Kỳ 1: Nhân quyền - Đâu chỉ có một cách nhìn nhận!
VietNamNet lật lại hồ sơ về những câu chuyện chưa từng được kể trong quá trình tăng cường hiểu biết giữa Việt Nam - Hoa Kỳ nhân 10 năm bình thường hoá quan hệ giữa 2 nước. Những câu chuyện VietNamNet lần lượt đăng tải dưới đây qua lời kể của một người trong cuộc: Nhân quyền luôn là vấn đề mà Mỹ muốn áp đặt với các nước khác trong đó có Việt Nam, và luôn là rào cản trong tiến trình cải thiện quan hệ song phương. Để có những nhận xét có tính khách quan và hiểu biết như của Cựu Đại sứ Peterson phát biểu bên lề Diễn đàn ‘'Quan hệ Việt - Mỹ: Hướng tới tương lai” vừa rồi, không chỉ hoàn toàn nhờ thiện chí của những người Mỹ mong muốn quan hệ hai nước tốt đẹp hơn, mà còn thông qua những cuộc tranh luận, nhiều khi rất gay gắt, để người Mỹ có thể hiểu và thông cảm với những khía cạnh “phức tạp” của vấn đề trong một bối cảnh chung mang cả tính đồng đại và lịch đại. Câu chuyện về hai cuộc tranh luận giữa một cán bộ Trung tâm Báo Chí, Bộ Ngoại giao, với một nhà báo kỳ cựu và một sử gia nổi tiếng về vấn đề này có thể giúp bạn đọc có thêm một cái nhìn về quá trình “tăng cường hiểu biết” này. |
Khi tranh luận với phóng viên Henry Kamp của báo New York Times, người đàn ông này còn là một chàng phiên dịch rất trẻ của Trung tâm Báo chí Bộ Ngoại giao. Ảnh: H.N. |
Câu chuyện thứ nhất: Phỏng vấn... phóng viên báo New York Times về vụ Mỹ Lai và chuyện nhân quyền
Vừa bước ra khỏi Bảo tàng về vụ thảm sát Mỹ Lai, Henry Kamp quay sang Vũ Bình, vừa nheo mắt vừa nói, nét mặt không giấu được vẻ tự hào: “Tôi là một trong những người đã có công phanh phui ra vụ này ra ánh sáng”.Vũ Bình hỏi luôn: “Vậy ông nghĩ thế nào về quan niệm nhân quyền của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam?”
... Đã hơn một tuần trong suốt chuyến đi xuyên Việt của mình từ Hà Nội vào đây, Henry Kamp, phóng viên cao cấp về đối ngoại của tờ New York Times, tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất trong số những báo có uy tín nhất nước Mỹ, đã lặp đi lặp lại các câu hỏi về tình hình nhân quyền ở Việt Nam với tất cả các quan chức từ cấp Trung ương đến địa phương mà ông ta tiếp xúc.
Đối với những nhà lý luận có tầm cỡ như ông Nguyễn Phú Trọng, hay ông Đặng Xuân Kỳ, cách trả lời không có gì phải bàn. Nhưng với các quan chức cấp địa phương thì những câu hỏi này thực sự làm họ lúng túng.
Vào thời điểm năm 1993, quan hệ giữa hai nước sau gần 20 năm chiến tranh và tiếp đó là khoảng ngần ấy năm cấm vận kinh tế đã bắt đầu có những dấu hiệu được cải thiện. Trong bối cảnh đó, nếu vấn đề nhân quyền, vốn rất “nhạy cảm” với dư luận và Quốc hội Mỹ, được phản ánh một cách tiêu cực sẽ không hề có lợi cho những nỗ lực xích lại gần nhau của cả hai phía.
Tuy nhận thức được chuyện này, nhưng với tư cách một phiên dịch, Vũ Bình vẫn phải trung thành với những gì người ta nói, và kiên nhẫn chờ cơ hội “phản biện” lại với quan điểm của nhà báo Mỹ này.
Là người thu xếp chương trình, anh biết trước là họ sẽ phải qua Mỹ Lai, cũng như biết trước được vai trò của Henry Kamp trong việc phanh phui vụ thảm sát này (do Phái đoàn Đại diện Thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc báo về).
... Henry Kamp tự nhiên sững lại khi nghe câu hỏi của anh chàng phiên dịch trẻ của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Vẻ lúng túng hiện rõ trong ánh mắt ông ta nhìn Vũ Bình. Rồi ông ta nói rằng đây chẳng qua là tội ác của một cá nhân, nhưng cũng công nhận là lúc đầu nó bị che giấu bởi các cấp trong quân đội Mỹ.
Vũ Bình nói luôn một hơi: “Rõ ràng việc này thể hiện chính sách của Mỹ, vì nếu chỉ là sự vi phạm của cá nhân thì việc gì họ phải che giấu. Hơn nữa với tội thảm sát dân thường như vậy tại sao mức án chỉ có 2 năm, và chỉ sau có hơn 1 năm trong tù viên trung uý sát nhân đó lại được chính Tổng thống Gerald Ford ký lệnh ân xá.
Như vậy, Chính quyền Mỹ không thể có một sự bào chữa, hay biện hộ nào cho sự vi phạm nhân quyền ở cấp cao nhất đối với người dân thường vô tội ở Việt Nam”.
“Tôi nói với Henry Kamp rằng việc cải thiện nhân quyền là mong muốn chung của mọi người, mọi xã hội, trong đó có Việt Nam chúng tôi.
Nếu ông là nhà báo đến từ Thuỵ Điển, một nước đã ủng hộ chúng tôi rất nhiều từ trước đến nay, hay đến từ Anh, là nước ít liên quan đến chúng tôi, thì việc đặt vấn đề nhân quyền có thể chấp nhận được.
Nhưng người Mỹ các ông với cái cách nêu vấn đề như ông vẫn nêu thì hoàn toàn không có đủ tư cách, sau tất cả những gì mà Mỹ đã làm ở Việt Nam như Chuồng Cọp, Mỹ Lai, hay chất độc hoá học”, Vũ Bình kể lại trong trạng thái đầy phấn khích.
Nhân đà này, anh tự trả lời luôn vấn đề mà Henry Kamp cũng rất quan tâm trong các cuộc tiếp xúc là việc tại sao Chính quyền Việt Nam lại phải giam giữ những sĩ quan chế độ cũ lâu hơn tuyên bố ban đầu của họ. Anh lưu ý nhà báo New York Times về bối cảnh có những cuộc chiến tranh ở biên giới phía Tây - Nam..., cộng thêm với những toán biệt kích liên tục được cử từ Mỹ về để lật đổ chính quyền.
“Một triệu quân của chế độ Sài Gòn hầu như vẫn còn nguyên, vì chúng tôi không đánh để tiêu diệt mà chỉ đánh cho tan rã với mục đích hoà hợp dân tộc sau này. Đồng thời, lúc đó những kho vũ khí bí mật để lại chúng tôi vẫn chưa phát hiện ra. Trong hoàn cảnh đó liệu có chính quyền nào, kể cả chính quyền Mỹ các ông, dám thả họ ra không?”, Vũ Bình hỏi vặn lại Henry Kamp.
Từ đó đến Sài Gòn, trong suốt phần còn lại của chuyến đi, Henry Kamp không hề đả động gì đến chuyện nhân quyền nữa trong các cuộc phỏng vấn của mình mà chỉ tập trung hỏi về kinh tế.
Sau khi về Mỹ, ông ta có gửi cho Vũ Bình một bức thư ngắn, cám ơn về “một chuyến đi đã mang lại hiểu biết nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam", và về những vấn đề đặt ra trong đầu ông ta trước đó.
“Tôi nghĩ đối với một nhà báo kỳ cựu ở cái tuổi gần 70, một cái tuổi rất khó thay đổi trong tư duy, như Henry Kamp, chừng ấy ấn tượng cũng là quí lắm rồi. Nếu ông ta có viết về nhân quyền chắc ông ta cũng phải cân nhắc chứ không đến nỗi tệ như ông ta hình dung ban đầu”, Vũ Bình lý giải.
Huỳnh Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét