Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Trò chuyện với Lê Mạnh Hà

Sân gôn phóng tay, công viên phần mềm lại... tiếc
"Người ta có thể dành hàng chục ngàn héc ta để xây dựng các sân gôn, hay các khu đô thị mới, nhưng lại tiếc khi chỉ có 40 héc ta thôi để làm một công viên phần mềm"

LTSTuanvietnam xin tiếp tục chủ  đề về phát triển của thành phố HCM, thông qua cuộc trao đổi với ông Lê Mạnh Hà, người nhậm chức phó chủ tịch thành phố từ tháng 8/2011.
Nếu như ông Trần Du Lịch đã phần nào giúp  độc giả nhìn lại thành phố HCM sau 20 năm vừa qua, với những thành công và tồn tại, thì ông Lê Mạnh Hà, qua phần trả lời của mình hy vọng sẽ giúp độc giả hiểu thêm về những thách thức mà trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam này đang phải đối mặt.
Có điều, bên cạnh những nhận định riêng của mình, ông Lê Mạnh Hà lại gián tiếp nêu những thách thức đó thông qua những gì mà ông và các cộng sự đang tập trung nỗ lực vượt qua.
 Ông  đánh giá thế nào về sự phát triển của công nghiệp thành phố trong thời gian vừa qua?
Thành phố HCM vẫn dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp. Nhưng tôi vẫn phải thừa nhận rằng sản xuất công nghiệp của thành phố nói riêng, và cả nước nói chung, có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng còn thấp.
Theo tôi, cái "không cao" đó có nguyên nhân chính là trình độ khoa học - công nghệ thấp, khiến nền công nghiệp của chúng ta vẫn ở mức độ gia công là chủ yếu.
Theo ông, cần có những giải pháp cụ thể gì để khắc phục tình trạng này?
Phải tập trung phát triển những ngành có hàm lượng chất xám cao và là lợi thế của người Việt. Có lẽ ai cũng nói thế cả và chúng ta cũng đã đưa ra nhiều ngành và cảm giác như chưa có lựa chọn nào mang tính đột phá.
Vậy phải là ngành nào?
Theo tôi, phải là công nghệ thông tin (CNTT). CNTT có hàm lượng khoa học rất cao, và quan trọng hơn, đây là ngành mà từ khoa học đến ứng dụng rất ngắn, tính khả thi cao.
Khác với nhiều ngành mang tính truyền thống và phải dựa trên nền tảng cơ sở vật chất mạnh cũng như khoa học phát triển cao, CNTT  dựa chủ yếu vào bộ não, là khai thác tài nguyên vô tận, đó là chất xám. Việt Nam có dân số đông, tỷ lệ lao động trẻ rất cao và đặc biệt rất thông minh, giỏi tính toán.
Chúng ta phải tập trung toàn lực cho phát triển ngành này, Việt Nam nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Xin hỏi ông, riêng thành phố HCM đã làm những gì để phát triển  ngành này?
Thành phố đã làm nhiều việc, nhưng tôi muốn nói đến Công viên phần mềm Quang Trung. Cách đây hơn 10 năm lãnh đạo thành phố HCM đã quyết tâm làm CNTT, và đã quyết định đầu tư một công viên phần mềm.
Đó công việc mạo hiểm, tư nhân chắc chắn không thể làm. Lúc đó có thể nói là khó khăn chồng chất, gánh nặng đè lên vai các đồng chí lãnh đạo, lên vai những người trực tiếp làm công viên phần mềm. Tất cả mọi thứ đều quá mới đối với chúng ta, với thành phố nói riêng và với Việt Nam nói chung.
Thế nhưng, đến hôm nay đây, sau hơn 10 năm từ ngày đó chúng ta có thể khẳng định Dự án trọng điểm xây dựng công viên phần mềm Quang Trung đã thành công.
Chợ Bến Thành, TP Hồ Chí Minh
Thế nhưng, theo báo chí đưa tin, trong kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố, có những đại biểu cũng chất vấn lãnh đạo về tính hiệu quả của dự án này. Ông nghĩ sao?
Tôi cũng lấy làm lạ là người ta có thể dành hàng chục ngàn héc ta để xây dựng các sân gôn, hay các khu đô thị mới, nhưng lại tiếc khi chỉ có 40 héc ta thôi để làm một công viên phần mềm. Nhà nước đầu tư vào đây cũng chỉ bằng số lẻ của chi phí bù lỗ cho xe buýt một năm, thế mà có người vẫn cho rằng không hiệu quả.
Như tôi đã từng trả lời tại phiên họp HĐND, nếu 40 héc ta này chúng ta kinh doanh địa ốc, xây một khu đô thị nho nhỏ thì có lẽ chỉ vài ngàn, hay cùng lắm là vài chục ngàn người, ở trong nước biết đến. Nhưng khi chúng ta làm phần mềm thì miếng đất này có thương hiệu quốc tế, và mọi người biết Việt Nam có công nghiệp phần mềm.
Nhiều người biết thành phố Hồ Chí Minh có công nghiệp phần mềm, bởi vì họ biết có công viên phần mềm Quang Trung. Cũng như vậy, nhiều người biết Việt Nam làm công nghệ thông tin, và họ biết đến thương hiệu công viên phần mềm Quang Trung.
Tức là lợi ích của khu phần mềm Quang Trung, còn là sự quảng bá cho bên ngoài là người Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào những ngành sáng tạo, chứ không chỉ cung cúc làm gia công?
Đúng vậy.
Kế hoạch của thành phố sắp tới sẽ là gì?
Từ thành công của Công viên phần mềm Quang Trung, thành phố HCM sẽ xây dựng Công viên phần mềm Quang trung 2 và phát triển thành chuỗi "Công viên Phần mềm Quang trung" ở các tỉnh thành khác.
Tại sao có chuỗi siêu thị Coopmart, có chuỗi phở 24, mà lại không có chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung? Các tỉnh như Nam Định, Lâm Đồng và một số tỉnh khác rất hoan nghênh, và sẵn sàng cùng thành phố xây dựng chuỗi. Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ủng hộ ý tưởng này.
Thế nhưng hiện nay chủ yếu chúng ta vẫn là gia công phần mềm?
Lúc đầu luôn là như vậy, ngay cả với ngành  đơn giản hơn như may mặc. Trước đây Việt Nam chỉ yếu gia công quần áo xuất khẩu. Hiện nay, chúng ta đã tự thiết kế và may quần áo phục vụ nhu cầu trong nước, cũng như xuất khẩu. Phần mềm cũng như vậy, phải tiến từng bước thôi.
Có một điều mừng là, thực tế hiện nay chỉ có các phần mềm do các công ty nhà nước mới đáp ứng được yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước.
Sắp tới thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp và đưa vào nội  tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp quốc doanh và ngoài  quốc doanh. Đây là thị trường rất lớn cho phát triển phần mềm. Tất nhiên, trước mắt là tập trung nhiều hơn vào khu vực doanh nghiệp quốc doanh.
Không có sự phân biệt đối xử ở đây chứ?
(Cười) Không dám đâu.
Thứ nhất, khu vực này thực sự cần phải quan tâm hơn, bởi nó kém năng động và kém hiệu quả hơn.
Thứ hai, cũng dễ làm hơn bởi nó nằm trong tầm tác động trực tiếp của thành phố.  Ủy ban nhân dân thành phố  là chủ sở hữu mà. Thành phố sẽ bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghê và công nghệ thông tin.
Ông Lê Mạnh Hà - phó Chủ tịch Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Huỳnh Phan
Tách riêng câu chuyện phần mềm ra, tôi muốn hỏi ông là thành phố làm thế nào để nâng hàm lượng chất xám, hay hàm lượng giá trị gia tăng, đối với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực còn lại?
Theo luật, các doanh nghiệp được trích 10% doanh thu trước thuế để lập Quỹ Khoa học và Công nghệ. Chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải lập quỹ này. Nếu vận hành tốt quỹ này, việc nghiên cứu & phát triển sẽ giúp đẩy mạnh nghiên cứu, khuyến khích sáng tạo và đưa những công nghệ mới vào.
Hơn nữa, cái quỹ này cũng tạo điều kiện tăng sự kết nối giữa giới khoa học ở các viện và các trường với doanh nghiệp. Từ trước đến nay, nếu bên Sở Khoa học & Công nghệ đặt hàng nhà khoa học các viện, các trường nghiên cứu một đề tài khoa học - công nghệ nào đó, thường nó ít gắn với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Tức là chi tiền ra đặt hàng, nghiệm thu, rồi cất ngăn kéo?
Cũng gần như vậy. Lãng phí tiền nhà nước, cũng như thời gian, công sức của giới nghiên cứu.
Tôi cho rằng với doanh nghiệp thì khác hẳn, một khi có lợi họ mới chịu móc hầu bao.
Cho tới nay đã có bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp đã lập quỹ khoa học - công nghệ?
Ít lắm, chỉ hai-ba chục doanh nghiệp thôi, cả quốc doanh lẫn ngoài quốc doanh.
Tôi tính rằng nếu nhiều doanh nghiệp tham gia, tổng quỹ khoa học công nghệ có thể lên tới vài ngàn tỷ. Ví dụ, chỉ riêng Quỹ của Tổng Công ty Công nghiệp đã lên tới 100 tỷ đồng. Thế là cả trăm lần so với vài chục tỷ mà nhà nước hàng năm vẫn bỏ ra cho công tác nghiên cứu của cái thành phố 10 triệu dân này.
Tuy nhiên, bên tài chính vẫn quy định về những khoản được chi còn rất hẹp. Tiền của doanh nghiệp mà can thiệp quá sâu như thế là rào cản.
Họ sợ doanh nghiệp trốn thuế?
Chắc là thế. Nhưng tại sao mình cứ phải sợ? Chúng ta vẫn cứ mắc cái bệnh là thiếu lòng tin vào con người, vào doanh nghiệp.  Không thể chỉ vì một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp vi phạm mà không tin tất cả doanh nghiệp rồi cấm đoán tất cả. Một xã hội không thể phát triển nếu thiếu lòng tin.
Một trong những lý do mà doanh nghiệp chưa hào hứng lập quỹ khoa học - công nghệ có phải là do khó khăn về vốn của họ không? Với nhiều doanh nghiệp tồn tại được đã là may rồi, làm sao nghĩ được đến phát triển?
Khó khăn chính là do họ chưa tin các nhà khoa học có thể giúp gì cho họ. Thứ hai là ông tài chính chưa tin họ, bắt họ chỉ được chi theo ý chủ quan của các vị này.
Ngành tài chính kiểm soát từng khoản chi của nghiên cứu khoa học và buộc các nhà khoa học phải nói dối là cái bệnh ai cũng biết từ lâu nay nhưng chưa chữa được. Tôi vẫn nói, quyền lực về tài chính của bộ trưởng Khoa học Công nghệ còn nhỏ hơn một chuyên viên cụ thể của Bộ Tài chính.
Thành phố đã làm gì để khắc phục tình trạng này?
Tôi đã chỉ đạo Sở KHCN thí điểm việc mua sản phẩm khoa học. Nghĩa là với một đề tài nghiên cứu, thành phố mua sản phẩm cuối cùng, giống như một hình thức khoán.
Tức là các nhà khoa học sẽ không phải nộp chứng từ về từng cuộc hội thảo, về từng chi phí nhỏ tí tẹo của từng đề tài. Giống như mua một chiếc ô tô thì chỉ cần hóa đơn của chiếu ô tô, không phải nộp chứng từ mua lốp ở đâu, mua động cơ của ai, mua kính chiếu hậu ở đâu và bao nhiêu tiền.
Hài hước là ở chỗ hiện nay các nhà khoa học phải nộp chứng từ cho từng món như vậy đấy. Họ lo nói dối thì còn đầu óc nào cho sáng tạo nữa.
Nói một cách nôm na, tôi mua sản phẩm khoa học như mua một cái ô tô, một cái máy tính.  Nghe nói Luật KHCN mới cũng đi theo hướng này.
Lòng tin quan trọng lắm. Khoán 10 là tin nông dân và chúng ta xuất khẩu gạo thuộc loại hàng đầu thế giới. Nếu tin nhà khoa học thì chúng ta chắc sẽ có xuất khẩu chất xám cũng phải tầm cỡ thế giới.

Phú Mỹ Hưng chỉ "thiếu" mỗi tấm bảng "khu phố văn hóa"

"Ngành mới thì ai cũng sẽ gặp khó cả. Nói vui chứ nếu doanh nghiệp chúng ta sang Mỹ tuyển nhân lực gói bánh chưng thì cũng gặp khó khăn tương tự, có khi còn khó hơn". - ông Lê Mạnh Hà, phó chủ tịch Tp. HCM.

LTS: Tuanvietnam xin trân trọng giới thiệu phần tiếp theo của cuộc trò chuyện với ông Lê Mạnh Hà, phó chủ tịch thành phố HCM.
Nói đến khu công nghệ cao của thành phố là người ta nghĩ ngay đến Intel. Nhưng dường như Intel cũng không triển khai được dự án đúng như mong muốn của họ, và kỳ vọng của thành phố?
Tôi không nghĩ như vậy. Họ đã xuất được sản phẩm thứ 100 triệu. Tốc độ xuất xưởng lớn nhất trong số tất cả các cơ sở sản xuất của họ. Đến nay Intel đã xuất khẩu 1,9 tỷ USD, riêng 8 tháng năm 2012 là 1,4 tỷ USD.
Vấn đề nằm ở chỗ phần làm tại Việt Nam của Intel giá trị gia tăng chưa cao. Nói một cách dễ hình dung là xuất khẩu 1,4  tỷ USD thì phần nhập vào đã đến 1,2 tỷ USD rồi. Đơn giản bởi vì Intel Việt Nam chỉ thực hiện khâu cuối cùng là kiểm thử và đóng gói. Những khâu thiết kế, hoặc những khâu đòi hỏi hàm lượng chất xám cao hơn, thì chưa vào Việt Nam.
Tôi tin rằng, những công việc có hàm lượng chất xám cao, giá trị gia tăng lớn sẽ tăng dần lên theo thời gian. Tất nhiên là phải với nỗ lực của cả hai bên.
Một trong những vấn đề Intel kêu ca trước đây là họ chỉ tuyển được một phần rất nhỏ so với yêu cầu. Liệu thành phố có ý thức rõ điều này, và có biện pháp nào để cải thiện tình hình cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho họ?
Họ nói đúng vì đây là ngành rất mới, Việt Nam đã làm bao giờ đâu mà có nhân lực phù hợp ngay với vị trí mà Intel cần. Ngành mới thì ai cũng sẽ gặp khó cả.  Nói vui chứ nếu doanh nghiệp chúng ta sang Mỹ tuyển nhân lực gói bánh chưng thì cũng gặp khó khăn tương tự, có khi còn khó hơn.
Nhưng Intel đã bước đầu giải quyết vấn đề này bằng cách tuyển những em có kiến thức nền tốt, sau đó cho sang Mỹ đào tạo thêm. Đã có hai khoá tốt nghiệp, mỗi khoá trên hai mươi em, với điểm trung bình cao nhất trường nơi họ học. Intel rất hãnh diện về điều này.
Nhưng họ còn tự hào hơn, khi một nhóm sinh viên Việt Nam đã tham dự giải Cornell và giành giải nhất,  vượt qua cả các nhóm sinh viên Mỹ ở đại học MIT và Stanford - những nơi mạnh nhất Mỹ về đào tạo công nghệ thông tin.
Hiện giờ ngành này mới quá, nên tuyển rồi đào tạo thêm là tất yếu. Còn sau này, khi ngành công nghệ thông tin phát triển mạnh, và ổn định, thì chắc chắn thị trường đào tạo của thành phố sẽ đáp ứng được yêu cầu.
Ông Lê Mạnh Hà, phó chủ tịch Tp.HCM
Công viên phần mềm Quang Trung được đánh giá là thành công. Khu Công nghệ cao thì còn không ít khó khăn. Theo ông cái khác biệt lớn nhất giữa Công viên Phần mềm Quang trung và Khu Công nghệ cao là gì?
Khu Công nghệ cao có diện tích lớn gấp hơn 20 lần Công viên phần mềm Quang Trung. Khái niệm về phần mềm là rất rõ, nhưng công nghệ thế nào là cao thì vẫn còn...cãi nhau. Hơn nữa, công nghệ biến đổi liên tục, hôm nay cao ngày mai đã là thấp. Đó là những điểm khác biệt lớn.
Nhưng khác biệt rõ nhất nằm ở mô hình quản lý. Khác với khu công viên phần mềm Quang Trung do một doanh nghiệp nhà nước đầu tư và quản lý, khu công nghệ cao được đầu tư và quản lý thông qua một ban quản lý.
Tôi vẫn chưa có đầy đủ cơ sở để đánh giá mô hình nào là phù hợp nhất. Tuy nhiên, ai cũng phải công nhận một thực tế là doanh nghiệp thì năng động hơn và phải dốc toàn lực ra phục vụ khách hàng. Bởi, nếu không làm như vậy thì doanh nghiệp sẽ lỗ, và thậm chí phá sản. Còn ban quản lý, dù có tràn đầy nhiệt huyết đến mấy thì cũng khó mà hiệu quả được, vì lương của họ chắc chắn không giảm đi đồng nào dù có mất khách hàng, thậm chí mất nhiều khách hàng.
Dù sao, thành phố cũng có quyền tự hào là Khu Công nghệ cao TPHCM đã có được kết quả tốt nhất trong tất cả các khu công nghệ cao trên toàn quốc.
Nhân chuyện Khu Công viên Phần mềm Quang Trung và Khu Công nghệ cao TP HCM, ông có liên tưởng gì đến Phú Mỹ Hưng và Khu đô thị mới Thủ Thiêm?
Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng do công ty liên doanh với nước ngoài đầu tư, mô hình công ty đầu tư và quản lý tương tự như Công viên phần mềm Quang Trung. Hiện nay, Phú Mỹ Hưng là một khu đô thị tương đối hoàn chỉnh, được đánh giá là kiểu mẫu và rất văn mình. Có lẽ, nhược điểm của Phú Mỹ Hưng là còn "thiếu" những bảng "khu phố văn hóa". (Cười)
Ông "hóm" quá đấy. Thế còn Thủ Thiêm?
Chúng tôi có Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đất thì giải tỏa cũng gần xong. Hạ tầng còn thiếu, và đang tích cực mời gọi đầu tư. Thủ Thiêm được đầu tư sau Phú Mỹ Hưng khoảng 10 năm.
Công nghiệp - thương mại thì đã có Sở Công Thương nắm. Thế còn đối với công nghệ cao, dường như chỉ ở cấp ban quản lý?
Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu giúp Ủy ban về công nghệ cao. Tuy nhiên, tôi mong muốn có hẳn sở công nghệ cao, nâng cấp từ Ban quản lý khu công nghệ cao hiện nay, để tham mưu giúp thành phố phát triển lĩnh vực này. Một thành phố như thành phố Hồ Chí Minh không thể không có công nghệ cao vào loại mạnh của khu vực.
Muốn như vậy thì phải tập trung đầu tư cho công nghệ cao, về nhân lực, tài lực, và đặc biệt phải có cơ quan tham mưu mạnh là sở công nghệ cao. Còn Công ty Phát triển Khu Công nghệ cao hiện nay sẽ trực tiếp đầu tư và quản lý khu công nghệ cao, tương tự như Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung.
Làm như vậy, thành phố sẽ vừa có cơ quan tham mưu tốt, vừa có doanh nghiệp phục vụ hết mình cho các nhà đầu tư.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP Hồ Chí Minh
Có nhận xét là Khu Công nghệ cao hiện nay vẫn giống như một khu công nghiệp về hình thức, và phần nào về nội dungTức là vẫn có những dự án nặng về thâm dụng lao động, chứ chưa hẳn có công nghệ cao. Ông có đồng ý không?
Trong giai đoạn đầu, Khu Công nghệ cao buộc phải lựa chọn những nhà đầu tư có công nghệ chưa hẳn là cao và sử dụng nhiều lao động giản đơn để có được những cú hích đầu tiên. Giai đoạn sau này sẽ chọn lựa với yêu cầu cao hơn và tập trung cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Đây chính là điểm khác biệt của khu công nghệ cao so với các khu công nghiệp khác.
Tôi thực sự muốn đổi tên khu này thành Công viên Công nghệ cao. Khi đã là công viên thì phải có nhiều cây xanh, có cảnh quan đẹp, không phải chỉ có nhà xưởng san sát như khu công nghiệp. Môi trường cho sáng tạo phải gần gũi với thiên nhiên, và thậm chí phải rất... nên thơ.
Kỳ họp vừa rồi của Hội đồng nhân dân thành phố, ông bị chất vấn về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Báo chí cũng có đưa tin, nhưng tôi muốn ông khẳng định lại quan điểm của mình.
Đúng. Và những điều tôi đã trả lời là quan điểm của tôi, xin phép được nhắc lại.
Về công nghiệp hỗ trợ, cả nước lúng túng, và thành phố Hồ Chí Minh cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng, theo tôi, không nên quá tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ. Công nghiệp hỗ trợ chỉ để phục vụ người khác mà thôi, khó có thể phát triển mạnh được. Hơn nữa, sản xuất một loại phụ tùng rồi không biết bán cho ai thì chỉ có phá sản mà thôi.
Cốt yếu là phải sản xuất sản phẩm cuối cùng trên đất Việt Nam. Ví dụ, như ngành ô tô, nếu sản xuất cái gạt nước rồi không biết bán cho ai thì sẽ thất bại. Nhưng nếu xuất xưởng một chiếc ô tô hoàn chỉnh ngay trên đất Việt Nam thì lại khác. Tất nhiên phải là sản xuất xe để xuất khẩu, không chỉ lắp ráp cho thị trường trong nước như lâu nay.
Nếu như số lượng lớn xe được sản xuất trong nước là đủ lớn, sẽ có những nhà cung cấp phụ tùng ở ngay Việt Nam. Lúc đầu, có thể chỉ một số phụ tùng sản xuất được trong nước, nhưng dần dần số mặt hàng sẽ tăng lên, vì làm tại chỗ sẽ rẻ hơn do giảm chi phí vận chuyển, không có thuế nhập khẩu...
Tôi đoán chắc nếu Toyota xuất từ Việt Nam 1 triệu xe/năm đi châu Á thì chắc chắn công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển. Còn chỉ phục vụ cho mấy ngàn xe/năm như bây giờ, không ai dại gì sản xuất phụ tùng với số lượng ít ỏi cho anh cả.
Như vậy, thay vì phát triển công nghiệp hỗ trợ để cung cấp cho không-ai-cả, hãy thu hút những tập đoàn hàng đầu sản xuất sản phẩm cuối cùng tại Việt Nam.

63 tỉnh thành, đâu cũng phát triển theo... mốt

"Tôi có cảm giác, 63 tỉnh thành phát triển kinh tế một cách độc lập, theo ý của mình, và thiếu liên kết giữa các địa phương. Ai cũng muốn phát triển công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, và có hệ thống sân bay, cảng biển... Đầy đủ cứ y như một quốc gia ấy".

LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng độc giả phần cuối cùng trong cuộc trò chuyện với ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch TP. HCM.
Người ta nhận xét thế này, trong những năm '90 thành phố là cái đầu tầu chạy băng băng về phía trước, và kéo các toa sau là các tỉnh thành theo. Từ đầu những năm 2000 trở lại đây, cái đầu tầu thành phố HCM đi chậm lại, và, vô hình trung, cũng khiến các tỉnh thành khác đi chậm theo. Ông nghĩ sao?
Tôi không nghĩ rằng chúng ta phát triển theo mô hình đầu tàu, nghĩa là chỉ có đầu tàu làm việc, các toa tàu là thụ động và bị kéo đi. Mô hình tốt là hợp lực, không phụ thuộc, nhưng có liên kết. Sự phát triển của thành phố HCM có tác động định hướng, vì kinh tế thành phố chiếm tỷ trọng rất cao và rất năng động.
Theo tôi, thành phố không đi chậm lại, mà nhiều địa phương khác đi nhanh hơn.
Như vậy, sau hơn 10 năm khoảng cách đã bị thu hẹp nhiều. Ông có nghĩ rằng đã đến lúc thành phố cần phải tăng tốc?
Không! Đã đến lúc thành phố phải tập trung hơn cho phát triển bền vững, chứ không tăng tốc độ bằng mọi giá. Người dân thành phố cần chất lượng cuộc sống cao hơn, sống trong môi trường trong sạch, và văn minh. Cả nước cũng đang đi theo hướng này, nhưng thành phố phải đi đầu, và đi đúng hướng. Đó cũng là cách thành phố thể hiện vai trò định hướng của mình.
Trong quá khứ, thành phố chính là nơi xuất phát của những chủ trương lớn làm thay đổi cục diện. Nhiều ý kiến cho rằng gần đây sức sáng tạo của thành phố đã suy giảm. Ý kiến của ông như thế nào?
Trước đây, những điểm nghẽn của phát triển thể hiện rất rõ. Dòng chảy của cuộc sống rất mạnh đã có tác động làm lung lay cái chốt chặn. Trong khi đó, sự nhạy bén, mạnh dạn và kiên quyết của lãnh đạo đã làm bật tung chốt, và khơi thông dòng chảy.
Ông Lê Mạnh Hà - phó chủ tịch Tp HCM
Thế còn bây giờ, lãnh đạo thành phố đã phát hiện điểm nghẽn hiện tại chưa, thưa ông?
Chính phủ đã khẳng định rằng chúng ta đang phải giải quyết 3 điểm nghẽn chung là hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực. Đó cũng là nhận xét chung của giới đầu tư - kinh doanh trong ngoài nước. Vì vậy, thành phố cũng đang tập trung xử lý các điểm nghẽn này.
Nhưng, theo ý kiến của riêng tôi, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay lại là đất đai, là chính sách đất đai. Tôi đã phát biểu điều này tại cuộc họp trực tuyến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, và cuộc họp HĐND thành phố vừa qua.
Đất đai chính là nguyên nhân của các điểm nghẽn trên. 70% khiếu kiện là về đất đai, gây bất ổn xã hội, suy giảm lòng tin. Nguồn lực tập trung chủ yếu đền bù đất đai. Tỷ trọng rất lớn trong chi phí đầu tư cũng là chi cho đất đai. Ví dụ, xây một con đường, chi phí cho bồi thường lấy đất là lớn nhất, chứ không phải chi phí xây dựng, như thông lệ quốc tế.
Với giá đất hiện nay, chúng ta không thể xây dựng đường, cầu, trường học, bệnh viện, hay các cơ sở sản xuất, với giá thấp được. Thậm chí, còn không có đất để đầu tư. Nền kinh tế vì thế bị tắc nghẽn.
Ông có nói rằng, một trong những mảng ông phụ trách là chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố. Vậy, theo ông, đất đai có làm nghẽn quá trình này không?
Chắc chắn là tác động mạnh. Tôi lấy một ví dụ. Có nhiều nguyên nhân khiến việc xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm gặp khó khăn, nhưng giá đất quá cao là nguyên nhân rất quan trọng. Giá cao như thế thì rất khó thu hút nhà đầu tư. Công viên Phần mềm Thủ Thiêm và Công viên Trí thức Việt - Nhật tại khu vực này đã thất bại cũng có lý do từ giá đất.
Thành phố đang tìm địa điểm để xây dựng công viên phần mềm Quang Trung 2. Khó nhất vẫn là giá đất. Nếu không có chính sách mới về giá đất thì khả năng thành công là rất thấp. Và như vậy giảm tính khả thi của chuyển dịch kinh tế theo hướng phát triển công nghệ cao, giàu hàm lượng chất xám.
Xin được hỏi tiếp. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố sẽ diễn ra theo hướng nào?
Chuyển dịch cơ cấu là chuyển dịch tự nhiên của nền kinh tế. Vì vậy, tôi muốn khẳng định là chương trình của thành phố chỉ đóng vai trò hỗ trợ để quá trình tự nhiên đó diễn ra nhanh, và suôn sẻ hơn thôi. Thành phố đang làm rất nhiều việc để hỗ trợ phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ, và 4 ngành công nghiệp.
Nhưng, theo tôi, để chuyển dịch nhanh hơn nhất thiết phải làm hai việc. Tôi xin lấy mô hình giao thông cho dễ hình dung: gỡ rào cản để xe chạy tốc độ bình thường, và làm đường cao tốc để xe chạy tốc độ nhanh.
Rào cản lớn nhất là đất đai. Thủ tục hành chính rắc rối nhất, khó hiểu nhất chính là thủ tục về nhà đất. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng.
Để có "đường cao tốc" phải có chính sách đột phá cho phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin. Chúng tôi đang rất  nỗ lực làm việc này.
Các chính sách về đất đai, về phát triển ngành thuộc thẩm quyền của trung ương. Nhưng, về phần mình, thành phố phải chủ động phát hiện, và chủ động đề xuất, không thể ngồi chờ.
Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (còn được gọi là trường nữ Gia Long, trường nữ sinh Áo Tím) được thành lập từ năm 1915, cho đến nay trường Nguyễn Thị Minh Khai là một trong những trường phổ thông lâu đời nhất của nền giáo dục Việt Nam.
Chuyển dịch cơ cấu hình như đang là cái mốt, các tỉnh nông nghiệp thì ít lo phát triển nông nghiệp mà rất hăng hái phát triển công nghiệp, mặc dù tiềm năng không có. Cả nước có vô số khu công nghiệp bỏ trống, cảng biển treo. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
Đúng là tình trạng đó. Tôi có cảm giác, 63 tỉnh thành phát triển kinh tế một cách độc lập, theo ý của mình, và thiếu liên kết giữa các địa phương. Ai cũng muốn phát triển công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, và có hệ thống sân bay, cảng biển... Đầy đủ cứ y như một quốc gia ấy. Làm như vậy không phát huy được thế mạnh riêng có của mình, và lãng phí nguồn lực.
Phải công nhận rằng chúng ta hay chạy theo mốt. Có một cái mốt nữa là di dời bệnh viện, trường đại học ra khỏi trung tâm.
Theo tôi, đô thị phải là chỉnh thể. Nội thành mà không có bệnh viện, trường học thì người ta chữa bệnh rồi đi học ở đâu? Người trong nội thành phải cấp cứu thì chở ra ngoại thành chữa à? Vừa khó cho y tế, giáo dục, vừa khó cho giao thông vì gây ra tình trạng kẹt xe gấp đôi. Người sống ngoại thành thì chạy vào trung tâm để mua sắm, làm việc. Người sống trong nội thành thì chạy ra xa để chữa bệnh, đi học.
Hơn nữa, việc di dời trường học sẽ xóa những ngôi trường tồn tại hàng trăm năm, chí ít cũng là nhiều chục năm, những công trình đã để lại dấu ấn lịch sử. Rất nhiều thành phố trên thế giới giữ lại trong trung tâm những trường đại học cổ kính, những nhà ga cũ kỹ, những bến cảng lâu đời.
Người mình còn có cái mốt là muốn xóa cũ, xây mới. Không nên xuất hiện những thành phố, những ngôi làng không có quá khứ. Tôi rất tiếc những đường tàu điện xưa ở Hà Nội. Giá mà...
Giá mà không phải "giá mà"... Ông đang cố gắng bác bỏ cái xu hướng phát triển nhanh bằng mọi giá xưa nay?
Đúng vậy. Và thành phố Hồ Chí Minh phải đi đầu, phải dẫn hướng, trong xu thế phát triển mới - phát triển bền vững . Chúng ta luôn nói là phát triển kinh tế-xã hội, và điều đó có nghĩa là không chỉ phát triển kinh tế. Cần phải chuyển dịch cả cơ cấu xã hội nữa, theo hướng văn minh, và bảo tồn giá trị dân tộc.
Xin cám ơn ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét