Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011


THỨ BA, NGÀY 26 THÁNG BẢY NĂM 2011

Nhớ mãi một Bộ trưởng tài năng

Lang thang rong chơi trên mạng, Thăng Sắc tình cờ tìm được bài viết này của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thạch viết về cố Bộ trưởng NGUYỄN CƠ THẠCH, tuy viết đã lâu nhưng vẫn hay quá, xin phép đăng lại trên Lều Văn để mọi người cùng xem.

Bài học đầu tiên tôi học được của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch lại là cuộc họp báo cuối cùng của Ông. Vào một ngày tháng 7/1991, Tổng biên tập Tạp chí Quan hệ Quốc tế thông báo cho chúng tôi là có buổi họp báo của Bộ trưởng tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Những buổi họp báo như thế này, nếu chúng tôi có phải đưa tin thì cũng đã có "công thức", và có bài sẵn cả rồi. Nhưng tò mò, chúng tôi kéo nhau sang Bảo tàng để nghe. Năm tháng trôi qua, nhưng tôi không thể nào quên hình ảnh điềm tĩnh, đầy tự tin và những câu trả lời chắc nịch của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Đặc biệt khi có một phóng viên nước ngoài hỏi Bộ trưởng về tình hình quan hệ Việt-Trung, cả hội trường rộ lên tiếng cười khi Bộ trưởng dùng hình ảnh một đôi tình nhân, "có ai biết là tay chân họ đang quờ quạng làm gì ở dưới bàn đâu”. Lúc đó, tôi cũng chỉ “cười theo” vì Bộ trưởng dùng hình ảnh rất đời thường. Sau này càng đọc, càng nghiên cứu tôi lại càng thấm thía hình ảnh ông dùng. Trong giai đoạn 1990-1991 có biết bao nhiêu hoạt động đã diễn ra trong quan hệ Việt - Trung mà "người ngoài" đâu có biết! 
 Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Phu nhân Phan Thị Phúc
  Tháng 3/1993, khi đang làm một đề tài nghiên cứu về an ninh Đông Nam Á hậu chiến tranh lạnh, tôi xin gặp ông để phỏng vấn. Lúc này ông đã nghỉ hưu. Sau khi nghe tôi trình bày quan điểm của mình về an ninh khu vực, về sức mạnh của những người khổng lồ trong tương quan lực lượng ở đây, ông hỏi tôi: “Đồng chí có biết điểm yếu của họ là gì không?" Tôi có cảm giác chới với vì hoàn toàn bất ngờ với câu hỏi của ông. Họ là những người khổng lồ, điểm yếu là gì? Lúc này tôi chẳng khác gì một võ sĩ đã "ra hết đòn", nhưng không trúng đích và chỉ cần một cái gạt nhẹ của đối thủ là chới với, chực ngã. Chắc đọc được sự lúng túng của tôi, ông trả lời thay cho tôi điểm yếu của người khổng lồ là luôn bị những nước nhỏ nghi ngại. Mỗi hành động của họ luôn bị tất cả nhìn vào để đánh giá, chính điều đó hạn chế việc người khổng lồ sử dụng sức mạnh của mình. Đối với tôi, câu trả lời của ông thật thú vị, thật bất ngờ, thật chính xác. Nhưng quan trọng hơn, phong cách tư duy của ông là bài học tôi không thể nào quên. Sau này trong cuộc sống và công tác, tôi gặp nhiều trường hợp đánh giá khá một chiều đối tượng nghiên cứu là mạnh hay yếu. Những lúc như thế tôi lại bỗng nhớ lại câu hỏi làm tôi chới với của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
Ở đây phải nói một chút về việc dùng chức danh của ông trong bài báo này. Dùng chức danh "Bộ trưởng" không phải là quên, và càng không phải muốn "hạ cấp" ông. Nhưng đối với một người trong ngành, dường như chữ Bộ trưởng thân thiết hơn, gần gũi hơn chữ Phó Thủ tướng. Hơn nữa, tất cả những người nước ngoài tôi gặp, khi nói về ông đều nhắc đến ông với chức danh “Foreign Minister” với một niềm kính trọng, một tình cảm yêu quý. Họ cũng không hề có ý định hạ cấp ông. Trong tâm trí của họ, "Bộ trưởng Ngoại giao" và "Nguyễn Cơ Thạch" như hai khái niệm không thể tách rời nhau.
Người nước ngoài đầu tiên nói với tôi ý kiến của mình về cựu Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là bà Chen Heng Chee, nay là Đại sứ Singapore tại Mỹ. Tôi gặp bà vào đầu năm 1993 ở Singapore. Lúc đó bà mới rời chức vụ Đại sứ của Singapore tại Liên hợp quốc. Bà bảo tôi Singapore luôn đi đầu chống Việt Nam trong vấn đề Campuchia, nhưng bà luôn rất kính nể Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, "Ông Thạch là nhà ngoại giao đầy tài năng".
Đến khi sang Australia, tình cờ có lần tôi nghe ông Carlyle Thayer – một chuyên gia về Việt Nam – với vẻ đầy kính phục nhắc đến biệt hiệu “con cáo bạc” mà báo chí phương Tây dành để chỉ Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Chẳng là Bộ trưởng có mái tóc điểm bạc, và "khôn, nhanh như cáo".
Nhưng phải đến khi đi Mỹ năm ngoái, tôi mới hiểu hết tầm vóc của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Đi tìm hiểu về chính trị nội bộ Mỹ, tôi phải gặp gỡ nhiều người, cả những người ủng hộ lẫn những người phản đối bình thường hoá quan hệ Mỹ-Việt. Tất cả những người tôi gặp đều có chung một đánh giá, một tình cảm đối với ông. Không thể kể hết được tên tuổi và câu chuyện của tất cả họ, tôi chỉ xin kể vài câu chuyện tiêu biểu.
Ông John Terzano, Phó Chủ tịch "Quỹ Cựu binh Việt Nam của Mỹ” (VVAF) “một Đại sứ quán de facto” của Việt Nam tại Washington trong những năm 1980 kể cho tôi câu chuyện ông sang Việt Nam lần đầu và được gặp Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch vào năm 1981. Đến cuối buổi gặp rồi những người bạn Mỹ vẫn không nghe thấy ông Ngoại trưởng Việt Nam chuyển thông điệp gì cho Chính phủ Mỹ. Đoàn lo lắng và xin gặp Ngoại trưởng một lần nữa để bàn về thông điệp của Việt Nam định chuyển cho Chính phủ Mỹ. Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch cười nói “chẳng nhẽ đây không phải là một thông điệp? Chúng tôi đang nói chuyện với các ông”. Tôi có cảm giác ông John Terzano lúc đó cũng chới với như tôi đã từng chới với. Câu trả lời thật đơn giản, nhưng đó là thực tế. Trong khi Việt Nam chưa thể có những tiếp xúc và cũng chưa thể có thông điệp chính thức gì cho Mỹ, một khi Mỹ vẫn ngoan cố trong vấn đề Campuchia, bản thân việc gặp gỡ với VVAF đã là một thông điệp rồi. Việt Nam không "cắt cầu", Việt Nam sẵn sàng đối thoại, nhưng không phải không có nguyên tắc.
Tôi xem chuyện ông John Terzano mến phục Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch như một chuyện tự nhiên vì bản thân ông và Tổ chức VVAF của ông đã có thiện cảm với Việt Nam rồi. Nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe bà Ann Mills Griffith – Chủ tịch Hội Gia đình cựu binh Mỹ – nhận xét về Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Bà là người phản đối kịch liệt việc bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt. Bà đã từng viết thư trao đổi "nẩy lửa" với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Bà Ann Mills Griffith, viết một bức thư dài trang rưỡi cho Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch phản đối sáng kiến của Việt Nam cho phép các cá nhân và tổ chức Mỹ muốn tìm kiếm người mất tích được mở văn phòng ở Việt Nam và tiến hành các hoạt động tìm kiếm ở đây là việc làm "nhằm đánh lừa dư luận…". Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có thư trả lời bà, nói rõ "việc bà phản đối quả là bất ngờ và không thể hiểu nổi".
Đọc đoạn trao đổi này giữa Ann Mills Griffith và Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tôi nghĩ hai người này khó có thể nhìn mặt nhau được, chứ không nói có thể nghĩ tốt về nhau. Thế nhưng tôi nhầm. Bà Griffith rất hồ hởi kể với tôi chuyện đã gặp và thán phục Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam ra sao. Bà nhận xét Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch là một người biết cách đối thoại, "ông có biệt tài giải quyết các vấn đề phức tạp”. Có lẽ đối với một nhà ngoại giao, không có đánh giá nào cao hơn là đánh giá như vậy của đối phương. Ngoại giao luôn phải giữ lập trường, quan điểm, nhưng cứng nhắc sẽ thất bại. Uyển chuyển để giải quyết được vấn đề, giải quyết được tranh chấp mới là khó. Ann Mills Griffith phản đối đến cùng việc cải thiện quan hệ Mỹ-Việt, nhưng phải nhận xét Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch bằng lời đánh giá cao nhất đó. Bà đề nghị tôi khi về Việt Nam tìm giúp bà một số ảnh bà chụp cùng với Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch để bà giữ lại cho con cháu làm kỷ niệm.
Nếu ai tìm hiểu quan hệ Việt-Mỹ trong những năm đầu thập kỷ 90, đều sẽ bắt gặp cái tên Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ (HĐTM). HĐTM đã thay cho VVAF tiếp tục làm một "Đại sứ quán de facto" của Việt Nam ở Washington DC và góp phần không nhỏ cho việc bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ. Nhưng đọc hồ sơ của HĐTM tôi mới biết việc thành lập HĐTM này lại là sáng kiến của chính Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Từ đầu năm 1989 khi Việt Nam chuẩn bị rút hoàn toàn quân tình nguyện ra khỏi Campuchia, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã xúc tiến kế hoạch thúc đẩy thành lập một "kênh" phi chính thức ủng hộ bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt. Qua một số bạn bè Bộ Ngoại giao đã mời cựu Đại sứ Sullivan, đối thủ của ông ở Hội nghị Geneva về Lào 1962 và Hội nghị Paris về Việt Nam 1968-1973, khi này đã về hưu sang thăm Việt Nam. Chính trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch gợi ý phía Mỹ thành lập một tổ chức thương mại Mỹ - Việt để thúc đẩy bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Tháng 2/1990 HĐTM được thành lập.
Đại sứ Sullivan và HĐTM có tình cảm thật đặc biệt đối với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Trong thư gửi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Đại sứ Sullivan bao giờ cũng bắt đầu bằng một cách xưng hô vừa kính trọng, vừa tình cảm: "Quý Ngài và Người bạn cũ thân mến" (Dear Excellency and Old Friend). Đánh giá về Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, trong bức điện chia buồn gửi bà quả phụ Phan Thị Phúc khi ông mất, Đại sứ Sullivan khẳng định “tôi luôn nghĩ rằng kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Việt Nam là tượng đài cho những cống hiến của ông Thạch". Còn bà Ginny Foote, Chủ tịch HĐTM Việt - Mỹ viết đơn giản hơn cho anh Phạm Bình Minh, con trai út của cố Bộ trưởng, "tôi rất ngưỡng mộ bố anh. Hôm nay tôi giở lại những bức ảnh chụp với ông. Bill (Sullivan) còn có nhiều ảnh hơn. Tôi rất tự hào là tình bạn giữa họ bất chấp mọi bị kịch đã trở thành chiếc cầu đủ khoẻ để trên đó có thể xây một chương mới cho quan hệ giữa hai nước”.
Bà Ginny Foote, còn tiết lộ với tôi ý định của HĐTM nhân dịp 5 năm ngày mất của Bộ trưởng thành lập "Học bổng Nguyễn Cơ Thạch – Sullivan" để hàng năm gửi 1-2 sinh viên xuất sắc của Việt Nam sang Mỹ học cao học.
Những lúc gặp người nước ngoài đánh giá cao về Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tôi lại càng thấy tự hào Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có một Bộ trưởng tài năng như vậy. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch ra đi đã được 5 năm, nhưng tầm nhìn và phong cách ngoại giao của ông vẫn là bài học cho các thế hệ cán bộ ngoại giao trẻ Việt Nam. Ông là người thầy cho nhiều cán bộ chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét