Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Nhiêu Lộc - Thị Nghè: 19 năm, 9 ngàn tỷ đồng


Nhiêu Lộc - Thị Nghè:

19 năm, 9 ngàn tỷ đồng

Vào những ngày tháng 8.2012 vừa rồi, chạy trên tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa, dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trên chiếc Bonus 125, Carl Robinson - một phóng viên trẻ của hãng Associated Press (AP) ở Sài Gòn trước 30.4.'75 và hiện là tourguide ở cái tuổi ngót nghét thất tuần của Hãng Lữ hành "Mongkey Bridge" (Cầu Khỉ) do chính vợ ông điều hành - tỏ ra rất phấn khích.
"Thật tuyệt vời khi quay lại cái dòng kênh mà 40 năm trước đây toàn những mái nhà lụp xụp nằm san sát trên đó", Carl thốt lên.
Carl kể rằng, hồi đó, đây là nơi của dân tị nạn tứ xứ, sống trong những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ. Những hình ảnh đó bây giờ chỉ có thể phần nào tái hiện đâu đó quanh khu vực Khánh Hội.
Ông Lê Bá Cần, Bí thư quận ủy quận 1, lúc đó cũng là một cán bộ công tác tại liên quận 1 (gồm các quận 1, 3 và 10), lại lưu giữ một hình ảnh khác trong ký ức: một dòng kênh nước đen ngòm!
"Người dân lấn chiếm ở đó còn trồng rau muống dưới kênh. Cứ đến chiều là thấy họ đi cắt rau. Dòng kênh thì đen, còn rau cứ xanh mướt", ông Cần bật cười.
Hồi tháng 6.2010, tại cuộc đi chơi của báo Sài Gòn Tiếp Thị tại mỏm Đá Chim, chúng tôi đã nghe Đỗ Trung Quân hát về câu chuyện rau muống, theo giai điệu của bài "Tình Bắc - Duyên Nam" của Nhạc sĩ Xuân Tiên:
"Người từ là từ phương Bắc, đã qua dòng sông/ mang vào một giống rau dài, gọi là rau muống/ Người Bắc khen ngon, ơi người Bắc khen ngon/ còn người Nam, người Nam nói rằng: heo nó ăn/
Người từ là từ phương Bắc, đã qua dòng sông/ mang vào một giống rau dài, gọi là rau muống/
Ơi, trồng đất nó không lên/ bèn đem, bèn đem đi cầm quăng xuống ao."
Nhà thơ Đỗ Trung Quân, người từ sau Chiến dịch Mậu Thân (1968) có thời gian trọ học trong một căn nhà tạm ngay trên dòng kênh, rộng chừng 8 m2, đã xác nhận điều đó.
Quân giải thích rằng, những người sống quanh đó chủ yếu là người Bắc di cư năm '54, và họ mang theo rau muống nước từ Bắc vào. Sáng sáng, ngó qua cửa là thấy họ chèo ghe đi xịt thuốc rầy.
"Hồi đó, nước vẫn còn trong xanh lắm. Mình vẫn nhảy xuống kênh tắm thường xuyên mà, không hề bốc mùi. Chỉ không được lãng mạn như "Con kênh xanh xanh" của Ngô Huỳnh thôi", Quân thủng thẳng nói.
Theo Quân, con kênh bị ô nhiễm nặng là từ khoảng mươi năm sau giải phóng trở đi, khi cơ sở sản xuất mọc lên dọc hai bên bờ kênh ngày càng nhiều, mà thành phố chẳng thấy để tâm.
"Lúc đó, họ có quá nhiều thứ khác để bận tâm. Hoá chất xả xuống dòng kênh ngày càng nhiều, khiến nước trở nên đen như cà phê, nhưng mùi thì khác", Quân nói.
Xốc tới mà làm - 19 năm với gần 9 ngàn tỷ đồng
Ông Cần cho rằng, có được dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, với màu xanh cây và màu của hoa cỏ dọc tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa ven kênh ngày hôm nay, là một kỳ công với bao tâm huyết của lãnh đạo thành phố, kể từ khi khởi công dự án này.
Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được hình thành từ năm 1988. Nhưng mãi đến năm 1993 công việc giải toả phục vụ thi công mới được bắt đầu, và đến tháng 8.2012 vừa rồi lễ khánh thành mới diễn ra, nhưng chỉ cho giai đoạn 1.
Nhiêu Lộc - Thị Nghè năm 1993. Đỗ Trung Quân đang đứng từ căn nhà trọ lợp rơm (bìa phải) - Ảnh Tuổi Trẻ
Ông Phan Văn Tư, nguyên trưởng ban Bồi thường - Giải toả quận 1, còn nhớ mãi câu nói của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (lúc đó là Chủ tịch thành phố), khi thành phố bắt đầu dự án này, là "cứ xốc tới mà làm".
Ông Tư "Nhiêu Lộc" kể rằng "ông Tư Sang chỉ đạo rất quyết liệt trong tất cả các cuộc họp, và ngay mùng 4 Tết, ông đã xuống 'xông đất' và yêu cầu cán bộ quận 1 phải ra hiện trường, ra những chung cư mà mình đang xây dựng, những khu nhà tạm mà mình sắp sửa giải tỏa".
"Trước năm 1975, chế độ Sài Gòn cũ đã nhiều lần tìm cách giải tán người dân đi để thực hiện mưu đồ "tát nước để bắt cá", nhưng không được", ông Tư giải thích thêm về quyết tâm của chính quyền mới.
Người cựu phóng viên chiến trường Mỹ, nay đang định cư ở Úc, cũng khẳng định điều này. Carl nói: "Tôi biết khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè là nơi Việt Cộng ẩn náu."
(Tuy nhiên, nơi Carl chứng kiến một "tù binh Việt Cộng" bị Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn vào thái dương trong sự kiện Mậu Thân (đợt 2 - 5.1968) lại ở nơi văn minh và sạch sẽ nhất dọc theo dòng kênh này - khu cư xá Đa Kao, dành cho dân công chức và cả người nước ngoài thuê nhà.)
Nhiêu Lộc - Thị Nghè hôm nay - Ảnh Tuổi Trẻ
Sau 19 năm với 8600 tỷ đồng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng được giải ngân, thành phố vẫn có thể hãnh diện vì một khối lượng khổng lồ những hạng mục đã hoàn thành. Những con số thống kê, được công bố vào ngày khánh thành, đã "back-up" cho niềm hãnh diện đó.
Đã có hơn 9 cây số của tuyến cống bao có đường kính 2,5 - 3m, 36 giếng chính và 59 thiết bị tách dòng để thu nước dọc kênh; đã có một trạm bơm có lược rác với công suất 64 ngàn m3/giờ và các thiết bị phụ trợ; đã kè được gần 16 cây số bờ kênh; đã có 1,1 triệu m3 bùn đất được nạo vét; đã xây dựng được 58 cây số cống hộp và cống tròn; và đã tái lập hơn 200 ngàn m2 mặt đường.
Và, đặc biệt, bắc qua con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chảy qua địa phận của bảy quận nội thành, có tới 16 cây cầu. Cứ trung bình một cây số có một cây cầu.
Chủ tịch thành phố bây giờ là ông Lê Hoàng Quân, trong buổi lễ khánh thành, đã hào hứng tuyên bố: "Việc thực hiện thành công dự án đã cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, từng bước nâng cao điều kiện, môi trường sống cho 1,2 triệu dân thuộc địa bàn 7 quận..., đồng thời tạo ấn tượng tốt cho các nhà đầu tư và du khách nước ngoài vào Việt Nam."
Nhận định của vị chủ tịch thành phố dường như được chia sẻ một phần bởi người "đồng danh dị họ" -  thi sĩ họ Đỗ mà chúng tôi đã nhắc tới ở phần trên. Quân bảo, giờ đây chạy xe qua cầu, từ quán nhậu bờ kè về quận Phú Nhuận, nơi ông đang sống, ông thấy yên tâm hẳn.
Chúng tôi, những người viết cũng yên tâm hơn, khi hình dung cái dáng liêu xiêu phi xe qua cầu giữa đêm khuya. Cầu rộng, có thành hai bên, nên cho dù "dáng phi rất mỏng như là phi nghiêng", thì, trong cảm giác "phiêu linh vô thức" sau một cữ nhậu tới bến, Quân cũng khó tìm lại cái thú lao mình xuống dòng kênh của thưở học trò.
Đã thế, nước vẫn còn bốc mùi lắm, dù đã đỡ ba phần, Quân ơi.
Còn Carl Robinson, người đã từng tổ chức nhiều chuyến đi bằng tàu trên sông Sài Gòn cho du khách nước ngoài, trong đó có cả những cựu phóng viên chiến trường, thì hào hứng ra mặt, với một viễn cảnh tương tự với dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
"Có lẽ, ở thành phố này, điều du khách thấy ấn tượng và thoải mái nhất là với những chuyến du thuyền như vậy, kèm cả ăn nhậu", ông già, vốn rất khoái trốn vợ đi nhậu với chúng tôi mỗi lần sang Việt Nam, gật gù chiêm nghiệm.
Các cựu phóng viên chiến trường Mỹ và phương Tây đi du thuyền trên sông Sài Gòn vào trưa 30.4.2010 - Ảnh Huỳnh Phan
Pha chút tiếc nuối
Nhưng Quân vẫn thấy tiếc một điều, tiếc hùi hụi. Phải chi thành phố tính toán từ đầu mà đừng xây quá nhiều cầu, đặc biệt là toàn cầu thấp như vậy.
"Khi bắt đầu cải tạo, thành phố đã có dự định biến khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè thành Venezia (Ý), cho du khách đi thuyền trên kênh mà ngắm thành phố. Nhưng họ quên tính rằng, khi nước lên, cầu xây thấp quá và dày quá như vậy, thuyền nào đi nổi. Về mặt du lịch, đó là vẫn là một dòng kênh chết", thi sĩ họ Đỗ, người mà thưở trọ học vẫn thỉnh thoảng mượn cái xuồng "sáng phun thuốc rầy, chiều hái rau muống" của bác Tư cạnh nhà để chèo lên mạn Thảo Cầm Viên chơi, buông giọng bất lực.
"Cho du khách đi tàu ngầm, tại sao không?", một trong hai chúng tôi chợt "thông minh đột xuất", khi chuẩn bị kết thúc bài viết này.
Phải gọi ngay cho Đỗ Trung Quân thôi! Du ngoạn bằng tàu ngầm trong vùng nước giữa Hoàng Sa và Trường Sa cũng có cái thú vị riêng, phải không Quân?
Và, trong lúc chờ đợi Trung tâm Công nghệ Nano của Giáo sư Nguyễn Chánh Khê tìm ra loại vật liệu trong suốt làm vỏ tàu ngầm, chúng tôi sẽ cùng hát lại bài "Em đi chơi thuyền trong Thảo Cầm Viên"...
Huỳnh Phan - Nam Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét