ổn định lâu dài của quan hệ thương mại không phân biệt đối xử.
Mặt khác, là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, nước Mỹ hằng năm cần nhập khẩu nhiều mặt hàng với giá trị lớn, mà nước Mỹ không sản xuất hoặc không có lợi thế so sánh để sản xuất trong nước và các công ty của Mỹ có vị thế thuận lợi nhất để cung ứng các loại dịch vụ khác nhau cho các hoạt động nhập khẩu này.
Như vậy, khi kim ngạch thương mại hai chiều tăng (kể cả trong khi Mỹ vẫn nhập siêu), các công ty của Mỹ vẫn đều đều thu được lợi nhuận, các công dân Mỹ có thêm cơ hội về việc làm, nhất là ở những khu vực Mỹ có lợi thế so sánh, đặc biệt là các ngành dịch vụ. Đây là nguyên nhân chính tạo ra sự ủng hộ mạnh mẽ cho PNTR của các tập đoàn công nghiệp-thương mại, các đại công ty trong liên minh ủng hộ Việt Nam vào WTO với Hội đồng Thương mại Mỹ-Việt và Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN làm nòng cốt.
Việc Việt Nam có quy chế PNTR còn là một bảo lãnh "chính trị-kinh tế" để các nhà buôn và các nhà đầu tư lớn, nhỏ của Mỹ yên tâm tiếp tục hoạt động của mình, nhất là khi cân nhắc tăng vốn đầu tư, mở rộng làm ăn, và chuyển giao công nghệ, tại thị trường Việt Nam mà đỡ lo những rủi ro khi quan hệ kinh tế-thương mại song phương vẫn có nguy cơ bị "đặt lại lên bàn cân" hằng năm.
Chưa có PNTR, Việt Nam "thiệt" đến đâu?
Trước hết, quy chế PNTR Mỹ dành cho một nước khác không phải là một hiệp định thương mại - kết quả của các cuộc đàm phán, thương lượng - mà là một quyết định chính trị của Chính phủ Mỹ (bao gồm cả Quốc hội và Chính quyền) về quan hệ của Mỹ đối với một nước khác. Trong quan hệ với Việt Nam, ngoài việc là một bước hoàn tất quá trình bình thường hoá quan hệ về mặt nhà nước giữa Mỹ và Việt Nam, việc luật hoá mối quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn giữa hai nước sẽ đánh dấu chấm hết cho "cách cư xử của thời kỳ chiến tranh lạnh" với việc áp dụng Điều khoản Jackson-Vanik. Trong bối cảnh có sự chống đối quyết liệt của các nhóm nhân quyền, dân chủ, hay tôn giáo, việc thông qua PNTR với Việt Nam sẽ khẳng định sự tiến bộ trong nhận thức chung của cả hai bên liên quan đến những vấn đề nói trên. Không vượt qua được rào cản "vừa mang màu sắc chính trị, vừa mang sắc thái tâm lý" này, quan hệ hợp tác trong những lĩnh vực khác được kỳ vọng giữa hai nước khó có thể triển khai mạnh được.
Nếu không có PNTR, các sản phẩm của ngành dệt may của Việt Nam, một ngành có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo công ăn việc làm và ổn định xã hội, sẽ vẫn bị ấn định bởi quy chế quota, và các tranh chấp thương mại song phương như vấn đề bán phá giá sẽ không được phân xử bởi một cơ chế khách quan hơn trong khuôn khổ quy định của WTO. Hơn nữa, thiếu một quan hệ kinh tế - thương mại bình thường "hoàn toàn" với những lợi ích to lớn hơn của cả hai bên, nhất là của Mỹ, những hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ vẫn có nguy cơ bị vấp phải nhiều rào cản thuế quan, hoặc phi thuế quan.
Nếu các nhà đầu tư Mỹ không cảm thấy yên tâm khi đầu tư mới, hay mở rộng đầu tư, ở Việt Nam khi chưa có PNTR, ngoài sự thiệt thòi của chính họ, Việt Nam cũng lỡ mất một cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và công nghệ của một nền kinh tế thuộc loại hàng đầu thế giới trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá của mình. Bản thân quá trình thu hút đầu tư từ những khu vực khác, nhất là Đông Bắc Á, EU, hay ASEAN, cũng gặp phải những khó khăn, bởi quyết định làm ăn lớn của các doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu của họ luôn tính đến và hướng đến thị trường Mỹ - một thị trường được đánh giá là vẫn tiếp tục giữ vị thế lớn nhất và hấp dẫn nhất trong vài thập kỷ tới. Một hệ quả gián tiếp nữa là xuất khẩu của Việt Nam, sẽ khó có bước tăng trưởng nhảy vọt, bởi tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là khá cao.
Huỳnh Phan - Vũ Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét