Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Niềm tin và thất vọng


Niềm tin và thất vọng

Liên quan đến việc BTA không ký được tại Aukland vào tháng 9.1999), theo suy đoán của tôi, đã có cái gì đó xảy ra trong chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Madeleine Albright, trên đường sang dự APEC. Chắc bà ta đã nói gì đấy khiến lãnh đạo Việt Nam phải cân nhắc lại việc có nên ký BTA với Mỹ hay không. Bởi mọi thứ gần như đã hoàn thiện cho việc ký kết rồi - Trưởng đoàn đàm phán BTA Mỹ - Việt Joe Damond.
Tức là đã có lúc nào ông nghĩ rằng ông và đối tác của mình sẽ không đi được tới đích?
Đúng vậy.
Bản fax ông nhận được đầu năm 1998 là từ ai, và nội dung thế nào?
Ngay vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới 1998, sau kỳ nghỉ Giáng sinh, tôi đã nhận được một bức fax, vì hồi đó chưa có Internet. Đó là bức thư của ông Lương, khoảng 5-6 trang gì đó. Trong thư ông Lương nêu rõ những bước mà phía Việt Nam sẽ tiến hành, một cách tổng quát nhất.
Đọc xong tôi hiểu rằng chúng tôi có thể tiếp tục đàm phán để ký hiệp định.
Đó chính là bước ngoặt của đàm phán?
Đúng vậy. Tôi đã thực sự ngỡ ngàng khi đọc bức thư đó. Mặc dù trước đó Ginny Foote và Dan Price, người tư vấn cho ông Lương, đã báo với tôi rằng tôi có thể hy vọng ở một cách tiếp cận hoàn toàn khác từ phía Việt Nam.
Bà Ginny Foote thì tôi có biết. Nhưng Dan Price đóng vai trò gì trong tiến trình đàm phán?
Ginny đã rất sáng suốt khi giới thiệu Dan cho ông Lương. Tôi biết rõ Dan, vì ông từng làm cùng với tôi ở USTR, tất nhiên là ở vị trí cao hơn.  Dan là một người tuyệt vời, bởi ông có nhiều kinh nghiệm trong đàm phán BTA với Liên Xô.
Chẳng hạn, lúc đầu phía Việt Nam đề nghị chúng tôi cho biết lộ trình mở cửa thị trường của Việt Nam như thế nào thì phía Mỹ mới có thể chấp nhận.
Tất nhiên là tôi biết, nhưng làm sao tôi có thể nói cho họ được, bởi đơn giản là tôi không đàm phán vì lợi ích của Việt Nam. Phía Việt Nam phải "ra giá" trước, và tôi sẽ "trả giá".
Và sự xuất hiện của Dan thật đúng lúc. Dan hiểu lộ trình mở cửa ở mức nào thì Mỹ có thể chấp nhận được, và ông đã có sự tư vấn tốt cho phía Việt Nam.
Một điều khác khiến tôi ngạc nhiên là làm sao ông Lương và ông Dan có thể thuyết phục được các bộ liên quan của Việt Nam đồng ý với bản dự thảo đó.
À, có một điều này, tuy anh không hỏi, nhưng tôi vẫn muốn nói ý kiến của mình. Đó là sau khi gửi bản thiết kế nội dung đàm phán cho tôi, ông Tuyển và ông Lương vẫn tiếp tục phải giải thích và thuyết phục trong nội bộ Việt Nam để đạt được sự đồng thuận.
Tại sao ông biết?
Thì họ gửi thư cho tôi, yêu cầu tôi khẳng định rõ rằng chỉ có với bản thiết kế vừa rồi phía Mỹ mới có thể ngồi lại cùng phía Việt Nam để đàm phán một cách thực chất. Tôi hiểu bức thư trả lời của tôi là cơ sở để họ thuyết phục trong nội bộ chính phủ Việt Nam.
Đúng là lần đầu tôi mới được nghe câu chuyện như thế này.
Tôi vẫn nghĩ ông Lương lúc đó bất đắc dĩ phải bày những "kỹ xảo" như vậy để đạt được mục đích cuối cùng. Ông còn yêu cầu tôi phải hết sức mạnh mẽ và cứng rắn khi nêu lập trường của mình với đoàn đàm phán Việt Nam.
Tức là ông Lương muốn thông qua ông để làm "nhúc nhắc" những người đứng sau khỏi sức ỳ vốn có của họ?
Chính xác. Ít nhất là tôi cảm nhận được điều đó một cách rõ ràng. Và, nhờ đó, phía Việt Nam đã quay lại bàn đàm phán vào tháng 5.1998 với một bản chào tốt hơn hẳn.
À, còn một chi tiết quan trọng nữa mà không thể không nhắc tới.
Đó là vào mùa hè năm 1997, Bộ Thương mại Việt Nam đã gửi một nhóm sang Geneva (Thuỵ sĩ) làm việc với bộ phận chuyên môn trong ban thư ký WTO để tìm hiểu về WTO, trong đó có luật sư của đoàn đàm phán Việt Nam Nguyễn Hồng Dương, con rể của ông Lương. Sau khi trở về, họ thực sự là những chuyên gia thực thụ. Thậm chí, họ hỏi tôi những câu mà tôi không thể trả lời ngay được, và phải về tra cứu lại tài liệu.
Từ thời điểm đó, họ hiểu những điều chúng tôi đưa ra. Điều quan trọng nhất họ hiểu là những tiêu chuẩn trong đó không phải là tiêu chuẩn Mỹ, mà là tiêu chuẩn của WTO.
Trong khi Việt Nam đàm phán BTA với Mỹ, thì đồng thời Trung Quốc cũng đàm phán với Mỹ về việc gia nhập WTO. Ông có thỉnh thoảng liếc mắt sang tiến trình đó không?
Có chứ. Bộ phận phụ trách đàm phán với Trung Quốc ở USTR ở ngay gần văn phòng tôi, nên tôi cũng học được nhiều từ họ.
Ông học được gì?
Nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế Trung Quốc tương tự nhau, bởi nằm cùng trong một hệ thống kinh tế XHCN. Có điều Trung Quốc đi trước Việt Nam khá xa mà thôi.
Để tôi kể một ví dụ.
Khi đó, một trong những vấn đề lớn trong đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam là quyền thương mại và quyền phân phối. Ở Việt Nam chỉ có doanh nghiệp nhà nước độc quyền làm thương mại.
Các đồng nghiệp đang đàm phán với Trung Quốc đã cho tôi xem một tập tài liệu, khoảng ba trang gì đó, là những gì họ đã làm với Trung Quốc.
Đọc xong, tôi thốt lên: "Hoàn toàn tương tự như những gì tôi đang làm với phía Việt Nam, và tôi có thể sử dụng nó để điều chỉnh phương án của mình."
Trưởng đoàn đàm phán BTA Mỹ - Việt Joe Damond.Ảnh: Thái An
Tôi biết rằng khi Việt Nam đàm phán gia nhập WTO, quyền thương mại và quyền phân phối cũng là những điểm họ cố gắng bảo vệ cho DNNN?
Đúng vậy. Đó chính là hai điểm khó khăn nhất khi tôi đàm phán với Việt Nam. Nếu anh nhìn hiệp định, sẽ thấy một danh sách dài những lĩnh vực cần được tự do hoá quyền thương mại. Tất nhiên, lúc đó, chúng tôi tách riêng quyền phân phối ra.
Và chúng tôi đành chấp nhận nhượng bộ, vì chúng tôi muốn hiệp định có tính khả thi, nhưng không phải cho mọi lĩnh vực. Có lĩnh vực mười năm, nhưng có lĩnh vực chỉ năm năm, thậm chí là hai năm thôi.
Tại Aukland vào tháng 9.1999, các ông có cả đoàn đàm phán?
Đúng vậy.
Và các ông ngồi chơi xơi nước ở đó?
(Cười to) Đúng vậy. Cho đến tận giây phút cuối cùng.
Nói chính xác hơn, là chúng tôi có làm việc với ông Lương về lời văn của hiệp định.
Hiệp định được đàm phán bằng tiếng Anh, được viết bằng tiếng Anh, rồi phía Việt Nam mới dịch ra tiếng Việt. Tôi phải dùng chuyên gia giỏi tiếng Việt của chúng tôi kiểm tra lại xem bản dịch có thể hiện chính xác hay không.
Điều làm tôi đau đầu là chuyên gia tiếng Việt của chúng tôi tranh luận với Luật sư Nguyễn Hồng Dương của phía Việt Nam, không ai chịu ai. Tôi đứng giữa không biết phải phán xử thế nào.
Chúng tôi cứ làm việc như vậy cho đến khi Bộ trưởng Trương Đình Tuyển xuất hiện cùng Thủ tướng Việt Nam cho sự kiện APEC. Khi họ đến sân bay, họ vẫn chưa biết quyết định cuối cùng từ lãnh đạo cao cấp của Việt Nam.
Vậy ai báo cho ông biết là hiệp định sẽ không được ký ở Aukland?
Tôi có một phòng suite ở khách sạn, nơi tôi và ông Lương cùng làm việc với nhau về văn bản.
Khi đang ngồi trong đó, tôi nhận được cú điện thoại từ Đại Sứ quán Việt Nam tại Hà Nội rằng một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam đã báo với Đại sứ Peterson là hiệp định không ký được.
Cảm giác của ông lúc đó?
Tôi bị sốc thực sự.
Tôi ra ngoài, và nói với ông Lương rằng tôi đã nhận được một cú điện thoại như vậy.
Lương không hề biết. Ông ấy bảo ông Tuyển vừa hạ cánh được một giờ, và ông gọi cho Bộ trưởng Tuyển để kiểm tra lại.
Rồi ông thở dài và nói: "Anh nói đúng."
Ông có nghĩ rằng ông Lương thực sự chưa biết điều đó khi ông thông báo không?
Tôi tin chắc là ông không biết. Bởi tôi theo dõi rất kỹ sự thay đổi sắc diện của ông khi gọi điện thoại cho ông Tuyển.
Tổng thống Clinton có được thông báo trước rằng hiệp định sẽ được ký ở Aukland, và ông sẽ chứng kiến thời khắc lịch sử đó?
Đúng vậy. Tôi đã nói chuyện với Nhà Trắng về lễ ký. Và tôi chờ đợi giây phút được hiện diện cùng với Tổng thống Clinton trong sự kiện trọng đại đó, điều mà tôi chưa từng được cảm nhận trước đó.
Tôi đã hình dung sẽ lật trang cho Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Barshefski ký, còn Tổng thống Clinton đứng đằng sau sẽ dõi theo từng động tác của tôi.
Ông có tình cờ biết được phản ứng của Tổng thống Clinton khi biết sự kiện ông mong chờ để hoàn tất tiến trình bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, từ ngoại giao đến thương mại, mà ông chính là người khởi đầu, trước sự hiện diện của nguyên thủ hai chục nền kinh tế APEC, bị đổ bể, không?
Không.
Đến lúc nào thì ông biết nguyên nhân của việc đình lại chuyện ký kết?
Tất cả những gì chúng tôi được biết là Hà Nội đã không đạt được sự đồng thuận cuối cùng. Có ai đó trong giới lãnh đạo Việt Nam đã phản đối vào phút chót, rằng chưa phải thời điểm thích hợp để ký BTA với Mỹ.
Tại buổi hội thảo nhân kỷ niệm 10 năm thực thi BTA (9.12.2011), ông bảo ông đã nghĩ rằng ông sẽ phải mất thêm năm năm nữa để đàm phán lại từ đầu. Ông thực sự lo sợ đến như vậy?
Tôi e rằng người ta sẽ gọi ông Lương đến, và chỉ thị rằng "ông và ông Tuyển đã cho phía Mỹ quá nhiều, và bây giờ nhiệm vụ của ông là phải đòi lại".
Tức là xoá bàn cờ đi, chơi lại từ đầu?
Tôi đã e là như vậy.
Theo ông, nguyên nhân chính là gì?
Tôi thực sự không biết rõ ràng điều gì đã xảy ra. Nhưng, theo suy đoán của tôi, đã có cái gì đó xảy ra trong chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Madeleine Albright, trên đường sang dự APEC. Chắc bà ta đã nói gì đấy khiến lãnh đạo Việt Nam phải cân nhắc lại việc có nên ký BTA với Mỹ hay không.
Bởi mọi thứ gần như đã hoàn thiện cho việc ký kết rồi. Và như ông Lương và tôi cùng khẳng định tại buổi hội thảo đó, rằng chúng tôi chỉ mất có nửa tiếng đồng hồ để giải quyết gọn gàng 12 điều khoản kỹ thuật còn lại, khi chúng tôi gặp nhau ở Washington DC vào tháng 7.2000.
Ông Joe Damond và ông Nguyễn Đình Lương. Ảnh: Thái An
Nhưng nếu chỉ có vậy, tại sao ông lại lo sợ rằng việc đàm phán sẽ bắt đầu từ đầu và kéo dài thêm 5 năm nữa?
Tôi đoán rằng ở trong giới lãnh đạo Việt Nam, kể cả trong chính phủ, vẫn có những người không muốn mở cửa thị trường cho Mỹ. Họ sẽ nhân cơ hội đó để chỉ trích rằng ông Lương và ông Tuyển đã nhượng bộ quá nhiều, và như thế là không thể chấp nhận được.
Vậy trong thời gian 10 tháng giữa Aukland và Washington ông có trao đổi gì với ông Lương không?
Mãi sau này. Chứ còn lúc đầu, chúng tôi quyết định rằng họ muốn ký thì ký, còn không thì thôi. Chúng tôi không muốn nhắc lại chuyện này nữa.
Ông Lương có gửi thư mời tôi sang Hà Nội vào khoảng giữa tháng Ba. Tôi cũng rất muốn sang để nói chuyện với ông Lương xem có cách nào cứu vãn được bản hiệp định mà hai chúng tôi cùng hai đoàn đàm phán đã lao tâm khổ tứ suốt mấy năm ròng không, tuy chỉ là về những vấn đề kỹ thuật.
Nhưng cả bà Barshefski, cả phó của bà là ông Fisher, và cả Đại sứ Peterson, đều nói tôi không được sang Việt Nam. Nếu trưởng đoàn đàm phán phía Mỹ sang Việt Nam, điều đó sẽ là một tín hiệu cho phía Việt Nam hiểu rằng phía Mỹ sẵn sàng đàm phán lại.
Quả thật, trong thời gian đó tôi rất lúng túng. Tôi không biết phải làm gì, mặc dù rất muốn làm một cái gì đó.
Vậy bế tắc được phá vỡ như thế nào, để sau đó bốn tháng, hai bên cuối cùng lại ký được hiệp định?
Lại là vai trò của Ginny Foote. Dan Price sang Hà Nội, và mọi chuyện trở nên rõ ràng hơn.
Đến tháng 7.2000, đi cùng với ông Lương sang Washington DC có cả ông Vũ Khoan, người thay thế ông Trương Đình Tuyển tại Bộ Thương mại. Tôi hiểu là mọi chuyện đã OK thật rồi.
Sau khi BTA được ký, ông có tiếp tục làm cho USTR không?
Chỉ thêm một năm thôi.
Tại sao?
Tôi đã rất may mắn ký được một hiệp định rất quan trọng, mang tính lịch sử. Tôi đã được vào Nhà Trắng, được bắt tay Tổng thống Mỹ.
Tôi nghĩ vận may đó sẽ không lặp lại. Phúc bất trùng lai mà.
Vì vậy, tôi đã quyết định rời USTR để tìm thách thức mới. Đó cũng là lý do tôi viết hồi ký đàm phán BTA.
Tôi muốn toàn bộ quá khứ đó được cất giữ trong cuốn sách, chứ không theo tôi trên con đường tôi đang đi, trước khi tôi trao lại nó cho con cái mình, để chúng hiểu về một thời đáng nhớ của cha chúng. Thật hạnh phúc khi hình dung cái thời khắc đó, khi tôi đã già.
Bao giờ tập hồi ký này sẽ được xuất bản?
Hy vọng là năm sau. Tôi đã cùng ông Lương đến Nhà Xuất bản Thế giới để làm việc với họ.
Bản tiếng Anh đã xuất bản bên Mỹ chưa?
Chưa. Hy vọng là nó sẽ được in bên Mỹ, sau khi đã ra mắt ở Việt Nam.
Xin cám ơn ông.
Đại sứ "Pete" Douglas Peterson nói với tác giả vào tháng 7.2010, bên lề cuộc hội thảo ở Hà Nội kỷ niệm 10 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ:
"Khi Việt Nam, vào mùa xuân năm 2000, gửi tín hiệu sang bên Mỹ về việc muốn nối lại đàm phán, phía Mỹ muốn chờ thêm một thời gian nữa để khẳng định thêm rằng Việt Nam thực sự muốn ký BTA với Mỹ. Chúng tôi không muốn thảm hoạ ở Aukland bị lặp lại.
Với việc chậm ký BTA, Việt Nam đã lỡ mất ít nhất hai năm để khởi động đàm phán cho việc gia nhập WTO của Việt Nam, và cũng vì vậy lỡ mất cơ hội gia nhập WTO sớm hơn. Hơn nữa, khi Việt Nam khởi động đàm phán song phương gia nhập WTO một cách thực sự (năm 2004), mức xà đã được nâng lên, và Việt Nam buộc phải nhảy cao hơn. Tức là phải cam kết nhiều hơn."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét