Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Nỗi đau của nhà đàm phán BTA


Nỗi đau của nhà đàm phán BTA

Tôi thực sự không thể hiểu nổi, một vấn đề hệ trọng như vậy, vấn đề liên quan đến lợi ích của một dân tộc, lại có thể bị gạt phăng đi chỉ vì một câu phán của một người nào đó, cho dù người đó có là ai. Bởi, trước đó cả một tập thể quyền lực đã nhất trí rồi. Buồn hơn nữa là sau quyết định bỏ cuộc đó, nhiều nơi lại tranh thủ "đóng góp thêm ý kiến". Họ cho cái dự thảo BTA của chúng tôi xấu hết chỗ nói. - Trưởng đoàn đàm phán BTA Nguyễn Đình Lương
Ông còn nhớ không, đại văn hào Nga Lev Tolstoi đã từng nói rằng cuộc tranh cãi tay đôi chỉ chấm dứt khi một trong hai người hiểu ý định thực sự của người kia. Còn trong trường hợp của BTA, hai bên đã mất tới hơn một năm rưỡi, với 5 vòng đàm phán để làm điều đó. Chỉ có điều, trong trường hợp BTA, cả Việt Nam và Mỹ đều hiểu ý định thực sự của nhau, để không phải chấm dứt ở đó mà cùng nhau đi tiếp.
Kể từ vòng đàm phán thứ 6, ông có cảm nhận thấy thay đổi thái độ của phía Mỹ dành cho ông và đoàn đàm phán Việt Nam không?
Có chứ, rất rõ ràng. Qua thái độ, ánh mắt và lời nói. Chứ trước đó, tôi cảm nhận được sự lo lắng của họ. Vả lại, như Joe đã nói với anh đấy, một người được đào tạo ở Liên Xô và nhiều năm làm việc với Liên Xô và Đông Âu theo mô hình thương mại Xô Viết, chắc hẳn sẽ khó chơi lắm. Khi đã hiểu nhau, Joe có nói với tôi rằng anh ta đã từng chờ đợi những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.
Nhân thể xin hỏi lại ông điều này. Joe Damond nói rằng trưởng đoàn phía Mỹ là "ông chủ" cuộc chơi, nhưng, ông trưởng đoàn Việt Nam lại đóng vai trò như một người điều phối, điều tiết. Có lý do gì đó không, hay là tính cách ông nó vậy?
Thông thường trong đàm phán, nhất là thời gian đầu, tôi hay hỏi nhiều và yêu cầu anh em trong đoàn đặt nhiều câu hỏi. Một mặt, càng nhiều thông tin thì càng hiểu ý tứ của đối tác trong cuộc chơi này. Và, mặt khác, chúng tôi cũng học được nhiều hơn về kinh tế thị trường, để có thể bảo vệ tốt hơn những lợi ích thực sự của Việt Nam. Cũng như Joe Damond và đoàn đàm phán phía Mỹ trong việc bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.
Lý do thứ hai là đoàn đàm phán của Việt Nam là đoàn liên bộ, mỗi bộ lại có lợi ích riêng của mình. Nếu trưởng đoàn không biết điều phối cho khéo, rất dễ xảy ra trường hợp "trưởng đoàn không biết phương án đàm phán riêng của từng bộ".
Ông Nguyễn Đình  Lương và Joe Damond tại lễ kỉ niệm 10 năm BTA
Chẳng hạn, về thuế, tôi bảo anh Tuấn (ông Hà Huy Tuấn, hiện là Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia) về chuẩn bị rồi trình ông Nguyễn Sinh Hùng (Bộ trưởng Tài chính lúc đó) ký và trình tiếp lên Thủ tướng. Về đầu tư, tôi bảo anh  Ân (ông Đinh Văn Ân hiện là Trợ lý Tổng Bí thư) làm, rồi trình ông Thứ trưởng Võ Hồng Phúc ký nháy. Về sở hữu trí tuệ, tôi bảo anh Chiến (ông Đỗ Khắc Chiến - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa Thông tin) và anh Chướng (ông Phạm Đình Chướng - nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học - Công nghệ - Môi trường) soạn thảo rồi trình lên bộ trưởng của họ ký nháy.
Tất nhiên, trước đó, tôi đã có trao đổi cụ thể và thống nhất với anh Tuấn, anh Ân, hay anh Chiến và anh Chướng, là nên triển khai như thế nào. Khi đã có chữ ký bộ trưởng, các anh ấy gửi cho tôi một bản để tôi tập hợp thành một đề án chung và trình lên cấp trên thông qua. Tuy trưởng đoàn là người quyết định cuối cùng, và cũng là người giơ đầu chịu báng nếu có chuyện gì, nhưng vẫn phải hết sức tôn trọng anh em, tôn trọng kiến thức và công sức đóng góp của họ, và nhất là tôn trọng quyền của họ.
Bây giờ chúng ta hay nói là phát huy, hay thu hút, mọi nguồn lực xã hội, trí tuệ xã hội, nhưng nếu không tôn trọng những điều đó, làm sao mà thu hút, hay phát huy, được.
Kể cũng hay nhỉ? Một người đến từ nơi được coi là thế giới tự do như Joe Damond lại cư xử như một nhà độc tài (dictator), như cách ông ta tự nhận khi nói với tôi, còn còn cách làm việc của đại diện phía Việt Nam thì lại...
(Cười) Phía Mỹ họ khác. USTR được lập ra để đàm phán các hiệp định thương mại, cũng như xử lý các tranh chấp thương mại quốc tế. Họ chuyên nghiệp lắm.
Quay lại câu chuyện đàm phán, kể từ cuộc đàm phán thứ 6 cho tới khi hai bên ký tắt hiệp định hơn một năm sau đó, mọi chuyện có suôn sẻ không?
Khi đàm phán về thuế, tôi yêu cầu Joe Damond soạn cho tôi những yêu cầu của phía Mỹ. Và, bước vào bàn đàm phán, họ đưa cho chúng tôi một danh sách rất dài khung giảm thuế, và không quên nhấn mạnh rằng nếu không làm vậy quốc hội sẽ không phê chuẩn. Bởi trong quốc hội, đứng đằng sau nghị sĩ là doanh nghiệp, và nếu doanh nghiệp không được hưởng lợi, nghị sĩ sẽ không ủng hộ.
À, Joe Damond có kể chuyện này, và nói rằng thoạt tiên ông ta rất ngạc nhiên về lời đề xuất này của ông...
Khi bàn trên cơ sở bản danh sách đó, tôi mới bảo với Joe rằng thuế nhập khẩu của Mỹ chỉ chiếm 2% thu ngân sách, chủ yếu để làm chính sách thương mại, trong khi đó ở Việt Nam đó là 20% nguồn thu ngân sách. Ký BTA, nguồn tăng thu từ xuất khẩu chưa biết là bao nhiêu, tự nhiên mất ngay gần hết 1/5 nguồn thu ngân sách, đời nào chính phủ Việt Nam chịu cho ký.
Tôi còn giải thích thêm rằng, bên Mỹ có thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản..., còn Việt Nam thu nhập như lúc đó, ăn còn chẳng đủ, tài sản cá nhân cũng chẳng có mấy, như tôi đang ở nhà của nhà nước. Như vậy lấy đâu ra mà bù vào khoản hụt đó.
Rồi tôi nói: "Thôi chúng ta sẽ bàn, nhưng bàn sau, khi Việt Nam đàm phán gia nhập WTO. Khi đó, Việt Nam cũng có dăm ba năm cải cách hệ thống thuế theo hệ thống của thế giới, như thuế VAT, thuế thu nhập, thuế tài sản..."
Joe nghe ra, hai bên bàn bạc qua lại, và cuối cùng chúng tôi chỉ tập trung vào hơn 200 dòng thuế để bàn về thuế suất và lộ trình giảm thuế.
Nhưng đâu đã ổn. Khi nhóm thuế hai bên đàm phán riêng, phía Mỹ lại yêu cầu phía Việt Nam đưa biểu thuế AFTA (Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN) ra bàn. Anh Tuấn và anh Khánh (hiện là Thứ trưởng Công Thương, Trưởng đoàn Đàm phán TPP) không chịu, và về báo cáo tôi.
Tối hôm đó, Joe mời cơm.
Trong khi ăn, tôi mới hỏi: "Phía Mỹ có định ký BTA không?"
Joe ngỡ ngàng nhìn tôi.
Tôi hỏi tiếp: "Tại sao nhóm thuế lại đưa yêu cầu như vậy? Phía Mỹ đòi biểu thuế AFTA của tôi, vậy, đổi lại, các ông hãy đưa biểu thuế NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ) ra cho chúng tôi. Thế mới bàn được chứ."
Joe chịu tôi, và mọi chuyện trở nên suôn sẻ hơn nhiều. Muốn biết cụ thể hơn về diễn biến đàm phán, nhà báo nên hỏi anh Tuấn, hay anh Khánh.
Có quả thực là trước khi Joe Damond thông báo với ông ở Aukland là việc ký BTA bị dừng lại, ông không hề biết trước?
Tôi đã có linh cảm là có điều gì đó không ổn, khi lãnh đạo cấp cao lại họp để bàn lại lần cuối về việc ký BTA. Bởi, trước đó, đã có sự nhất trí hoàn toàn rồi. Nhưng tôi vẫn tin là mọi chuyện sẽ không sao.
Vì vậy, khi nghe Joe báo, tôi hết sức ngỡ ngàng. Dường như tôi không tin nổi.
Ông cũng chia sẻ cách lý giải của Joe?
Có một lần, ngồi với Ginny Foote, nhắc đến chuyến lỡ tàu đó, tôi nói "phụ nữ rất được việc, nhưng, đôi khi, cũng dễ rách việc". Tất cả cười "ồ" lên.
Ờ, bà Albright, khi còn làm Đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc, đã từng nổi hứng doạ bẻ gãy giò ông Tổng Thư ký Boutros Boutros -Ghali. Vả lại, cha của bà này đã bị cách chức Đại sứ Czech tại Nam Tư và phải đưa cả gia đình bỏ sang Mỹ, khi những người cộng sản lên nắm quyền năm 1948.
Cảm tưởng của ông khi biết rõ hơn về nguyên nhân vụ đổ bể đó?
Buồn, buồn lắm! Buồn vì nhiều lẽ.
Tôi thực sự không thể hiểu nổi, một vấn đề hệ trọng như vậy, vấn đề liên quan đến lợi ích của một dân tộc, lại có thể bị gạt phăng đi chỉ vì một câu phán của một người nào đó, cho dù người đó có là ai. Bởi, trước đó cả một tập thể quyền lực đã nhất trí rồi.
Buồn hơn nữa là sau quyết định bỏ cuộc, nhiều nơi lại tranh thủ "đóng góp thêm ý kiến". Họ cho cái dự thảo BTA của chúng tôi xấu hết chỗ nói.
Chúng tôi lại phải tốn mất mấy tháng trời, tốn mấy trăm tờ giấy viết "bản giải trình", để trả lời những câu hỏi của họ. Khổ nhất là phải giải trình lại những vấn đề mà chúng tôi đã giải thích trước đó cả năm trời rồi, hay những dự đoán hoàn toàn cảm tính, mà thiếu lập luận khoa học, của họ.
Đến khi nào thì lãnh đạo cấp cao lại cho phép nối lại đàm phán để ký BTA?
Sau khi giải trình xong, thấy không có ý kiến gì, tháng 12.1999, chúng tôi lại làm tờ trình xin ký.
Đầu năm 2000, Bộ Thương mại lại có sự thay đổi lãnh đạo. Anh Vũ Khoan, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, về thay anh Trương Đình Tuyển đi Nghệ An.
Vừa mới về, anh Vũ Khoan đã gặp tôi, và bảo: "Hai thằng bạn già chúng mình quyết tâm làm cho xong BTA rồi nghỉ cũng được." Chúng tôi cùng học ở MGMO với nhau, tuy không cùng năm.
Rồi ăn Tết xong, đến giữa tháng 3, tôi gửi thư mời Joe cùng đoàn Mỹ sang Việt Nam. Joe cũng muốn sang, nhưng cả Bộ Ngoại giao Mỹ và USTR rất cảnh giác Việt Nam, sau vụ bị "bẽ mặt" ở Aukland.
Joe có nói tới vai trò của Dan Price trong chuyện này?
Đúng vậy. Chúng tôi mời Dan sang. Mọi chuyện trở nên rõ ràng với phía Mỹ.
Nhưng đến tháng 7.2000, họ vẫn thử thách lần cuối, bằng cách mời Bộ trưởng Vũ Khoan sang. Ông Vũ Khoan sang, tức là hai bên nhất định ký.
Trong lần đàm phán cuối cùng đó, ông nhớ nhất kỷ niệm nào?
Joe và tôi mất có nửa tiếng là giải quyết xong hết, còn lại ba điều khoản để giải quyết ở cấp bộ trưởng.
Ngoài kỷ niệm vẫn lưu trên tường kia là bức ảnh Tổng thống Bill Clinton bắt tay tôi, một kỷ niệm cũng rất ấm áp là Bộ trưởng Vũ Khoan nhất định đợi "ông Lương" xong việc mới cùng lên xe vào Nhà Trắng.
Hà hà, hai ông bạn già...
Ông Nguyễn Đình Lương bắt tay Tổng thống  Bill Clinton
Joe Damond đã viết hồi ký, và hy vọng sang năm sẽ ra mắt độc giả. Thế còn ông?
Bạn bè tôi cũng khuyên tôi, thúc giục tôi nên viết.
Nhưng với tôi, "sự đời đã tắt lửa lòng/ còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!"
Xin cám ơn ông!
Nhìn lại 10 năm thực hiện BTA Việt – Mỹ, ông Nguyễn Đình Lương bảo ông vui vì xuất khẩu tăng mạnh không bằng việc sức nặng pháp lý của BTA đã góp phần giúp Việt Nam làm vỡ tảng băng trì trệ của nền kinh tế bao cấp, làm nghiêng đổ những chiếc cột đồng chống đỡ nền kinh tế "xin - cho" không hiệu quả, bẻ gãy chiếc then cài cổng cho gió WTO thổi vào từng phòng họp, hội trường, từng giảng đường, thư viện, và tháo tung chiếc hộp pháp lý được sản xuất bằng chất liệu "độc quyền" và "phân biệt đối xử"...
Để rồi thiết kế lại một khung pháp luật mới phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, vừa gạt bớt những cản trở trong quá trình thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước là huy động mọi tiềm lực xã hội để phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét