Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Myanmar - một con đường với ba góc quan sát


Myanmar - một con đường với ba góc quan sát

"Qua những phát ngôn và hành động của mình, cả ông Thein Sein lẫn bà San Suu Kyi, theo tôi hiểu, đều nhận thức rằng đã đến lúc mọi nguồn lực của đất nước, sau hàng thập kỷ chia rẽ và đối đầu, phải được qui tụ lại để tạo sức bật cho phát triển, chứ không phải để sử dụng trong cuộc đấu tranh nội bộ"

Trong mấy ngày vừa rồi, kết quả sơ bộ về cuộc bầu cử bổ sung ở Myanmar với thắng lợi gần như tuyệt đối của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà San Suu Kyi, cũng như cá nhân bà, đã tạo một cảm hứng lớn và kỳ vọng mới cho công luận và dư luận quốc tế đối với Myanmar và cả cái khu vực đang tiến tới một cộng đồng vào năm 2015. Nhưng bên cạnh đó, chắc hẳn vẫn có những mối lo ngại, bởi những nguyên do khác nhau.
Tuanvietnam xin được giới thiệu một trong những nỗi lo đó, bên cạnh hai cách nhìn lạc quan về những đổi thay nhanh chóng trong thời gian gần đây ở cái quốc gia đã sống gần nửa thế kỷ dưới chế độ độc tài quân sự.
Ký giả Chongkittavorn và câu chuyện trước hai cuộc bầu cử
Trong số những bài phân tích về thành công ASEAN 2010 tại Hà Nội, có lẽ bài "Vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam là bài học cho tất cả" của ký giả Kavi Chongkittavorn, đăng trên The Nation số ra ngày 1.1.2010, được coi là có góc nhìn sâu sắc, toàn diện và khách quan nhất.
Tuy nhiên, người viết vẫn cảm thấy đánh giá của ký giả kỳ cựu này, phần liên quan đến bầu cử ở Myanmar, vẫn chưa thật thuyết phục, khi ông viết rằng "các nước thành viên đều phải  thừa nhận nước chủ nhà Việt Nam đã khéo léo giúp hạ thấp các cuộc thảo luận về khủng hoảng chính trị ở Myanmar bằng cách dấy lên mối lo ngại về Biển Đông".
Nói như vậy, vô hình trung, ký giả Chongkittavorn đã "hạ thấp" mối lo ngại, không chỉ của Việt Nam, về nguy cơ bất ổn ở Biển Đông. Hơn nữa, thật không công bằng đối với lãnh đạo Việt Nam, khi cho rằng việc họ thách thức một nước lớn trong khu vực, với những hệ luỵ khôn lường của nó,  lại không xuất phát từ chủ quyền và lợi ích quốc gia, mà dường như từ lợi ích của một thành viên khác.
Nhưng Chongkittavorn đã có lý khi cho rằng "các nhà lãnh đạo ASEAN có thể đã tạo ra được một áp lực lớn hơn đòi đưa các nhà quan sát bầu cử tới Myanmar, nếu như nước chủ nhà giữ vai trò dẫn dắt với một lập trường mạnh mẽ hơn".
Không chỉ có vậy. Cuộc bầu cử quốc hội Myanmar đã diễn ra chỉ một tuần sau lễ bế mạc Cấp cao ASEAN 17, trong bối cảnh còn tới hơn hai nghìn tù nhân chính trị vẫn bị giam giữ, nhiều đảng phái và cá nhân không được quyền tham gia (trong đó bà San Suu Kyi), cũng như có tới 25% số ghế được dành sẵn đại diện quân đội.
Thế nhưng, chỉ chưa đầy một năm rưỡi sau đó, Myanmar dưới sự điều hành của một chính phủ dân sự đầu tiên sau khoảng nửa thế kỷ, vốn là kết quả của cuộc bầu cử mà nhiều người như Chongkittavorn còn tìm thấy nhiều điểm để phê phán, đã tiến hành những thay đổi đáng ngạc nhiên.
Gần một phần ba số tù nhân chính trị đã được thả. Chính quyền Myanmar đã đàm phán và ký kết các thỏa thuận ngừng bắn với nhiều nhóm vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số khác nhau tại Myanmar. Theo giới quan sát, việc giải quyết các cuộc xung đột với các sắc dân thiểu số đóng vai trò quyết định đối với sự ổn định và phát triển của đất nước này trong tương lai.
Và điều được cộng đồng quốc tế chờ đợi nhất là Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), do bà San Suu Kyi lãnh đạo, đã được phép tham gia cuộc bầu cử bổ sung, cũng như việc giới nhà quan sát quốc tế được mời vào Myanmar để giám sát.
Theo Chongkittavorn trong bài viết trên The Nation ngày 26.3.2012, trong động thái cởi mở này của chính quyền Myanmar có phần đóng góp không nhỏ của Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, người đã được Thổng thống Thein Sein mời vào thăm nước này trước khi cuộc bầu cử diễn ra khoảng 40 ngày.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Thein Sein, ông Pitsuwan đã khuyên Myanmar ít nhất cũng nên mời những quan sát viên và phóng viên trong khu vực vào giám sát cuộc bầu cử.
Những người ủng hộ giơ cao tấm ảnh bà San Suu Kyi khi kết quả bầu cử được công bố. Ảnh: Reuters
"Người dân ASEAN xứng đáng được biết các ông đang tiến hành cải cách như thế nào. Myanmar sẽ là chủ tịch của chúng tôi (2014)", ông Pitsuwan được trích dẫn là đã nói như vậy với người đứng đầu chính quyền Myanmar.
Nhưng chính phủ của ông Thein Sein đã không chọn phương án tối thiểu đó. Họ mời thêm cả quan sát viên từ Mỹ và Liên minh châu Âu. Hẳn ông Thein Sein vẫn còn nhớ vụ các nhà ngoại giao phương Tây đã tẩy chay sự kiện cuối năm 2010, khi chính quyền quân sự tiền nhiệm chỉ mời các nhà ngoại giao nước ngoài và đại diện các tổ chức quốc tế thường trú ở Rangoon tham gia giám sát tại các điểm bỏ phiếu.
Nhưng đối với bản thân Chongkittavorn, với tư cách là một nhà báo và đồng thời là Chủ tịch Liên minh Báo chí Đông Nam Á (SEAPA), có lẽ sự thay đổi lớn nhất là cuộc hội thảo quốc tế về phát triển truyền thông ở Myanmar, do Bộ Thông tin & Văn hoá Myanmar và UNESCO đồng tổ chức vào 19-20.3 vừa rồi, nhằm chuẩn bị cho việc soạn thảo luật báo chí của nước này.
Trong bài tham luận của mình, Chongkittavorn đã xác định Myanmar, trong cái "Disney Land" về thể chế chính trị, là "chủ nghĩa xã hội - dân chủ". Còn về mức độ tiến bộ của tự do báo chí, vị chuyên gia hàng đầu về báo chí ở Đông Nam Á này đã xếp Myanmar ngang hàng với Singapore, Malaysia và Bunei, và thấp hơn Philippines, Indonesia, Thái Lan và Campuchia.
Chỉ sau chưa đầy một năm rưỡi, quan điểm của Kavi Chongkittavorn về Myanmar đã thay đổi một cách đáng ngạc nhiên. Mặc dù, sự ngỡ ngàng của vị ký giả này hoàn toàn có lý.
Thế nhưng, có một người ở cách nơi Chongkittavorn đang sinh sống khoảng 2 giờ bay lại hoàn toàn không ngỡ ngàng về sự thay đổi này. Đó là Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, người vừa mới dự một số sự kiện trong khuôn khổ Cấp cao ASEAN 20 tại Phnom Penh.
TS Thành với câu chuyện chia sẻ kinh nghiệm cải cách
"Thực ra, quá trình mở cửa và cải cách, ở Myanmar đã có sự chuẩn bị từ lâu rồi, ngay trong chính quyền quân sự", TS Thành nói.
Ông kể rằng bên lề APEC 2006, ông đã được mời đến Nhà khách Chính phủ, nói chuyện với một phái đoàn Myanmar, trong đó có một số người mặc quân phục và đeo quân hàm cấp tướng.
"Tôi chủ yếu chia sẻ với họ kinh nghiệm cải cách kinh tế của Việt Nam. Những kinh nghiệm cải cách thuộc những lĩnh vực khác do các chuyên gia khác của Việt Nam trình bày", TS Thành nói.
Có lẽ, sự quan tâm ngày càng tăng của chính quyền quân sự Myanmar đến kinh nghiệm cải cách - mở cửa của Việt Nam bắt đầu từ sau chuyến đi của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, với tư cách Đặc phái viên của Thủ tướng Phan Văn Khải. Nhiệm vụ của vị thuyết khách này là thuyết phục Myanmar chỉ tham gia ASEM 5 ở cấp bộ trưởng, thay vì cấp nguyên thủ - một sự thỏa hiệp nhằm đảm bảo cho ASEM 5 thành công.
Hồi đó, một số quốc gia thuộc EU lúc đó đã chỉ trích rất mạnh mẽ Myanmar về sự vi phạm nhân quyền và dân chủ, khi năm 2003 chính quyền quân sự đã bỏ tù hàng ngàn nhà đấu tranh dân chủ và thực hiện tái quản thúc đối với bà San Suu Kyi.
Những gì mà ông Võ Văn Kiệt nói với Thống tướng Than Swe và các lãnh đạo quân sự Myanmar vẫn chưa được công bố. Thế nhưng, có một điều rất đáng lưu ý là trong những năm đó ông Võ Văn Kiệt suy nghĩ rất nhiều về câu chuyện hoà giải dân tộc ở Việt Nam, và cũng là vấn đề mấu chốt trong giải quyết bất ổn ở Myanmar.
Khoảng nửa năm sau chuyến đi đó, và đúng một tháng trước ngày kỷ niệm 30 năm Ngày Đất nước Thống nhất, Tuần báo Quốc tế đã cho đăng tải bài phỏng vấn ông về chủ đề này.
Ngược hẳn với các tướng lĩnh chỉ ngồi nghe và ghi chép, giới chuyên gia dân sự của nước này mà TS Thành gặp ở nhiều sự kiện khác nhau, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2006 đến cuối năm 2011, ở cả Hà Nội và Rangoon, đã hỏi ông đủ mọi thứ.
"Nhưng họ quan tâm nhiều nhất đến giai đoạn cuối '80 - đầu '90 của Việt Nam (khoảng thời gian Việt Nam vẫn bị phương Tây, đứng đầu là Mỹ, phong toả về kinh tế - NV)", TS Thành nói.
TS Thành cho biết thêm rằng trong chuyến đi Phnom Penh vừa rồi, ông được biết thêm rằng kiến trúc sư của cuộc cải cách tỷ giá gây tiếng vang vừa rồi ở Myanmar đã từng qua Việt Nam "ăn sương, nằm gió" mấy năm liền để học tập kinh nghiệm.
"Thực ra, nói như báo chí rằng họ thả nổi tỷ giá là không hoàn toàn đúng. Họ chỉ thống nhất giữa giá chính thức và giá chợ đen, như Việt Nam đã từng làm năm 1989, nhưng với sự linh hoạt hơn", TS Thành nhận xét.
Nhưng về chính trị, theo TS Thành, Myanmar có đặc thù riêng của mình, và rất khác với Việt Nam. Một trong những nét đặc thù đó là phong trào dân chủ đã bắt rễ vào xã hội Myanmar từ lâu rồi.
"Một thuận lợi cho quá trình này là đa số dân Myanmar theo đạo Phật. Tôi cho đấy là ưu thế theo cách của châu Á, nhất là những dân tộc đậm chất Phật Giáo, với đặc điểm là duy tình, cân bằng, tránh những xung đột lớn" TS Thành nói.
Sự lựa chọn đấu tranh bất bạo động, theo kiểu Gandhi ở Ấn Độ, của bà San Suu Kyi, hoặc việc bà gần đây phản đối khả năng cựu chính quyền quân sự ra tòa có thể là một những ví dụ thuyết phục cho tinh thần của Nhà Phật. Còn việc tại sao chính quyền quân sự Myanmar, khác với những chính thể độc tài khác, lại không thủ tiêu bà San Suu Kyi, cũng như 'Kế hoạch tiến tới nền dân chủ trong kỷ cương' được họ đưa ra trong năm 2003, lại là những vấn đề rất cần tìm hiểu.
Tuy nhiên, TS Thành cho rằng, về lâu dài, cách tư duy này lại là một thách thức lớn cho quá trình xây dựng một xã hội pháp quyền chặt chẽ - điều mà quá trình dân chủ hoá hướng tới. "Tôi nghĩ một nền giáo dục kiểu Anh được phục hồi và phát triển sẽ bù đắp cho cái khiếm khuyết này", TS Thành gợi ý.
Những ưu thế của một nền giáo dục kiểu Anh, theo TS Thành, là ở tính thực tiễn cao và tầm nhìn rộng. "Tất nhiên, cái dễ nhận thấy nhất là về mặt ngôn ngữ. Các thành viên Phòng Thương mại của họ mà tôi gặp trong các diễn đàn doanh nghiệp đều có thể trao đổi thoải mái bằng tiếng Anh", TS Thành nhận xét.
Ba lợi thế khác của Myanmar để có thể tiến hành cải cách thành công là dồi dào tài nguyên (khoáng sản, đất đai), tính tôn trọng pháp luật và lợi thế nước đi sau.
"Đang chậm phát triển mà nay lại mở tung cải cách, nên có sức bật lớn và khả năng thu hút sự chú ý của bên ngoài cũng lớn. Đó là chưa nói tới khả năng học những bài học cả thành công lẫn thất bại của những nước đi trước, như Việt Nam", TS Thành nói.
Theo giới quan sát quốc tế, việc quyết định đình chỉ dự án xây dựng đập Myitsone do phía Trung quốc tiến hành của chính quyền dân sự Myanmar cho thấy Myanmar đã cố gắng thoát khỏi Trung quốc sau hơn 20 năm chịu sự kiềm chế của nước láng giềng khổng lồ hơn một tỷ dân với quá nhiều tham vọng ở đất nước này.
"Gặp gỡ các đồng nghiệp Myanmar, họ luôn nói là họ còn khó khăn lắm, phải cố gắng nhiều, học hỏi nhiều. Tôi nói đùa rằng biết đâu 5 năm nữa Myanmar lại trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam", TS Thành kể.
Cũng có một người đã nói với người viết hệt như TS Võ Trí Thành nói với các đồng nghiệp Myanmar. Đó là doanh nhân Phạm Quang Vinh, Giám đốc Công ty Tư vấn Phạm & Cộng sự.
Có điều, ông Vinh không nói đùa, mà với một nỗi lo thật sự nghiêm túc.
Doanh nhân Vinh và mối lo về kẻ thách thức
"Tôi đi nhiều nơi, và trong thời gian gần đây chỉ nghe thế giới họ nói về Indonesia và Myanmar trong khu vực này", ông Vinh, người cung cấp dịch vụ tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, than thở.
Theo ông Vinh, Việt Nam hiện đang đứng trước cái nguy cơ mà Thái Lan đã gặp phải cách đây một thập kỷ rưỡi, khi khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra. Lúc đó, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài làm ăn ở Thái Lan đã hướng hết cặp mắt sang Việt Nam.
"Trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam đi lên được là nhờ luồng tiền chạy từ ngoài vào. Còn trong vài năm vừa rồi luồng tiền lại chảy từ trong ra, nên muốn kinh tế phục hồi lại, việc thu hút lại nguồn tiền đổ vào là cực kỳ quan trọng" ông Vinh giải thích.
Người dân Myanmar đi bầu cử
"Tôi e rằng Myanmar sẽ không bỏ lỡ cơ hội, như Việt Nam đã từng bỏ lỡ hồi đó đâu. Họ sẽ là "The next Tiger" thực sự như ký giả tờ Diplomat vừa phân tích, điều mà giới đầu tư nước ngoài tưng kỳ vọng ở Việt Nam hồi 2007", ông Vinh khẳng định.
Và để chứng minh, ông Vinh đã đưa ra hai lập luận.
Thứ nhất, Myanmar có một nền tảng giáo dục rất tốt theo kiểu Anh, để xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài. Những khách hàng người Malaysia kể với ông Vinh rằng trong giai đoạn 50-70 của thế kỷ trước nhiều bác sĩ, kỹ sư của Myanmar đã từng sang giúp Malaysia.
"Bản thân tôi có một số cuộc tiếp xúc với giới doanh nhân Myanmar, và có dịp nghe một số bộ trưởng của họ nói chuyện. Ngoài trình độ tiếng Anh lưu loát, tư duy của họ rất rõ ràng, theo kiểu phương Tây", ông Vinh nói.
Thứ hai, cách ứng xử của chính quyền quân sự trước đây của Myanmar, khi quản thúc bà suốt 15 năm, nhưng không giết, cũng như việc bà không đồng tình với cái kiểu "công lý trả thù" đối với họ, cũng được ông Vinh nhìn nhận dưới góc độ của văn minh ứng xử.
Quan trọng hơn nữa, theo ông Vinh, trong quá trình dân chủ hóa và hòa giải ở Myanmar hiện có một cái gì đó tương tự như cặp Nelson Mandela - Frederik Willem de Klerk trong quá trình xóa bỏ chế độ Apartie và hòa giải dân tộc vào cuối những năm '90 của thế kỷ trước ở Nam Phi.
"Qua những phát ngôn và hành động của mình, cả ông Thein Sein lẫn bà San Suu Kyi, theo tôi hiểu, đều nhận thức rằng đã đến lúc mọi nguồn lực của đất nước, sau hàng thập kỷ chia rẽ và đối đầu, phải được qui tụ lại để tạo sức bật cho phát triển, chứ không phải để sử dụng trong cuộc đấu tranh nội bộ", ông Vinh kết luận.
Nhà báo Lê Thọ Bình có kể lại rằng, (cố) Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai, khi được hỏi về những nhà lãnh đạo quốc tế mà ông có dịp tiếp xúc, đã nói rằng ông kính nể nhất cựu Tổng thống Nam Phi Frederic Willem de Klerk.
"Giữ được quyền lực đã là người rất giỏi rồi. Nhưng dám từ bỏ quyền lực, vì một lợi ích lớn hơn của toàn xã hội, thì phải xếp vào hàng vĩ nhân", ông Lê Mai nói.
Theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, trong cuộc tổng tuyển cử 5 năm tới Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ bà San Suu Kyi sẽ thách thức quyền lực của Đảng Đoàn kết Phát triển Liên bang của Tổng thống Thein Sein, hiện chiếm đa số ghế trong Quốc hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét